Sau chiến thắng quan trọng ở tỉnh Lugansk, các chuyên gia cảnh báo Nga sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về đà tiến trong tương lai.
>>Chiến sự Nga - Ukraine: Phần thắng sẽ thuộc về ai?
Mới đây, Tổng thống Vladimir Putin thừa nhận rằng quân đội Nga cần "nghỉ ngơi một thời gian và củng cố khả năng chiến đấu" sau chiến dịch ở Lugansk.
Điều này làm dấy lên hoài nghi về khả năng lực lượng Nga và phe ly khai có thể nhanh chóng tiến sâu hơn nữa và sớm kiểm soát Donetsk. Giới quan sát ước tính Nga đã kiểm soát khoảng một nửa tỉnh Donetsk trong những tuần gần đây và chiến tuyến đã thay đổi rất ít kể từ đó.
Trên thực tế, phản công làm quân đội Nga kiệt sức từ lâu là một phần trong kế hoạch của Ukraine. Theo ông Ihor Romanenko, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang của Ukraine, nói với Al Jazeera: "Trận chiến tại Lugansk mang đến những tổn thất rất nghiêm trọng cho Nga. Đó là lý do tại sao quân đội Nga rút khỏi một số khu vực, tập hợp lại lực lượng để tiếp tục tiến sâu vào Donetsk".
Trong khi đó, một số ý kiến hoài nghi bước tiến của Nga. Ông Pavel Luzin, một nhà phân tích quân sự của Jamestown Foundation, một tổ chức tư vấn ở Washington, DC nhận định: "Nga không thu được gì sau khi mất đi một lượng lớn lực lượng. Họ không có đủ lực lượng để tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công mạnh mẽ vào Donetsk như đã làm với Lugansk".
Trên thực tế, Nga đã thành công trong việc chiếm giữ Lysychansk chỉ sau khi dùng pháo hạng nặng tấn công các vị trí của Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã thất bại trong việc bao vây một nhóm lớn quân Ukraine chỉ cách Lysychansk vài km về phía Nam.
Và những gì chờ đợi quân đội Nga ở Donetsk phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều. Ukraine vẫn kiểm soát gần một nửa khu vực Donetsk - và đã dành gần 8 năm để xây dựng các tuyến phòng thủ ở đó. Các chuyên gia quân sự cho biết Nga đang tập trung hàng chục tiểu đoàn cho cuộc tấn công sắp tới, nhưng hiện tại quân đội Nga không có đủ lực lượng chính quy và lực lượng dự bị.
Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng ly khai. Nga nhiều khả năng sẽ ngày càng tăng cường hợp tác với nhiều công ty quân đội tư nhân. Nga cũng cố gắng khuyến khích các cựu binh tái ngũ, song chưa rõ biện pháp này có thành công hay không.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu Nga thiết lập một thế trận phòng thủ để nghỉ ngơi, tiếp tế và tái tạo lực lượng ở phía Dông, thì có nguy cơ làm lãng phí động lực chiến đấu. Dường như có một sự chủ quan trong tính toán của Nga khi nhận định rằng dù quân đội và hệ thống hậu cần của Nga có kiệt quệ đến đâu thì Ukraine có lẽ còn kiệt quệ hơn.
>>Nga dồn lực tấn công Donetsk, Donbass sẽ nguy kịch?
Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với Foreign Policy, ông Sam Cranny-Evans, một nhà phân tích nghiên cứu tại Royal United Services Institute đánh giá: “Việc thất thủ ở Severodonetsk và Lysychansk là một động thái có chủ ý để làm chậm lại đà tiến của quân Nga và cho phép các lực lượng Ukraine rút lui và chiếm giữ các vị trí mới".
Với việc Lugansk hiện nằm trong tay Nga, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trọng tâm của Moscow gần như chắc chắn sẽ chuyển sâu vào Donetsk. Mặc dù quân đội Ukraine dường như đang đi sau một bước, nhưng chuyên gia Cranny-Evans cảnh báo rằng nền quốc phòng của Ukraine chủ yếu được hỗ trợ bởi Mỹ và phương Tây với những trang thiết bị hiện đại hơn.
"Khi những vũ khí tiên tiến đó bắt đầu được chuyển đến, các lực lượng của Ukraine có thể ở trong một vị thế tốt hơn để phản công. Nhưng những trở ngại lớn vẫn còn, chẳng hạn như các khóa đào tạo cần thiết để vận hành thiết bị", chuyên gia Cranny-Evans cho biết.
Ông Cranny-Evans cũng nói thêm rằng, sự hỗ trợ dành cho Ukraine, bao gồm Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Hoa Kỳ, đã có tác động tích cực. “Các hệ thống như HIMARS đang cho phép người Ukraine nhắm mục tiêu vào các kho chứa đạn dược của Nga và làm giảm khả năng duy trì cuộc chiến đấu của pháo binh Nga. Tuy nhiên, nếu không có các chiến thuật sáng tạo và nguồn cung vũ khí thêm, rất có thể các hệ thống này sẽ bị phá hủy”, ông Cranny-Evans lưu ý.
Có thể bạn quan tâm