Mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc được tiếp thêm luồng gió mới.
Mới đây, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân 2025 giữa Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam) và Bí thư Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Các hoạt động thiết thực
Chương trình Gặp gỡ đầu xuân là hoạt động ngoại giao cấp địa phương được tổ chức thường niên nhằm triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc và Gặp gỡ đầu Xuân 2025 là hoạt động ngoại giao khởi đầu của “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025”, kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1950-2025).
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các địa phương hai nước là chủ thể quan trọng góp phần tổ chức thực hiện thành công và đưa những nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước đi vào thực tế. Mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương là động lực mới thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu và toàn diện.
Ông Thắng cũng hoan nghênh tỉnh Quảng Tây và các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang tiếp tục duy trì triển khai tốt cơ chế Gặp gỡ đầu Xuân giữa các Bí thư Tỉnh uỷ, Bí thư Khu ủy và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp giữa 5 địa phương; đánh giá cao ý tưởng sáng tạo của hai bên về việc mở rộng thêm thành viên tham gia Gặp gỡ là TP Hải Phòng của Việt Nam.
Còn ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tinh ủy Quảng Ninh cho biết, dưới sự dẫn dắt của tinh thần 4 tốt và phương châm 16 chữ đã mang đến cho nhân dân hai nước nói chung, 5 tỉnh - khu nói riêng niềm tin sâu sắc về một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Được biết, trong năm 2024, các tỉnh – khu đã cùng chủ động, tích cực triển khai thực hiện toàn diện các nhận thức chung tại Gặp gỡ đầu Xuân 2024. Hoạt động đối ngoại cấp lãnh đạo các tỉnh - khu và giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp diễn ra sôi động, hiệu quả. Công tác quản lý biên giới được triển khai chặt chẽ, hiệu quả góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển. Các tỉnh - khu thực hiện nghiêm túc, phối hợp quản lý bảo vệ biên giới theo 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận song phương đã được ký kết…
Ông Trần Cương - Bí thư Khu uỷ Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây cho biết, những nội dung giao lưu, hợp tác giữa 5 địa phương thời gian qua đã được triển khai đúng tiến độ. Quan hệ láng giềng hữu nghị tiếp tục được duy trì, tin cậy chính trị không ngừng được vun đắp. Các lĩnh vực trọng điểm được triển khai hiệu quả. Các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác cơ bản được phối hợp tháo gỡ kịp thời.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các bên
Để mối quan hệ hợp tác giữa 4 tỉnh biên giới Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, ngày càng phát triển và đi vào thực chất, trên cơ sở các nội dung trao đổi, thống nhất, Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã ký kết Biên bản hội đàm giữa Tỉnh ủy các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây về tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Cũng tại Chương trình Gặp gỡ đầu Xuân và Hội nghị Ủy ban công tác liên hợp năm 2025, 4 tỉnh biên giới của Việt Nam với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc), cũng như các ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ninh với các địa phương của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã tiếp tục thống nhất, kí kết 29 thoả thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị.
Theo ông Vũ Đại Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, trong năm 2025 đề nghị 5 tỉnh - khu tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa hiệu quả các Tuyên bố chung, cùng các nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước. Phát huy hiệu quả các cơ chế giao lưu, hợp tác hiện có, trong đó cơ chế Gặp gỡ đầu Xuân giữa các Bí thư các tỉnh - khu có vai trò dẫn dắt, định hướng để các tỉnh - khu triển khai đầy đủ, hiệu quả các nội dung hợp tác trên các lĩnh vực.
Đồng thời cũng đề nghị các bên cần triển khai có hiệu quả Biên bản Gặp gỡ đầu Xuân 2025, triển khai nội dung hợp tác trong khuôn khổ cơ chế Ủy ban công tác liên hợp, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, y tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp, quản lý lao động qua biên giới, tư pháp, logistics, kết nối giao thông. Các bên cần tích cực tham gia và phối hợp công tác nghiên cứu của Nhóm công tác nghiên cứu các mô hình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Cùng với đó, đẩy mạnh nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu, lối mở trên tuyến biên giới giữa các bên. Nghiên cứu, hợp tác triển khai mô hình cửa khẩu thông minh, xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối giao thông tại cửa khẩu.
Các bên liên quan tăng cường hợp tác thuận lợi thông quan nhằm tăng hiệu suất thông quan, kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu giữa các địa phương của Việt Nam với Quảng Tây. Tích cực báo cáo cơ quan Trung ương của hai nước sớm triển khai lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng...
Còn về phía Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, ông Trần Cương - Bí thư Khu uỷ Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây đề nghị thời gian tới, 5 tỉnh – khu tiếp tục duy trì giao lưu thường xuyên, thúc đẩy kết nối quy hoạch phát triển, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, lí luận chủ nghĩa xã hội. Tăng cường thực hiện các nội dung các bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên. Đồng thời, duy trì hiệu quả cơ chế Gặp gỡ đầu Xuân, Hội nghị Uỷ ban công tác liên hợp, thực hiện thí điểm khu hợp tác ngành nghề qua biên giới Móng Cái - Đông Hưng. Chung tay xây dựng trung tâm hợp tác sáng tạo trí tuệ nhân tạo Trung Quốc - Việt Nam. Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực mới như chuyển đổi số, sản phẩm dịch vụ trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, đề nghị các bên thúc đẩy “kết nối cứng” về đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, kết nối hạ tầng cửa khẩu, tăng cường “kết nối mềm” về hải quan thông minh. Quảng Tây tích cực phối hợp triển khai hỗ trợ Việt Nam lập quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng…
Được biết, cùng với các thoả thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị được kí kết, các bên liên quan đã thống nhất các nội dung hợp tác tập trung 5 định hướng cụ thể. Trong đó, tăng cường giao lưu hợp tác giữa các cấp ủy Đảng địa phương, tăng cường phối hợp chặt chẽ trong quản lý biên giới trên đất liền, xây dựng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, phồn vinh. Đồng thời, tăng cường hợp tác thực chất trên các các lĩnh vực trọng điểm, tăng cường giao lưu nhân dân, đoàn thể. Tăng cường hợp tác du lịch, truyền thông, văn hóa, khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế, nông nghiệp.
Đặc biệt, với tinh thần đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách thức tổ chức để thúc đẩy hợp tác hơn nữa giữa các địa phương của Việt Nam với các địa phương của Trung Quốc, các tỉnh - khu đã nhất trí mở rộng chương trình Gặp gỡ đầu Xuân và Ủy ban công tác liên hợp thông qua việc TP Hải Phòng gia nhập cơ chế Gặp gỡ đầu Xuân và Ủy ban công tác liên hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, Sở Công Thương sẽ tích cực tham gia và phối hợp với nhóm công tác nghiên cứu các mô hình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc do Bộ Công Thương (Việt Nam) và Bộ Thương mại (Trung Quốc) thành lập. Đồng thời, hỗ trợ, chia sẻ các thông tin về hiệp định thương mại tự do, cơ chế, chính sách tới doanh nghiệp của hai bên. Tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của hai bên thông qua tổ chức các hội chợ, tìm kiếm thị trường, qua đó đưa sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.