Bộ KH&ĐT và Bộ Tư pháp đang có quan điểm khác nhau về giải thích, áp dụng Luật Doanh nghiệp và Luật Luật sư với ngành nghề hoạt động đại diện, tư vấn pháp luật.
Trên báo chí, trong khi Bộ KH&ĐT cho rằng Luật Luật sư quy định luật sư, tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện dịch vụ tư vấn pháp luật nhưng không quy định cứng là chỉ luật sư mới được hành nghề này thì phía Bộ Tư pháp lại cho rằng hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là hoàn toàn sai, đi ngược lại quan điểm trước đây của hai bộ đã thống nhất.
Về những tranh cãi này, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, Thạc sĩ Từ Thanh Thảo, giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP HCM cho rằng cần phân định các hoạt động cụ thể trong nhóm ngành cung cấp dịch vụ pháp lý.
Cụ thể, đối với hoạt động tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa trong vụ án hình sự thì người đó bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư như phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.
Đối với các hoạt động tư vấn pháp luật thì điều kiện hoạt động chỉ cần là người đó đã tốt nghiệp cử nhân luật là có đủ điều kiện để hành nghề.
Các hoạt động dịch vụ pháp lý khác như giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch và giúp đỡ khách hàng thực hiện công việc khác theo quy định của pháp luật thì không cần đặt ra điều kiện về chứng chỉ hành nghề hay đã qua đào tạo trình độ cử nhân luật.
Thêm vào đó, theo ông Thảo, chúng ta cần phân định giữa hoạt động đầu tư và hành nghề liên quan đến hoạt động dịch vụ pháp lý.
Các cá nhân, tổ chức với tư cách là những nhà đầu tư, khi họ có ý tưởng kinh doanh, có vốn…họ có thể đầu tư thành lập các loại hình doanh nghiệp trên cơ sở nguyên tắc doanh nghiệp được kinh doanh tất cả ngành nghề mà luật không cấm.
"Trên cơ sở đó, nếu doanh nghiệp này muốn kinh doanh các hoạt động như tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa trong vụ án hình sự hay tư vấn pháp luật thì các doanh nghiệp này phải có nguồn nhân lực đáp ứng các điều kiện của luật chuyên ngành như phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư hoặc phải là cử nhân luật", ông Thảo nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
06:06, 20/08/2019
06:06, 17/08/2019
06:49, 14/08/2019
Góp ý về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, ông Thảo cho rằng nên có quy định về cụ thể hơn về quyền thành lập doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức không thuộc trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp. Còn điều kiện kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ do luật chuyên ngành quy định.
“Cụ thể đối với lĩnh vực tư vấn pháp lý, mọi cá nhân, tổ chức không thuộc trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp đều có quyền thành lập doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề này theo quy định của Luật Doanh nghiệp, còn Luật Luật sư sẽ quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện để hoạt động ngành nghề này, theo đó đối với doanh nghiệp muốn kinh doanh lĩnh vực hoạt động tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa trong vụ án hình sự thì doanh nghiệp phải có ít nhất bao nhiêu cá nhân đáp ứng các điều kiện hành nghề luật sư theo quy định của Luật Luật sư như phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư; còn nếu doanh nghiệp muốn kinh doanh lĩnh vực tư vấn pháp luật thì phải có ít nhất bao nhiêu cá nhân của doanh nghiệp phải là cử nhân luật”, ông Thảo nói.
Đồng thời, ông Thảo cho rằng Luật Đầu tư cần quy định rõ hơn về ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là Hành nghề tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa trong vụ án hình sự và hành nghề tư vấn pháp luật chứ không nên quy định chung chung là Hành nghề luật sư như quy định tại mục 9 Phụ lục Luật Đầu tư hiện hành.