NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Định hướng chính sách ổn định để phát triển

Diendandoanhnghiep.vn Phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đang đối mặt với 3 điểm nghẽn lớn về cơ chế chính sách, các vấn đề kỹ thuật và khả năng tiếp cận tài chính.

>>> [TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Phát triển năng lượng tái tạo, tư duy và hành động trong bối cảnh mới"

Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới” và Trao chứng nhận cho các dự án trong Chương trình bình chọn: “Dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2022” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 6/1/2023, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Công suất nguồn năng lượng tái tạo (cả thuỷ điện) hiện nay khoảng 46.834 MW chiếm 56% công suất nguồn điện. Trong đó có 7.605 MW công suất nguồn điện gió đã hoàn thành (trong đó, 4.126 MW đã vào vận hành và hưởng giá FIT, còn 62 dự án với tổng công suất 3.479 MW đã ký PPA với EVN nhưng do giá FIT hết thời hạn nên chưa có giá bán điện).

Bên cạnh đó, có 16.545 MW tổng công suất nguồn điện mặt trời; có 22.910 MW tổng công suất các nguồn thuỷ điện (tăng hơn 2,5 lần so với 10 năm trước); có 310 MW công suất điện sử dụng bã mía tại các nhà máy đường, đang đầu tư 170 MW công suất nguồn điện sử dụng trấu và phụ phẩm của gỗ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy

Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Vy, phát triển năng lượng tái tạo hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất, các cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo chưa đưa ra được định hướng lâu dài, nhiều chính sách còn bất cập. Cụ thể, với dự án điện sinh khối, các dự án đồng phát chỉ hoạt động trong vụ mùa ép mía (4-5 tháng), thời gian còn lại trong năm (7-8 tháng) ngừng hoạt động.

Các dự án điện đồng phát có thể điều chỉnh kỹ thuật để tiếp tục hoạt động như nhà máy điện sinh khối sử dụng nguyên liệu khác như gỗ vụn, vỏ cây, phụ phẩm nông nghiệp… để phát điện. Tuy nhiên, nếu giá điện vẫn ở mức như điện đồng phát, hoạt động này sẽ không khả thi về mặt kinh tế do phải tăng thêm chi phí mua nhiên liệu sinh khối.

Với các dự án điện gió và điện mặt trời hiện cơ chế hỗ trợ hết hiệu lực từ ngày 1/11/2021, chưa có chuyển tiếp nên 62 dự án/phần dự án điện gió đã xây dựng xong nhưng chưa được đưa vào vận hành do chưa có cơ chế giá.

Các dự án năng lượng tái tạo còn gặp khó khăn từ việc thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn ứng dụng công nghệ. Ngoài ra, các dự án năng lượng tái tạo có thể kết hợp sản xuất điện với sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn phải thực hiện thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dẫn đến kéo dài thực hiện, chưa tạo được sự đồng thuận của người nông dân.

Thứ hai, những khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật như chưa có sự phát triển đồng bộ giữa các dự án năng lượng tái tạo với lưới điện truyền tải; các dự án điện gió, điện mặt trời có công suất biến đổi phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, ảnh hưởng một phần đến quá trình vận hành hệ thống điện…

Thứ ba, khó khăn về tài chính. Các dự án năng lượng tái tạo có nhu cầu lớn về vốn nhưng rủi ro cao do công suất và sản lượng phụ thuộc vào thời tiết, khó hậu khiến thời gian thu hồi vốn có thể kéo dài. Các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại chưa sẵn sàng cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất cao.

Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư năng lượng tái tạo tham gia diễn đàn

Các doanh nghiệp, các nhà đầu tư năng lượng tái tạo tham gia diễn đàn

Từ những khó khăn, vướng mắc trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy đề xuất các định hướng, chính sách ổn định. Hiện nay cơ chế giá cho  các dự án điện mặt trời, điện gió - hai nguồn chủ lực trong năng lượng tái tạo đã hết hiệu lực, cần đưa ra định hướng trong giai đoạn tiếp theo.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới dự kiến Chính phủ ban hành giá trần, đồng thời thực hiện quy hoạch năng lượng tái tạo theo từng năm, từng vùng, miền để xác định nhu cầu công suất hàng năm. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư chuẩn bị dự án, đàm phán các hợp đồng mua bán điện với EVN rồi xây dựng và đưa vào vận hành.

Đây là hướng với các dự án lớn, còn các dự án quy mô nhỏ như điện mặt trời mái nhà, điện sinh khối thì cơ chế giá FIT vẫn cần được áp dụng.

Với các dự án năng lượng chuyển tiếp, trong thời gian chờ tính toán khung giá phát điện, đàm phán và ký hợp đồng mua bán điện, đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành giá điện tạm tính, cho phép EVN huy động các nhà máy điện chuyển tiếp và thanh toán tiền điện theo mức giá bán điện tạm tính. Doanh thu bán điện của các dự án sẽ được điều chỉnh lại theo giá bán điện chính thức.

Đối với dự án điện sinh khối đồng phát, Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung, điều chỉnh Quyết định 08 theo hướng ngoài vụ sản xuất mía đường, khi không hoạt động theo cơ chế đồng phát nhiệt – điện, nhà máy sẽ hoạt động như nhà máy điện sinh khối, giá mua điện theo giá điện sinh khối.

Cùng với đó là các đề xuất liên quan việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho công nghệ năng lượng tái tạo; áp dụng cơ chế sử dụng đất cho phát triển năng lượng tái tạo; các giải pháp hạn chế ảnh hưởng của các dự án năng lượng tái tạo biến đổi.

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Định hướng chính sách ổn định để phát triển tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713513187 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713513187 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10