Sự chuyển đổi cơ cấu từ ngành năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng tái tạo không chỉ góp phần thúc đẩy lĩnh vực kinh tế, sản xuất mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội và môi trường.
Từ bài học năng lượng của Trung Quốc
Trung Quốc đã nhận thấy những vấn đề trầm trọng phát sinh từ việc ô nhiễm môi trường và đang cố gắng điều chỉnh để không làm tổn hại cho nền kinh tế. Từ chỗ là một quốc gia phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ, khí đốt…, đến nay, Trung Quốc đã từng bước đa dạng hóa nguồn cung cấp điện năng thông qua việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Hiện nay, Trung Quốc được xem là quốc gia đang dẫn đầu về sản xuất năng lượng sạch - đặc biệt là năng lượng gió và mặt trời. Tính đến đầu năm 2019, Trung Quốc đang sở hữu 6 trong số 10 công ty sản xuất các mô - đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năm 2018, các công ty này đã lắp đặt một nửa tổng công suất điện mặt trời trên toàn thế giới.
Bước sang năm 2019, Trung Quốc là quốc gia đầu tiên vượt qua 100 gigawatt công suất điện mặt trời được lắp đặt, tương đương với điện được sản xuất từ khoảng 75 nhà máy điện hạt nhân.
Có thể bạn quan tâm
01:27, 02/09/2019
15:56, 19/07/2019
00:00, 05/07/2019
Việc tìm ra các giải pháp năng lượng sạch được xem là vấn đề cấp bách tại Trung Quốc hiện nay. Bắc Kinh đã ưu tiên đầu tư vào năng lượng mặt trời vì loại hình năng lượng này cho phép trực tiếp giải quyết các vấn đề đang được xem là vấn nạn như ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng, và đi cùng với đó là các lợi ích liên quan như tài chính hay môi trường.
Để có thể đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã thông qua các kế hoạch toàn quốc nghiêm ngặt. Một trong những chương trình đó phải kể đến Chương trình Độ sáng, được đưa ra vào năm 1996. Chương trình này được xem là chính sách quốc gia đầu tiên của Trung Quốc nhằm thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời và gió.
Vào đầu những năm 2000, Trung Quốc đã chuyển sang tập trung vào sản xuất điện để để xuất khẩu, một phần là nhờ nguồn tài trợ từ châu Âu trong việc lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cung cấp các gói tín dụng, tạo cơ chế tài chính cho việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cũng như thành lập các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia tại một số công ty lớn của nhà nước. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng khuyến khích việc chuyển giao công nghệ, việc chuyển giao này chủ yếu thông qua việc mua thiết bị sản xuất từ các nước công nghiệp phát triển.
Với những nỗ lực đó, Trung Quốc bước đầu đã thành công trong ngành công nghiệp sản xuất điện từ các nguồn năng lượng sạch. Từ năm 2000 đến 2006, khoảng 95% mô-đun quang điện mặt trời được sản xuất tại Trung Quốc đã được xuất khẩu ra thế giới.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các khoản trợ cấp của châu Âu sụt giảm trở lại, và đây chính là cơ hội cho Trung Quốc, giúp quốc gia này tạo ra một thị trường nội địa rộng lớn đối với các tấm pin mặt trời.
Vào tháng 7/2009, Bộ Tài chính Trung quốc đã tái giới thiệu "Dự án Mặt trời Vàng - Golden Sun" với nhiều chi tiết cụ thể của chính sách liên quan. Chính sách này cung cấp cho lưới quốc gia từ kết nối với các dự án quang điện thế hệ mới.
Về nguyên tắc, nhà nước sẽ cho quyền nối lưới và hỗ trợ truyền tải, phân phối điện từ các dự án quang điện thế hệ mới. Nhà nuớc cung cấp các khoản trợ cấp tuơng đuơng 50% tổng vốn đầu tư cho các dự án trong đô thị. Mức trợ cấp sẽ tăng tới 70% cho các hệ thống quang điện ở vùng sâu, vùng xa chưa kết nối với lưới điện.
Nhằm giúp bình ổn giá điện, Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc đã công khai đấu thầu các dự án năng lượng mặt trời trên một số trang web của Chính phủ. Điều này đã tạo ra một thị trường cạnh tranh khốc liệt, giúp giảm giá bán điện xuống tới 0,45 nhân dân tệ (0,06 USD) mỗi kilowatt giờ - mức giá gần với mức giá đối với bán điện từ các nhà máy nhiệt điện than.
Có thể xem Trung Quốc là một quốc gia thành công điển hình trong việc áp dụng thay thế dần các nguồn năng lượng hóa thạch bằng các nguồn năng lượng sạch. Thành công này của Trung Quốc có thể được xem là một điển hình để các quốc gia khác học tập.
Và kinh nghiệm cho ASEAN
Tại khu vực ASEAN, phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo luôn là vấn đề cấp thiết của các quốc gia trong khu vực hướng tới với mục tiêu xây dựng một cộng đồng ASEAN xanh và sạch.
Theo IEA, mức tiêu thụ năng lượng của khu vực Đông Nam Á đã tăng 60% trong 15 năm qua. Tuy nhiên, giống như Trung Quốc, nhiều quốc gia tại khu vực đã và đang phải đối mặt với nạn ô nhiễm môi trường từ việc sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ.
Mặt khác, các nguồn năng lượng hóa thạch lại không phải là nguồn nhiên liệu vô hạn và bền vững. Nhận thức được điều này, hầu hết các quốc gia đều đang tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Bởi vậy, các quốc gia Đông Nam Á đều đang thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng sạch.
Tuy nhiên, liệu các nền kinh tế mới nổi khác trong khu vực ASEAN có thể làm được như Trung Quốc hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào việc họ các quốc gia này có thể thể triển khai các chính sách đổi mới như Trung Quốc đã làm hay không.
Thời gian qua, các dự án phát triển năng lượng tái tạo tại các nước trong khu vực Đông Nam Á đối mặt nhiều thách thức, trong đó nổi cộm nhất là thách thức về chi phí.
Theo Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) và Trung tâm Năng lượng ASEAN (ACE), ASEAN cần số vốn đầu tư lên tới 290 tỷ USD cho lĩnh vực năng lượng tái tạo để có thể đạt mục tiêu từng đề ra, đó là tới năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ chiếm 23% tổng năng lượng sơ cấp mà ASEAN sử dụng.
Theo một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Habibie (Indonesia), tiếp cận tài chính được coi là yếu tố quan trọng nhất để phát triển các dự án năng lượng tái tạo nói chung.
Cũng theo Trung tâm nghiên cứu Habibie, hiện một số quốc gia thành viên ASEAN, như Malaysia, Indonesia... còn thiếu kinh nghiệm và chuyên môn trong đánh giá rủi ro đầu tư năng lượng tái tạo khiến cho các nhà đầu tư ngần ngại rót vốn vào các dự án này.
Bên cạnh đó, điều kiện địa lý và kỹ thuật cũng là một thách thức. Cụ thể, các quốc gia như Indonesia và Philippines do điều kiện địa lý là quốc gia quần đảo, cho nên các lưới điện bị chia cách, ảnh hưởng việc truyền tải điện và cản trở triển khai các dự án.
Thiếu khung pháp lý, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ và khu vực tư nhân... về lĩnh vực năng lượng tái tạo cũng là những rào cản lớn khác trong giới thiệu và phát triển các dự án ở Đông Nam Á.
Theo giới quan sát, sẽ có ba cách cho ASEAN trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp sách của khu vực phát triển. Đầu tiên, ASEAN cần thực hiện các mục tiêu cụ thể, có thể đo lường cung như xây dựng các chính sách ràng buộc rõ ràng.
Đối với các nền kinh tế mới nổi của ASEAN, điều này sẽ đòi hỏi một cuộc đối thoại chuyên sâu giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ để đặt ra các mục tiêu và đưa ra chính sách pháp lý nhằm đảm bảo tính bền vững cho các mục tiêu đó.
Thứ hai, một chính sách công nghiệp và năng lượng tích hợp là điều cần thiết cho sự tăng trưởng nhanh chóng của các ngành năng lượng mặt trời, vốn phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế. Để có được sự thành công như ngày hôm nay, chính bản thân ngành công nghiệp này của Trung Quốc đã phải chứng kiến sự sụp đổ của nhiều công ty.
Thậm chí tại một thời điểm nào đó, Bắc Kinh đã phải thiết kế lại các chính sách đối với ngành công nghiệp này. Chính những quyết tâm này khi được cộng hưởng lại với nhau đã giúp ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Trung Quốc cất cánh.
Hầu hết các nước ASEAN vẫn chưa hoàn toàn mở cửa chào đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng, cũng như các quốc gia tại ASEAN đều áp dụng các mức thuế nhập khẩu cao đối với các công nghệ carbon thấp. Nếu không bao quát sự hội nhập chính sách, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở các quốc gia trong khu vực sẽ khó lòng đạt được thành công.
Theo IRENA, Đông Nam Á là một khu vực phát triển nhanh và năng động, với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và số dân ngày càng tăng, sẽ làm tăng nhu cầu về điện. Bởi vậy, năng lượng tái tạo sẽ giải quyết nhu cầu này và bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững và toàn diện của khu vực.
Trong khi đó, Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi khẳng định tầm quan trọng của việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo; đồng thời cũng nhấn mạnh, thỏa thuận nêu trên sẽ tạo thuận lợi chuyển giao kiến thức về mặt chính sách và thực tiễn.
Tại Việt Nam, các đơn vị sản xuất năng lượng sạch đã có bước đi tiên phong trong việc niêm yết cố phiếu trên sàn chứng khoán, trong đó có thể kể đến CTCP Phát triển Năng lượng Sơn Hà (mã SHE, sàn HNX); CTCP Licogi 13 (mã LIG, sàn HNX); CTCP Điện Gia Lai (mã GEG, sàn UPCOM), CTCP Create Capital Việt Nam (mã CRC, sàn HOSE).
Trong đó, việc đàm phán hợp tác với JinkoSolar - nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới từ Trung Quốc của CTCP Create Capital Việt Nam hồi đầu tháng 8 vừa qua có thể mở ra nhiều cơ hội cho bản thân doanh nghiệp cũng như mục tiêu phát triển nguồn năng lượng sạch trong nước, qua đó giảm phụ thuộc vào năng lượng tái tạo (thủy điện) và năng lượng hóa thạch (than, dầu, khí, uranium).
Hi vọng những bước đi này sẽ góp phần tạo nên một thị trường năng lượng cạnh tranh hoàn chỉnh và phát triển đồng bộ, gắn liền mục tiêu phát triển năng lượng quốc gia với xu hướng hội nhập quốc tế.