Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024.
>>>Giải pháp thúc đẩy cho vay tiêu dùng trong năm 2024
Theo văn bản, NHNN cho biết bám sát Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15% và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, NHNN giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Nguyên tắc tính chỉ tiêu tăng trưởng được NHNN quy định theo công thức: Dư nợ tín dụng tối đa đến ngày 31/12/2024 = Dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 + [Điểm xếp hạng năm 2022 x 3,5% x (Dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 - Dư nợ tín dụng vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN thông báo năm 2023 (nếu có))] - Các khoản bán dư nợ tín dụng thực hiện bán trong năm 2024 và chưa thu tiền đến thời điểm tính dư nợ tín dụng (nếu có).
Các tổ chức tín dụng (trừ các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh) kiểm soát tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) không vượt quá mức dư nợ tín dụng nêu trên trong suốt cả năm 2024.
Các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh kiểm soát tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả yếu tố điều chỉnh tỷ giá) đến cuối năm 2024 không vượt quá mức dư nợ tín dụng được nêu trên.
NHNN yêu cầu TCTD thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn của tổ chức tín dụng, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động của TCTD.
>>>Nhìn lại 2023 - Năm "ngược cơn gió ngược" của ngành ngân hàng
Đồng thời, nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau... với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Thường xuyên rà soát để cắt, giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng.
NHNN cho biết, trong năm 2024, cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bám sát tình hình để qua đó hỗ trợ hệ thống các tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với thúc đẩy ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát .
Trên cơ sở đánh giá diễn biến, tình hình thực tế phù hợp, NHNN sẽ điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng năm 2024 và chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng để gửi đến từng tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Theo đó, tổ chức tín dụng không cần có văn bản đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng gửi NHNN, văn bản của NHNN nêu.
Như vậy, khác với năm 2023 mặc dù cũng giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức ngay từ đầu năm, nhưng năm 2024, NHNN đã giao chỉ tiêu sớm, công khai rõ ràng và "trọn gói". Qua công thức tính chỉ tiêu, các tổ chức tín dụng đều có thể tính được "room" tín dụng được giao trong năm nay và chủ động hoạt động giải ngân ngay từ đầu năm. Đây được xem là một trong yếu tố then chốt để tín dụng không rơi vào "điểm trũng" của giai đoạn đầu năm sau Tết dương lịch, trong khi đó nhu cầu vốn để chuẩn bị sản xuất kinh doanh vào mùa Tết Nguyên đán lại đang cao điểm.
Tuy vậy, năm 2023, đã có thực tế cho thấy mặc dù các tổ chức tín dụng cũng được phân bổ chỉ tiêu nhưng sau đó đã không sử dụng hết chỉ tiêu được giao. Việc phân hóa thực hiện tăng trưởng tín dụng đã khiến NHNN vẫn phải điều chỉnh lại, tăng thêm cho các tổ chức đã giải ngân cạn "room" và điều chỉnh từ tổ chức còn "room" lớn - khó triển khai thúc đẩy hết room như dự kiến. Đây lại cũng là thực tế khác mà nếu có diễn ra tiếp tục trong năm 2024, các chuyên gia cho biết vẫn cần "cây gậy" điều hành của cơ quan quản lý điều tiết linh hoạt, để đảm bảo tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt chỉ tiêu như đề ra, đạt các mục tiêu vĩ mô, kềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm