Nhìn lại 2020 và giai đoạn 2016-2020, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã dành trò chuyện cùng Diễn đàn Doanh nghiệp nhân dịp Xuân Tân Sửu…
- Thưa Phó Thống đốc, 2016-2020 đánh dấu một chặng đường thành tựu của kinh tế Việt Nam và ngành ngân hàng. Vậy đâu là những yếu tố quan trọng tạo nên dấu ấn của ngành?
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú: Có 4 yếu tố đóng góp khẳng định dấu ấn tích cực của ngành ngân hàng giai đoạn vừa qua.
Trước hết, đó là hiệu lực, hiệu quả truyền dẫn của CSTT ngày càng nâng cao. NHNN đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững; Điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với lạm phát; Kiên định điều hành giảm lãi suất trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cân bằng lợi ích của người đi vay và người gửi tiền; ổn định tỷ giá, giữ vững giá trị đồng Việt Nam; thị trường tiền tệ, ngoại hối và thị trường vàng ổn định, thông suốt.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu có bước đột phá cơ bản trên cơ sở phát hiện và hoàn thiện những “nút thắt” trong khung pháp lý hiện hành. Đến cuối năm 2020, sự ổn định, an toàn của hệ thống TCTD được giữ vững, hầu hết TCTD đạt tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật; năng lực tài chính các TCTD được củng cố; chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được duy trì dưới 3%; quy mô hệ thống TCTD tiếp tục tăng; năng lực quản trị, điều hành của TCTD từng bước được nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế
Cùng với đó, là hệ thống thanh toán được kiểm soát và vận hành an toàn, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều tiến bộ vượt bậc. NHNN đã xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Các TCTD đã nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, hiện đại như thanh toán trên thiết bị di động, áp dụng xác thực vân tay, sinh trắc, sử dụng mã phản hồi nhanh... Đồng thời, thanh toán ngân hàng được đẩy mạnh đối với các dịch vụ công, góp phần không nhỏ trong việc hạn chế sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.
Ngoài ra, công tác CCHC giai đoạn 2016-2020 tiếp tục được NHNN đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt. Nhờ đó trong 5 năm liên tiếp, NHNN đã được Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ xếp thứ nhất về chỉ số CCHC PAR-Index, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Phó Thống đốc đánh giá như thế nào về kết quả ngành Ngân hàng năm qua?
2020 là một năm đi vào lịch sử thế giới với những thách thức chưa từng có. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về tín dụng nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Sự vào cuộc sớm, chủ động và quyết liệt của ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực: Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu phục hồi từ tháng Quý II khi cầu tín dụng bắt đầu tăng và tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, nhu cầu vốn cho các dự án trọng điểm được đáp ứng kịp thời.
Đặc biệt, tất cả các TCTD (kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài) đều vào cuộc mạnh mẽ.
Các giải pháp NHNN và ngành ngân hàng triển khai trong thời gian qua, đặc biệt là giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện bằng chính nguồn lực của các TCTD từ việc tiết kiệm triệt để chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận kinh doanh, trên tinh thần chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng với khách hàng vay vốn, đã phát huy tác dụng giúp giảm áp lực cho doanh nghiệp trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh.
- Bước sang 2021, ngành ngân hàng đặt mục tiêu ra sao, thưa Phó Thống đốc?
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 - một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những thách thức, biến động khó lường, ngành Ngân hàng đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động vượt qua mọi khó khăn với tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao phó, tiếp tục đảm bảo vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
Đồng thời, tiếp tục kiên định mục tiêu mà Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã đặt ra trong giai đoạn 2021-2025, theo hướng hiện đại hóa NHNN và phát triển hệ thống các TCTD hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững, phấn đấu đạt trình độ của các nước đứng đầu trong khu vực.
- Xin cảm ơn Phó Thống đốc!
Có thể bạn quan tâm
eKYC – Nền tảng thiết yếu để NCB phát triển ngân hàng số
06:59, 14/08/2020
Việt Nam đã có ngân hàng số đích thực?
11:30, 05/06/2020
“Bệ đỡ” cho hệ sinh thái ngân hàng số
11:30, 03/06/2020
Cẩn trọng cấp phép ngân hàng số cho Grab
06:00, 27/05/2020
GÓC NHÌN TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Vừa chạy vừa xếp hàng với ngân hàng số
06:45, 23/05/2020
“Mở lối” phát triển ngân hàng số và thanh toán điện tử
11:30, 23/05/2020
TRỰC TUYẾN: Ngân hàng số và thanh toán điện tử - Gợi mở từ khủng hoảng COVID -19
14:04, 21/05/2020