Hai nhà lãnh đạo Nga- Triều Tiên đã thống nhất thắt chặt quan hệ hữu nghị, đáp ứng lợi ích của hai nước trong bối cảnh mới.
>>Chiến sự Nga- Ukraine "đánh thức" tham vọng hạt nhân của Triều Tiên?
Theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA, trong thư gửi nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhân dịp này, Tổng thống Putin cho rằng việc thắt chặt quan hệ giữa Nga và Triều Tiên sẽ đáp ứng lợi ích của hai nước, đồng thời sẽ giúp tăng cường an ninh và ổn định của Bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á.
Nhà lãnh đạo Nga cũng đề nghị hai nước cùng xúc tiến "các nỗ lực chung nhằm mở rộng quan hệ song phương mang tính xây dựng và toàn diện.
Được biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng gửi thư tới Tổng thống Putin, nhấn mạnh tình hữu nghị hai nước đã được hun đúc trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Kể từ đó, hợp tác chiến lược, cũng như sự hỗ trợ và đoàn kết giữa hai nước đã lên một tầm cao mới nhờ những nỗ lực chung nhằm đẩy lùi những mối đe dọa và khiêu khích từ các lực lượng quân sự thù địch. Ông Kim Jong-un cũng cho rằng hợp tác giữa Triều Tiên và Nga sẽ phát triển dựa trên một thỏa thuận được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều năm 2019.
Có thể thấy, trong thời gian gần đây, mối quan hệ Nga - Triều đã đạt được những bước tiến đáng kể, đặc biệt là sau khi Nga tiến hành chiến sự tại Ukraine. Triều Tiên cũng đã công nhận hai "nước cộng hòa nhân dân" ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine là các quốc gia độc lập. Quốc gia này cũng là một trong số ít các nước đã khác bỏ phiếu chống lại một nghị quyết của Liên Hợp Quốc vào tháng 3 lên án Nga phát động chiến sự ở Ukraine.
Về phần mình, Nga đã cùng Trung Quốc phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đề xuất các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên về việc nước này nối lại các vụ thử tên lửa.
>>Tân Tổng thống Hàn Quốc sẽ xử lý vấn đề Triều Tiên như thế nào?
Các chuyên gia nhận định, về cơ bản, Nga và Triều Tiên có nhiều điểm chung khi cả hai nước cũng đều đang hứng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm trọng từ Mỹ và các nước phương Tây. Bên cạnh đó, theo báo cáo Đánh giá mối đe dọa thường niên của cộng đồng tình báo Mỹ năm 2021 của Văn phòng giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (ODNI), Nga và Triều Tiên là hai trong số bốn tác nhân chính được Washington cho là các mối đe dọa an ninh hàng đầu.
Tương tự, cả hai nước đều coi Mỹ là mối đe dọa hàng đầu và việc sử dụng hạt nhân là một lựa chọn khả thi để ngăn chặn Mỹ khỏi những gì mà Moscow và Bình Nhưỡng cho là can thiệp vào công việc nội bộ trong nước; cũng như thách thức sự thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ.
Theo Tiến sĩ Siegfried Hecker, một chuyên gia quân sự của Mỹ nhận định, cả hai nước đều có kho vũ khí hạt nhân đáng để Washington dè chừng. Có khả năng Triều Tiên có khoảng 45 đầu đạn hạt nhân, trong khi đó, Nga có một kho vũ khí hạt nhân đáng gờm và có thể sánh ngang với Mỹ.
"Việc hai nước có kho vũ khí hạt nhân trở thành đồng minh chắc chắn không phải là một tin tức đáng mừng với Mỹ. Hai quốc gia có thể chia sẻ chung sự quan tâm với việc phát triển kho vũ khí hạt nhân của họ. Điều này có thể đe dọa đến an ninh của Washington", chuyên gia này chỉ ra.
Trong khi cả Nga và Triều Tiên đều không có kế hoạch hành động để tấn công Hoa Kỳ trong một cuộc tấn công bất ngờ, cả hai đều cho rằng cần sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Hoa Kỳ tấn công họ, hoặc nếu họ can thiệp trực tiếp thay mặt cho Ukraine và Hàn Quốc trong một cuộc xung đột khu vực.
Mặc dù vậy, ông Rebekah Koffler, Chủ tịch của Doctrine & Strategy Consulting, một cựu sĩ quan tình báo DIA nhận định rằng, mối quan hệ giữa Nga và Triều Tiên vẫn sẽ khó có thể trở thành đồng minh vững chắc. Dù có chung đường biên giới với Triều Tiên, nhưng Nga không hào hứng với việc Bình Nhưỡng trở thành quốc gia hạt nhân tầm trung. Tuy nhiên, Nga hiểu rằng việc mong đợi ông Kim từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình là viển vông.
"Quan hệ đối tác Nga - Triều đang dần trở thành mối quan tâm đáng chú ý. Nhưng đề trở thành một đồng minh mạnh mẽ, có rất nhiều rào cản mà hai nước cần vượt qua", bà Koffler đánh giá.
Có thể bạn quan tâm