Ở thị trường quốc tế, sản lượng container chuyển biến tích cực, nhưng giá cước vận tải biển sẽ khó giảm sâu dù tình trang dư cung vần cao. Trong khi đó, thị trường nội địa đang bước vào pha phục hồi.
>>>4 “con sóng” hồi cho ngành vận tải biển
Đánh giá về thị trường toàn cầu, Công ty Chứng khoán TPS cho biết, ngành cảng và vận tải biển trải qua một năm với nhiều biến cố, những tác động tiêu cực đến tăng trưởng của ngành như: lạm phát cao; xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng Trung ương; xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài sang năm 2023...những điều này đã khiến nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm mạnh mẽ.
Theo TPS, sản lượng hàng container qua cảng toàn cầu liên tục tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2023 dù giá cước và áp lực đến chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể so với mức đỉnh. Tuy nhiên, hoạt động khai thác cảng đã ghi nhận những tín hiệu đảo chiều từ quý III/2023 sau khi tốc độ tăng trưởng tạo đáy từ đầu năm.
Năm 2023, thị trường vận tải biển toàn cầu tiếp tục chứng kiến sự trầm lắng của giá cước vận chuyển trong bối cảnh nội lực của thương mại toàn cầu vẫn còn yếu. Chỉ số giá cước container toàn cầu tiếp tục có xu hướng đi xuống trong năm 2023 nhưng tốc độ giảm đã chậm lại và dao động trên mức trung bình trước đại dịch.
Sau khi chạm đáy 1.342 USD/40ft hồi tháng 10 hiện chỉ số đã phục hồi trở lại mức 1.504 USD/40ft, giảm 34,2% so với cùng kỳ, thấp hơn 86,1% so với mức đỉnh, nhưng vẫn tăng 12,1% so với tháng trước và cao hơn 6% so với mức trung bình trước dịch.
EBIT margin của các hãng tàu cũng sụt giảm mạnh sau khi xác lập đỉnh. Theo Alphaliner, EBIT margin trung bình thu hẹp chỉ còn 8,9% trong quý II/2023, thấp hơn rất nhiều so với mức 57,4% cách đây hơn một năm. Điều này cho thấy các hãng tàu đang rất “chật vật” trong bối cảnh giá cước thấp và nhu cầu vận tải yếu.
Trong khi đó, dù trọng tải tàu container bị phá dỡ trong năm 2023 và 2024 dự kiến sẽ cao trở lại nhưng vẫn rất thấp so với số lượng lớn tàu dự kiến được bàn giao trong hai năm này.
Nguồn cung trên thị trường vận tải tăng mạnh có thể được lý giải trong bối cảnh các hãng tàu lớn đang chạy đua trong xu hướng xanh hoá đội tàu để đáp ứng những quy định nghiêm ngặt của IMO trong chiến lược khử carbon của ngành. Về mặt tiêu cực, điều này sẽ khiến tình trạng dư cung trầm trọng hơn, nhưng về mặt tích cực, số lượng tàu bị phá dỡ sẽ gia tăng và giúp thị trường tìm lại điểm cân bằng.
“Dù vẫn còn chịu áp lực lớn từ nguồn cung song chúng tôi cho rằng giá cước sẽ duy trì mức nền cao hơn mức trung bình trước dịch bởi các yếu tố: Các phụ phí như phụ phí nhiên liệu, phụ phí kênh đào tăng,…; Chi phí đóng tàu mới đang neo ở mức cao nhất 10 năm; Các chuyến tàu vận tải biển có điểm đi và đến châu Âu đều phải mua giấy phép phát thải carbo”, TPS cho biết.
Đối với thị trường nội địa, Công ty Chứng khoán này cho rằng, dù hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, kim ngạch XNK hàng hoá 10 tháng năm 2023 vẫn giảm so với cùng kỳ nhưng đà giảm đã chậm lại.
Cụ thể, trong tháng 10, kim ngạch XNK ước đạt 60,1 tỷ USD, tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm. Trong đó, hàng hoá xuất khẩu đạt 32 tỷ USD, tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ, hàng hoá nhập khẩu ước đạt hơn 28 tỷ USD , tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Sau 10 tháng năm 2023, tổng kim ngạch hàng hóa XNK ước đạt 544 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ 2022, mức suy giảm đã thu hẹp đáng kể so với thời điểm nửa đầu năm 2023 (giảm 15% so với cùng kỳ). Trong đó, khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 384 tỷ USD, giảm 10,5% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức giảm 14,7% của 6 tháng năm 2023.
Đối với hoạt động cảng biển, TPS cho biết, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển cũng có chiều hướng cải thiện tích cực. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển 10 tháng đầu năm 2023 ước đạt 624,6 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ. Lượng hàng xuất khẩu giảm nhẹ khoảng 1%, nhưng hàng nhập khẩu đã tăng trưởng mạnh hơn, khoảng 5%. Đối với hàng hóa container, khối lượng thông qua cảng biển 10 tháng năm 2023 cũng thu hẹp mức giảm còn khoảng 3%, ước đạt 20,3 triệu TEU.
Nhận định về triển vọng phục hồi, TPS cho rằng, năm 2023 là năm khó khăn đối với ngành cảng biển Việt Nam, khi triển vọng phát triển không như dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, đơn vị này kỳ vọng tình hình thị trường sẽ có tiến triển tốt hơn trong thời gian tới nhờ:
Thứ nhất, áp lực lạm phát trên toàn cầu hạ nhiệt. Tại Mỹ, theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ chỉ số giá tiêu dung (CPI) của nước này trong tháng 10/2023 chỉ tăng 3.2% so với cùng kỳ, thấp hơn dự báo trước đó. Trong khi tại EU, lạm phát trong tháng 10 xuống mức thấp nhất trong hai năm. Lạm phát tại Trung Quốc duy trì quanh mức 0%;
Thứ hai, doanh số bán lẻ Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng tích cực; Thứ ba, nhu cầu tiêu dùng có xu hướng sôi động hơn vào giai đoạn cuối năm khi đây cũng là giai đoạn các nhà nhập khẩu chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp Lễ Tết; Thứ tư, dự thảo sửa đổi thông tư 54/2018, đề xuất tăng giá sàn đối với một số dịch vụ trọng điểm tại cảng biển, trong đó nhóm cảng nước sâu được đề xuất tăng 20% giá sàn dịch vụ nâng hạ container.
“Với nhóm vận tải biển, triển vọng 2024 sẽ khả quan hơn vì áp lực lạm phát trên toàn cầu dần hạ nhiệt và nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng trở lại. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng giá cước tại thị trường nội địa sẽ khó tăng thêm khi số lượng tàu container gia nhập thị trường dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong năm 2024 khi HAH dự kiến sẽ đón 2 tàu trọng tải 1.800 TEU”, TPS đánh giá.
Có thể bạn quan tâm