Ngân hàng bắt tay Fintech (kỳ 3): Các giải pháp hỗ trợ

Diendandoanhnghiep.vn Hợp tác giữa ngân hàng với Fintech đem đến nguồn lợi cho hai bên và giúp cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý hiệu quả hơn nhằm ổn định tài chính quốc gia.

Trong 2 kỳ trước, căn cứ trên những kết quả nghiên cứu, có thể thấy một trong những điểm yếu của ngân hàng là sự thiếu linh hoạt trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại, dẫn tới chi phí giao dịch thường cao và chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng ngày càng lớn. Trong khi đó, Fintech lại có ưu thế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt và hiệu quả, giúp tiết giảm chi phí giao dịch và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tuy vậy, một trong những thách thức lớn công ty Fintech phải giải quyết là việc xây dựng lòng tin của khách hàng về sự bảo mật và mức độ an toàn, hay mạng lưới khách hàng.

Hợp tác giữa các ngân hàng và các Fintech đã mang đến hiệu quả tích cực cho 2 bên và nhiều giải pháp thanh toán số bùng nổ đặc biệt trong mùa dịch

Hợp tác giữa các ngân hàng và các Fintech đã mang đến hiệu quả tích cực cho 2 bên và là cơ sở thúc đẩy nhiều giải pháp thanh toán số bùng nổ hiệu quả, đặc biệt trong mùa dịch

Từ đó, nếu thúc đẩy xu hướng hợp tác ngân hàng-Fintech, sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên, giúp các bên tận dụng được thế mạnh của đối tác đồng thời khắc phục được điểm yếu của mình. Như vậy, có thể nói, mối quan hệ hợp tác giữa ngân hàng với Fintech được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng, đem đến nguồn lợi cho hai bên và đồng thời giúp cho các cơ quan có thẩm quyền quản lý hiệu quả hơn nhằm ổn định tài chính quốc gia.

Một số giải pháp đề xuất để thúc đẩy hiệu quả hợp tác của 2 bên bao gồm:

Đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán

Việc thúc đẩy hợp tác ngân hàng – Fintech, thúc đẩy tài chính toàn diện sẽ dẫn đến tăng quy mô, mở rộng phạm vi và số lượng giao dịch thanh toán, do đó, việc đảm bảo ổn định hoạt động của hệ thống thanh toán quốc gia là vấn đề cần thiết phải thực hiện. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng và quản lý giám sát hệ thống là hai trong số những vấn đề cần quan tâm nhất. Để hoạt động quản lý, giám sát hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tuân thủ và bám sát các nguyên tắc giám sát hệ thống thanh toán bao gồm: Minh bạch, nhất quán về các tiêu chí giám sát; Theo đuổi và thực hiện đúng theo các chuẩn mực chung quốc tế về giám sát hệ thống thanh toán như những chuẩn mực quy tắc đối với các Hạ tầng thị trường tài chính (PFMIs) năm 2012 do hệ thống thanh toán và quyết toán (CPSS) hay những nguyên tắc giám sát hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán do Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) ban hành; Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và phản ứng nhanh giữa NHNN với các cơ quan có liên quan và giữa ngân hàng trung ương các nước.

Bên cạnh đó, đối với việc giám sát các giao dịch thanh toán quốc tế đảm bảo các nguyên tắc chung khi tham gia vào hệ thống thanh toán quốc tế: thông báo cho các ngân hàng thành viên khi phát hiện hoặc dự báo biến động lớn liên quan đến đồng nội tệ của họ; NHNN chịu trách nhiệm chính về hệ thống thanh toán của mình; Định kỳ đánh giá để điều chỉnh cho hệ thống thanh toán quốc gia phù hợp với toàn bộ hệ thống thanh toán quốc tế; Phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong hệ thống thanh toán quốc tế; Nhanh chóng nhận diện các nguy cơ đối với hệ thống và cảnh báo với các thành viên.

Trong các công tác này, NHNN là cơ quan đóng vai trò chủ đạo, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện giám sát tài chính quốc gia.  Bởi NHNN có ưu thế tuyệt đối về thông tin để phân tích sự ổn định hệ thống tài chính, từ đó, có thể có những chính sách thích hợp khi có biến động trên thị trường tài chính. Ngoài ra, ổn định hệ thống tài chính còn góp phần tăng cường hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước. NHNN cũng có khả năng can thiệp để duy trì ổn định hệ thống tài chính thông qua việc quản lý hiệu quả hoạt động của hệ thống thanh toán và thanh toán bù trừ.

Đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống ngân hàng

Theo như đánh giá về khả năng hấp thụ rủi ro của hệ thống tài chính Việt Nam, sự ổn định của hệ thống ngân hàng vẫn còn là một điều cần chú ý để cải thiện. Điều này càng cần thiết khi thúc đẩy hợp tác ngân hàng – Fintech để cung cấp các sản phẩm tài chính, ngân hàng một cách rộng rãi trong nền kinh tế. 

Cơ sở dữ liệu nghiên cứu ghi nhận, nợ công và nợ chính phủ đều có xu hướng giảm trong giai đoạn 2016-2019. Nợ nước ngoài quốc gia/GDP mặc dù vẫn kiểm soát được dưới mức 50% tuy nhiên, ngoại trừ năm 2018, còn lại tất cả các năm đều ở mức cao hơn năm 2016. Đối với nợ công trong nước, Chính phủ sử dụng công cụ thị trường mở thông qua phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm đến 30 năm. Lãi suất trái phiếu giảm từ 6,5%-8% (năm 2016) xuống còn 1,5-3,5%/năm. Vay được nguồn vốn lớn, giá rẻ là một lợi thế của Chính Phủ trong giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên để giảm áp lực trả nợ đúng hạn, nguồn vốn này phải được sử dụng một cách an toàn, hiệu quả.

Ngoài việc thực hiện duyệt chi ngân sách chặt chẽ, sát sao theo đúng chủ trương, chính sách, việc giải ngân và kiểm soát hiệu quả sử dụng vốn giải ngân thông qua hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt cần được giám sát chặt chẽ. Trước đây, nếu chỉ có ngân hàng thương mại tham gia vào hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt của nền kinh tế, việc kiểm soát chi ngân sách được thực hiện dễ dàng hơn thông qua lịch sử giao dịch của khách hàng trên tài khoản. Tuy nhiên, hiện nay không chỉ ngân hàng mà nhiều công ty tài chính Fintech cũng tham gia vào cung ứng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt riêng lẻ của mình hoặc kết hợp với ngân hàng. Việc tham gia của nhiều thành phần vào hệ thống thanh toán một mặt giúp dòng chảy vốn thực hiện nhanh chóng, tiện lợi hơn nhưng sẽ gây áp lực cho cơ quan quản lý vĩ mô về mục đích sử dụng vốn của các tổ chức đặc biệt với các tổ chức, các dự án sử dụng nhiều vốn ngân sách nhà nước.

Nếu hoạt động của ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán của ngân hàng thương mại nói riêng được kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ của NHNN theo quy chuẩn quốc tế và quốc gia, thì các công ty Fintech cung ứng dịch vụ tài chính cũng cần được giám sát tương tự. Hiện nay, giám sát hoạt động của Fintech thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ liên quan nhưng không thuộc kiểm soát giám sát trực tiếp từ Ngân hàng nhà nước. Để thực hiện việc giám sát hệ thống thanh toán nguồn ngân sách nhà nước nói chung và nguồn thanh toán của tổ chức cá nhân qua Fintechs, NHNN không thể đơn phương thực hiện khi không có cơ chế và chính sách giám sát như đối với các Ngân hàng thương mại.

Như vậy, để thực hiện được việc này cần phải có chủ trương giám sát thanh toán không dùng tiền mặt qua Fintech của Chính Phủ và giao các bộ, ngành liên quan và NHNN thực hiện.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu kiểm soát nghĩa vụ trả nợ nước ngoài quốc gia so với xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, giảm rủi ro tiềm ẩn đối với an ninh tài chính quốc gia nếu khoản nợ đến hạn không thanh toán được và không để ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia, Chính Phủ cần có chính sách hỗ trợ phát triển Fintech nhằm khai thác hệ sinh thái của các công ty này. 

Fintech hiện tham gia nhiều chuỗi cung ứng từ chuỗi cung ứng nhà sản xuất tới nhà sản xuất (P2P), nhà sản xuất tới khách hàng (P2C), khách hàng tới khách hàng (C2C), nhà phân phối tới nhà phân phối (D2D). Như vậy, có thể khai thác hệ sinh thái của Fintech với các nhà cung ứng, phân phối toàn cầu nhằm tăng giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, mặc dù phần lớn Fintech tham gia hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, họ còn cung ứng dịch vụ tài chính khác huy động vốn cũng như cho vay ngang hàng.

Như vậy, nếu phát huy được kênh huy động vốn qua Fintech và kiểm soát được rủi ro vốn huy động này cho người gửi tiền có thể tập trung được thêm nhiều nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để tham gia vào quá trình cung ứng vốn cho tổ chức, cá nhân cần vốn. Tuy nhiên, để làm được việc này Nhà nước cần có chính sách giảm thiểu rủi ro cho người gửi tiền thông qua cơ chế bắt buộc thực hiện nghĩa vụ mua bảo hiểm tiền gửi cũng như quy định hệ số công bội (tỷ lệ tiền gửi được cho vay tối đa) đối với các Fintech như đang kiểm soát đối với Ngân hàng thương mại nếu các Fintechs hoạt động cung ứng dịch vụ tài chính ngân hàng đơn lẻ mà không kết hợp với ngân hàng.

Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy quan hệ ngân hàng-Fintech

Măc dù không thể phủ nhận lợi ích đem lại từ mối quan hệ hợp tác ngân hàng – Fintech, có không ít thách thức đặt ra cho bản thân các ngân hàng và các cơ quan quản lý Nhà nước như vấn đề bảo mật thông tin ngân hàng, bảo mật thông tin khách hàng, an ninh mạng cũng như yêu cầu đáp ứng được kỳ vọng cao của người tiêu dùng, đồng thời tìm được mẫu số chung giữa mục tiêu quản lý an toàn, hiệu quả với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng khả năng cạnh tranh.

Nhiều Fintech đã rất tích cực trong hợp tác với các ngân hàng để cung cấp dịch vụ cho những phân khúc thị trường ngách (ảnh: SmartPay là một trong những Fintech hợp tác nhiều ngân hàng trong 2 năm qua)

Nhiều Fintech đã rất tích cực trong hợp tác với các ngân hàng để cung cấp dịch vụ cho những phân khúc thị trường ngách (ảnh: SmartPay là một trong những Fintech hợp tác nhiều ngân hàng trong 2 năm qua)

Thực tế cho thấy khuôn khổ pháp lý cho quá trình hợp tác ngân hàng - Fintech còn rất sơ khai, các quy định rõ về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty Fintech chưa thực sự rõ ràng. Vì vậy, việc xây dựng, triển khai đồng bộ hệ thống chính sách thúc đẩy phát triển Fintech như chính sách miễn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn, tạo môi trường cho đầu tư Fintech, hợp tác với các tổ chức tài chính - ngân hàng truyền thống là hết sức cần thiết. NHNN cần xây dựng cơ chế chính sách và ban hành các quy định quản lý tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động ngân hàng, cũng như hỗ trợ sự phát triển hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam phù hợp. Có thể nói, hoàn thiện hành lang pháp lý là tiền đề quan trọng thúc đẩy hợp tác ngân hàng-Fintech trên nhiều phương diện trong thời gian tới.

Đối với quy định về nhận diện khách hàng (KYC): Hiện các ngân hàng thương mại nhận diện khách hàng lần đầu giao dịch với ngân hàng và các giao dịch tiền gửi (trực tiếp tại quầy), tiền vay, thanh toán quốc tế khách hàng đều phải ký xác thực bằng chữ ký sống (wet-ink signature) vào các chứng từ. Mặc dầu, Fintech cũng tiếp cận và cung ứng dịch vụ kinh doanh tiền tệ, tuy nhiên khách hàng có thể thực hiện nhận diện bằng chữ ký điện tử hoặc mã hóa (eKYC) thay vì chữ ký sống (KYC) như đối với ngân hàng. Như vậy, khi ngân hàng kết hợp với công ty Fintech thì quy định về KYC có thay đổi hay không? Sẽ áp dụng theo eKYC của các Fintech hay KYC của ngân hàng. Bản thân NHNN không thể cho các quy định ràng buộc về tính an toàn của Fintech vì không phải là cơ quan chủ quản quản lý các công ty này nhưng để có sự thống nhất trong quản lý Chính phủ cần chỉ đạo để có sự phối hợp chung giữa các bộ ngành liên quan. Ngoài ra hiện nay Chính Phủ đã thực hiện số hóa để định danh công dân bằng cách tích hợp các thông tin về căn cước công dân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và sắp tới là hộ khẩu, vì vậy cũng nên số hóa việc nhận dạng khách hàng của ngân hàng thông qua (e-identification) và thay thế KYC thành eKYC như các công ty Fintech.

Đối với quy định về đảm bảo an toàn: Các ngân hàng thương mại hoạt động với hệ thống quy định pháp lý quốc tế và ngân hàng trung ương mỗi quốc gia nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Tuy nhiên quy định về đảm bảo an toàn hệ thống đối với hoạt động Fintech lỏng lẻo hơn rất nhiều. Để nền kinh tế có thể chịu được cú sốc rủi ro tài chính tốt hơn khi Fintech cung cấp các dịch vụ tài chính Chính phủ cũng cần đối chiếu với các quy định đảm bảo an toàn của ngân hàng để áp dụng. Ví dụ, quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, quy định mua bảo hiểm tiền gửi bắt buộc, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Cũng như vậy khi Fintech kết hợp với ngân hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ Fintech qua ngân hàng thì các hoạt động cung ứng dịch vụ tài chính cần thực hiện theo quy định của hệ thống ngân hàng.

Hiện nay vẫn đang bỏ ngỏ nhiều quy định bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính cung ứng bởi Fintech. Lợi dụng kẽ hở này, gần đây nhiều công ty Fintech đã huy động tiền gửi của khách hàng theo mô hình đa cấp với mục đích lừa đảo. Một loạt công ty Fintech vỡ nợ và không có khả năng chi trả cho người gửi tiền trong thời gian gần đây đã cho thấy cần phải có quy định chi tiết không những về đảm bảo an toàn mà còn quy định về đảm bảo quyền của người tiêu dùng lĩnh vực tài chính đặc thù này.

Ưu tiên phát triển hạ tầng về thông tin

Xuất phát từ nhu cầu chung của ngân hàng và Fintech về khai thác dữ liệu lớn để ứng dụng trong hoạt động kinh doanh, các cơ sở dữ liệu dân số quốc gia như dân cư, doanh nghiệp, khách hàng cần được chuẩn hóa tạo nền tảng số liệu để phát triển các mô hình phân tích. Hệ thống chính sách cần tập trung xây dựng đảm bảo sự phát triển hài hòa với hệ thống các ngân hàng đồng thời tạo điều kiện cho các công ty Fintech phát triển, xây dựng các kế hoạch thử nghiệm theo khuôn khổ pháp lý, phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó để khai thác thế mạnh của hệ thống ngân hàng, công ty Fintechs và phát huy hiệu quả của kết hợp của Ngân hàng Fintech nhưng vẫn đảm bảo an ninh tài chính quốc qua cần có 1 trung tâm dữ liệu chung. Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) đã tổng hợp và chia sẻ thông tin lịch sử tín dụng khách hàng đã từng giao dịch tại ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ngân hàng hoạt động với đa dịch vụ tài chính, không chỉ đơn thuần cấp tín dụng. Đặc biệt khi ngân hàng thay đổi mô hình kinh doanh từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng số (digital Banking) và mô hình ngân hàng mở (open banking) bằng việc liên kết với đối tác thứ 3 cung ứng dịch vụ tài chính tới từng cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế.

Vì vậy, cần có một trung tâm cơ sở dữ liệu chung giữa các ngân hàng và công ty Fintech về lĩnh vực tài chính nhằm một mặt khai thác hiệu quả nguồn thông tin, mặt khác minh bạch hóa nguồn thông tin dữ liệu tránh những rủi ro do bất cân xứng thông tin cho ngân hàng- Fintech khi lựa chọn đối tác cũng như phối hợp kinh doanh tài chính- tiền tệ. Để trung tâm dữ liệu chung có nguồn dữ liệu đáng tin cậy và phong phú, khi xây dựng đề án thành lập trung tâm dữ liệu chung (ngoài dữ liệu tín dụng khách hàng CIC như hiện nay) cũng cần ban hành chuẩn dữ liệu mở. Thông tin từ trung tâm dữ liệu mở sẽ tạo sân chơi bình đẳng cho các ngân hàng trong việc tiếp cận công nghệ số 4.0 thông qua tự phát triển hệ thống số hóa hoặc kết hợp với công ty Fintechs nhưng vẫn đảm bảo được an ninh tài chính quốc gia.

Thúc đẩy đa dạng hóa các lĩnh vực hợp tác

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và kỳ vọng cao của khách hàng, ngân hàng và Fintech cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác để cung ứng các dịch vụ, khiến các sản phẩm ngày càng phong phú hơn. Ngân hàng và Fintech cần có sự cởi mở trong tư duy từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, hướng đến sự hợp tác có lợi, tạo sức mạnh cho thị trường dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các ngân hàng cần đảm bảo các dữ liệu của khách hàng cung cấp cho công ty Fintech và có sự giám sát nguồn dữ liệu và có những chính sách chặt chẽ để bảo mật thông tin khách hàng.

Về phía Fintech, vấn đề bảo mật thông tin khách hàng cũng phải được đặt lên hàng đầu. Đảm bảo được vấn đề bảo mật thông tin là cơ sở để các bên củng cố uy tín, niềm tin đối với khách hàng, là nền tảng để các bên tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực đa dạng, đồng thời hạn chế vấn đề tội phạm liên quan đến an ninh mạng, tăng cường nâng cao chất lượng công tác quản trị rủi ro và góp phần ổn định tài chính quốc gia.

 *Nhóm tác giả: TS. Hoàng Hải Yến, TS. Nguyễn Thị Hồng Nhung, ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương (ĐH Kinh tế TP HCM) & ThS. Vũ Bích Ngọc, ThS. Trần Hoàng Trúc Linh (ĐH Mở TP HCM)

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Ngân hàng bắt tay Fintech (kỳ 3): Các giải pháp hỗ trợ tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713270056 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713270056 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10