Thúc đẩy việc hợp tác giữa ngân hàng - Fintech vừa phù hợp với nhu cầu thị trường, vừa thông qua ngân hàng, giám sát rủi ro của Fintech và ổn định tài chính quốc gia.
Về vai trò của Fintech trong mối quan hệ hợp tác ngân hàng- Fintech, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, đánh giá về xu hướng hợp tác này là “Không có Fintech thì Mobile Banking của các ngân hàng sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay và nhờ đến với Fintech, các ngân hàng có cả một hệ sinh thái số”. Các ngân hàng đã từng trang bị dự án Mobile Banking cách đây khoảng 10 năm nhưng một số ngân hàng đã phải dừng lại vì chi phí đầu tư khá lớn. Nhưng khi bắt đầu có sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech thì Mobile Banking và Internet Banking trở nên tất yếu và phổ biến.
Theo khảo sát của Viện Chiến lược Ngân hàng năm 2019, 84% lãnh đạo ngân hàng cho biết mong muốn hợp tác với các Fintech để cùng phát triển dựa trên thế mạnh sẵn có của mỗi bên. Đồng thời, các quy trình nghiệp vụ tín dụng như xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản... cũng có thể chia sẻ cho Fintech. Chính vì Fintech tạo ra những thay đổi mang tính bản lề đối với hoạt động tài chính, nên gần như chắc chắn các tổ chức tài chính không sử dụng Fintech sẽ trở nên lạc hậu và mất dần khả năng cạnh tranh.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước năm 2019, 72% các công ty Fintech đã liên kết với ngân hàng tại Việt Nam, chỉ có 14% phát triển dịch vụ mới và 14% sẵn sàng cạnh tranh với ngân hàng. Như vậy, xu hướng hợp tác của ngân hàng-Fintech tại Việt Nam ngày càng trở nên sôi động và một số ngân hàng Việt Nam tiên phong trong việc hợp tác với Fintech. Phần lớn là các dự án đầu tư của ngân hàng vào các công ty Fintech khởi nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Một trong những khoản đầu tư trong nước đáng chú ý là đầu tư của Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank) vào FE Credit. Ngoài ra, VPBank hiện đang hợp tác với công ty Fintech Timo trong cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử, hợp tác với công ty Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số (theo cập nhật, Fintech Timo của VPBank đã được chuyển nhượng về tay VietCapital Bank vào năm 2020 -BT).
VIB cũng đã đầu tư vào công ty Fintech Weezi cho ra mắt sản phẩm MyVIB Keyboard, một ứng dụng chuyển tiền qua mạng xã hội. Techcombank đã kết hợp với Công ty Fintech Fastacash giới thiệu tính năng F@st Mobile, phương thức chuyển tiền nhanh chóng qua Facebook và Google+. Ngân hàng Vietcombank đã thực hiện mô hình hợp tác với Công ty M_Service trong thanh toán chuyển tiền. VietinBank đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Opportunity Network (ON) để cung cấp nền tảng cho việc kết nối doanh nghiệp là khách hàng của VietinBank với trên 15.000 doanh nghiệp ở 113 quốc gia là thành viên của ON, tạo ra cơ hội mở rộng thị trường hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã phát triển ngân hàng số dựa trên sự hợp tác với đối tác chiến lược Viettel, một trong những công ty tài chính viễn thông lớn trong nước tạo ra công nghệ cho phép người dùng thực hiện giao dịch ngay trong ứng dụng Messenger của Facebook.
Ngoài ra, cũng có trường hợp công ty Fintech mua lại công ty con của ngân hàng. Điển hình là công ty Lotte Card, một công ty Fintech thuộc tập đoàn Lotte Hàn Quốc, đã thực hiện thương vụ thâu tóm công ty Techcom Finance, công ty con của Ngân hàng Techcombank Việt Nam, nhằm mở rộng hoạt động cho vay tiêu dùng ở Việt Nam. Để hạn chế rủi ro trong dịch vụ cho vay tiêu dùng, điều đầu tiên Lotte Card làm là xác định danh tính người vay thông qua đăng ký số điện thoại di động của mỗi cá nhân. Số lượng tài khoản đăng ký nhận vay sẽ không bị hạn chế, chỉ cần ngân hàng trong danh sách đăng ký đó có hợp đồng chia sẻ thông tin với Lotte Card. Từ dữ liệu chuyển về từ phía ngân hàng đối tác, các thông tin về trạng thái tài khoản, khả năng thanh toán, hạn mức cho vay của khách hàng sẽ được kiểm tra. Từ đó Lotte Card có thể xét duyệt nhanh chóng đăng ký cho vay của khách hàng.
Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam tiếp thu và đồng thuận với các quan điểm hiện nay về ổn định tài chính của NHTW các nước trên thế giới như quan điểm của NHTW Thụy Sĩ: “Ổn định hệ thống tài chính nghĩa là một hệ thống tài chính mà trong đó các chủ thể (trung gian tài chính, thị trường tài chính và hạ tầng tài chính) thực hiện tốt các chức năng của mình và có khả năng chống đỡ được các cú sốc tiềm ẩn”; NHTW Châu Âu: “Ổn định tài chính là một trạng thái mà trong đó hệ thống tài chính gồm các trung gian tài chính, thị trường và hạ tầng tài chính có khả năng chống đỡ được các cú sốc và những rủi ro do sự mất cân đối tài chính gây ra, từ đó làm giảm bớt khả năng sụp đổ của các trung gian tài chính vốn có tác động tiêu cực đối với việc phân bổ tiết kiệm và đầu tư”; NHTW Úc: “Ổn định hệ thống tài chính là một trạng thái mà trong đó các trung gian tài chính, thị trường và hạ tầng tài chính phân bổ tốt các luồng vốn giữa tiết kiệm và đầu tư, nhờ đó, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Về quan điểm riêng của NHTW Việt Nam, việc ổn định được hệ thống tài chính giúp ổn định giá cả và đảm bảo kinh tế phát triển bền vững. Hệ thống tài chính ổn định cũng tạo nên một môi trường lý tưởng cho nhà đầu tư và người gửi tiền, tăng hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian tài chính, giúp thị trường tài chính thực hiện tốt chức năng, cải thiện việc phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế, giảm đi các cú sốc và rủi ro hệ thống.
Đánh giá về tính ổn định của hệ thống ngân hàng, theo thông tin từ NHNN, cho đến năm 2019, các NHTM vẫn liên tục củng cố năng lực tài chính cũng như tăng quy mô hoạt động. Thanh khoản của hệ thống được đảm bảo ổn định, những tình trạng gây bất ổn đến sự an toàn của toàn hệ thống như nợ xấu, sở hữu chéo đã được xử lý giảm còn ở mức rất thấp. Từ 2016, NHNN ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN, quy định việc các NHTM tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II. Quy định có hiệu lực từ ngày 01/01/2020. Đến nay, theo báo cáo đã có 18/35 ngân hàng đạt chuẩn (cập nhật đến đầu 2021, đã có 20/30 ngân hàng đạt chuẩn và một số ngân hàng đã hoàn thành 3 trụ cột Basel II, chuẩn bị và tiến tới triển khai Basel III- BT).
Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước trong khu vực, xét về quy mô và năng lực tài chính thì NHTM Việt Nam vẫn còn nhỏ; mức độ lành mạnh tài chính của một ngân hàng hạn chế. Nhìn chung, mức độ an toàn, ổn định của hệ thống NHTM nói riêng và TCTD nói chung chưa bằng các nước trong khu vực; dễ bị tổn thương trước những tác động bất ngờ từ bên ngoài.
Đánh giá về rủi ro của hệ thống thanh toán, theo quan điểm từ NHNN, trong bối cảnh hệ thống thanh toán của Việt Nam được thúc đẩy kết nối với thế giới, các nguy cơ rủi ro đối với hệ thống thanh toán của Việt Nam luôn tiềm ẩn như rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và đặc biệt là rủi ro tấn công công nghệ. Xét riêng về nguy cơ an ninh mạng thì Việt Nam hiện đứng thứ 6 theo xếp hạng thế giới về nguy cơ rủi ro tấn công từ chối dịch vụ và đứng thứ 3 về rủi ro mạng máy tính. Theo đó, khi Việt Nam càng hội nhập, hệ thống thanh toán xuyên biên giới càng rộng thì nguy cơ rủi ro càng cao và chịu tác động của thị trường toàn cầu càng lớn.
Trước nguy cơ đó, NHNN đã thực hiện các biện pháp để quản lý và phòng ngừa những tác động xấu của những nguy cơ này đến hệ thống thanh toán quốc gia như cài đặt phần mềm theo dõi và khai tác dữ liệu giao dịch của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS), giám sát hệ thống ATM/POS, quản lý chặt chẽ hệ thống thanh toán ngoại tệ, giao dịch chứng khoán, tham gia chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) của Ngân hàng Thế giới để xác định những điểm yếu của hệ thống thanh toán, qua đó, có những công tác tích cực để cải thiện. NHNN cũng tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử như ví điện tử, thể hiện qua việc ban hành Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 (theo Quyết định số 1490/QĐ-NHNN ngày 29/7/2014).
Nhìn chung, từ quan điểm của NHNN, so với các nước trên thế giới, hệ thống thanh toán của Việt Nam hiện nay được quản lý và kiểm soát khá tốt, đảm bảo an toàn, thể hiện qua số lượng và tỷ lệ sự cố gian lận thấp. Hơn nữa, đến cuối năm 2020, tỷ lệ thanh toán thẻ tại Việt Nam cũng chỉ mới bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình của thế giới.
Liên quan đến vấn đề tài chính toàn diện, đây là một vấn đề được Chính phủ quan tâm và thúc đẩy. Tỷ lệ khách hàng, nhất là các khách hàng bán lẻ như khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Việc thúc đẩy tài chính toàn diện còn rất khó khăn do cơ sở hạ tầng chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, Ngân hàng nhà nước cũng đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển tài chính toàn diện như Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định số 2545/QĐ-TTg-2016) và vẫn đang được thực hiện cho giai đoạn năm 2016-2020; Đề án xây dựng và phát triển hệ thống tài chính vi mô tại Việt Nam đến năm 2020 đã phê duyệt từ năm 2011; Chỉ thị 22/CT-TTg-2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toánkhông dùng tiền mặt tại Việt Nam; Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Quyết định số 149/QĐ-TTg/2020 của Thủ tướng đã phê duyệt “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu lớn nhất là: các sản phẩm, dịch vụ tài chính được cung cấp đến mọi người dân và các tổ chức kinh tế, phi kinh tế một cách an toàn, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu, chi phí hợp lý và phù hợp với quy định pháp luật.
Như vậy, sự ổn định của hệ thống ngân hàng vẫn còn là một điểm yếu trong công tác đảm bảo ổn định tài chính của Việt Nam và một số điểm nhấn trong những đề xuất giải pháp của các chuyên gia trong ngành đối với vấn đề tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính là lợi dụng thế mạnh của Fintech để đẩy mạnh tài chính toàn diện, công nghệ hóa hoạt động tài chính, ngân hàng theo xu hướng CMCN 4.0, tăng cường an ninh, bảo mật đối với hoạt động thanh toán.
Kỳ 2: Ngân hàng -Fintech chọn đối tác bắt tay trên tiêu chí nào?
* Nhóm tác giả: TS. Hoàng Hải Yến, TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung, ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương (ĐH Kinh tế TP HCM) & ThS. Vũ Bích Ngọc, ThS. Trần Hoàng Trúc Linh (ĐH Mở TP HCM)
Có thể bạn quan tâm
Phát triển ngân hàng số (kỳ III): Những thách thức cần đối mặt
05:00, 09/09/2021
Phát triển ngân hàng số (kỳ II): Thực trạng chuyển đổi số ngành ngân hàng
05:30, 08/09/2021
Phát triển ngân hàng số (kỳ I): Bối cảnh chung tại Việt Nam
05:15, 07/09/2021
Chi tiêu nhỏ qua ngân hàng số: Cơ hội và thách thức của nhà băng
12:00, 26/08/2021
Phát triển ngân hàng số: Còn nhiều rào cản
17:00, 06/08/2021
Ngân hàng số và Fintech 2025: Giao dịch di động dự báo tăng trưởng 300%
11:00, 17/03/2021