Vào năm 2024, ngành Bao bì phải thực hiện các quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn có hiệu lực, trong việc quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải.
>>>VCCI ủng hộ cải tiến ngành nhựa, in ấn và bao bì theo hướng kinh tế tuần hoàn
Trong đó, các doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải thực hiện mô hình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), đảm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, trong việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nhà sản xuất.
Áp lực giảm chi phí của các nhà sản xuất bao bì
Hiện nay, năng lực sản xuất bao bì giấy phổ thông đã vượt quá nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp chỉ đang hoạt động khoảng 60% công suất và sản lượng bao bì có thể tăng cao hơn trong một vài năm tới. Khi sản lượng tiềm năng cao hơn nhiều sản lượng thực tế, các nhà sản xuất loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm trong một thị trường bão hòa. Điều này một phần do cầu tiêu dùng hàng hóa giảm kéo theo lượng cầu bao bì giảm, áp lực giảm chi phí của các nhà sản xuất bao bì càng tăng cao để tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Từ đó, các vấn đề liên quan đến thị trường quốc tế, kênh phân phối, biến động tỷ giá… càng làm doanh nghiệp lo ngại nhiều hơn.
Thực tế, ngành Bao bì hiện nay cũng như nhiều ngành khác, cũng phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu bao trùm ngành Bao bì. Biểu hiện rõ ràng nhất ở chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), tính chung 08 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước cùng kỳ năm 2022 tăng 9,2%.
>>>Doanh nghiệp dễ “mất điểm” vì chưa kịp bắt trend bao bì sản phẩm
Trong khi đó, theo khảo sát của Vietnam Report vào tháng 08/2023, 25,7% doanh nghiệp Bao bì có doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng Bao bì cũng sụt giảm nghiêm trọng, 06 tháng đầu năm 2023 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bao bì (tính trên 2 nhóm HS.3923 và HS.4819) đạt 1,07 tỷ USD, chỉ tương đương 63,1% cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tương đương 77,4% và 36,6% so với cùng kỳ.
Cùng với chính sách điều hành của Chính phủ, dù lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm, lạm phát được giữ ổn định, nhưng trước nguyên nhân từ tổng cầu suy yếu, thiếu thanh khoản và tín dụng vẫn cản trở khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp. Khả năng chi trả lãi vay yếu do tình hình tài chính đi xuống, từ đó cũng hạn chế tiếp cận nguồn vốn mới của doanh nghiệp trong tình hình hiện tại.
Tiềm năng xuất khẩu tới các thị trường khó tính
Trong giai đoạn này, tiềm năng xuất khẩu dựa trên điều kiện thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 16 FTA song phương và đa phương, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, xuất khẩu bao bì cũng được hưởng lợi từ đây. xuất khẩu bao bì sang 27 quốc gia có giá trị trên 10 triệu USD, chiếm 96,4% giá trị xuất khẩu bao bì. Hầu hết các quốc gia trên đều nằm trong ít nhất một FTA mà Việt Nam đang là thành viên.
Thuế suất thuế nhập khẩu vào thị các thị trường trên cho mặt hàng bao bì hầu hết về 0,0%, phần nhỏ các mặt hàng vẫn chịu thuế nhưng đều không quá 5,0%. Các doanh nghiệp Bao bì có thể tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để mở rộng thị trường - một trong các chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Vị thế của bao bì Việt Nam trên trường quốc tế còn có được nâng cao hơn nữa khi các vấn đề liên quan tới chuỗi cung ứng đang dần hạ nhiệt, những khó khăn về chi phí nguyên vật liệu đầu vào được giảm bớt nhờ chi phí logistics giảm.
Ngoài yếu tố ngoại sinh từ các FTA mang lại, chính những yếu tố nội sinh như năng lực sản xuất, quản trị rủi ro vận hành, đặc biệt là quản trị rủi ro chuỗi cung ứng đóng vai trò quan trọng trong việc tận dụng tiềm năng xuất khẩu và duy trì sự cạnh tranh của ngành sản xuất Bao bì Việt Nam. Vì vậy, về phía doanh nghiệp cần linh hoạt cung ứng các sản phẩm phù hợp với thị trường nước ngoài, ổn định sản xuất, tận dụng lợi thế từ các FTA trong việc đưa sản phẩm bao bì tới nhiều thị trường khó tính.
Phát triển bền vững theo luật bảo vệ môi trường
Theo dự báo kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023, các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report tỏ ra lạc quan hơn so với những tháng đầu năm, một phần đến từ nền kinh tế thế giới đang dần phục hồi và giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô được ổn định, nổi bật là mặt bằng lãi suất được hạ thấp và lạm phát nằm trong tầm kiểm soát, Chính phủ đã có những chính sách kích cầu tiêu dùng nhằm phục hồi tổng cầu như giảm 2% thuế giá trị gia tăng.
Theo đó, ngành bao bì những tháng cuối năm nay khó có thể tăng trưởng bứt phá, nhưng kịch bản phục hồi nhẹ là có thể khi IIP có chiều hướng đi lên kể từ giữa quý II. Nhằm thích ứng với tình hình kinh tế hiện tại, các doanh nghiệp Bao bì ưu tiên giải pháp trong ngắn hạn như: Mở rộng thị trường (66,7%); Đa dạng nhà cung cấp nguyên vật liệu (80,3%).
Trong dài hạn, giải pháp trọng tâm được các doanh nghiệp thực hiện là tăng cường các biện pháp quản trị rủi ro tài chính, biến động giá và chất lượng nguồn nguyên liệu với tỷ lệ lựa chọn đạt 100%. Ngoài ra, chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường ngày càng được doanh nghiệp trong ngành áp dụng, nhất là theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, đến tháng 01/2024, các doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải thực hiện mô hình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Cùng với hỗ trợ của Chính phủ trong việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics đóng vai trò quan trọng và cần thiết, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển hiệu quả và kịp thời.
Ngoài ra, việc giảm thuế nhập khẩu nguyên vật liệu đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy ngành Bao bì tại Việt Nam. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy đầu tư, khuyến khích sáng tạo, cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng cơ hội xuất khẩu và hỗ trợ sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường. Từ đó, việc giảm thuế nhập khẩu nguyên vật liệu mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho ngành Bao bì và kích thích sự phát triển bền vững của nó. Giải pháp này cũng đồng thuận với cam kết của nước ta trong các FTA, gỡ bỏ dần hàng rào thuế quan, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế.
Có thể bạn quan tâm