Các công ty chứng khoán đánh giá tích cực đối với cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành cảng và vận tải biển như HAH, GMD và PVT...
>>>Ngành cảng biển đối diện với những rủi ro nào trong năm 2024?
Chứng khoán SSI đánh giá, trong quý I/2024, Công ty CP Vận tải & Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) tiếp tục bị ảnh hưởng của chu kỳ đi xuống của ngành vận tải container từ giữa năm 2022-2023. Công ty ghi nhận doanh thu tăng 7% đạt 704 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận ròng của cổ đông công ty mẹ giảm 57% so với cùng kỳ, đạt 51 tỷ đồng và chỉ đạt 17% kế hoạch của công ty.
Ngoài sự đóng góp từ tàu mới trọng tải 1.780 TEU từ đầu năm 2024, sản lượng vận tải tăng mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc đảo chiều thành xu hướng tăng trưởng doanh thu của HAH. SSI cho rằng, điều này có thể là đến từ việc giá trị xuất khẩu của Trung Quốc phục hồi mạnh với giá trị tăng 22% so với cùng kỳ. Sự phục hồi này cũng được thể hiện rõ ràng trong sản lượng vận tải quốc tế tại cụm cảng Hải Phòng, với mức độ phục hồi mạnh hơn so với nhu cầu vận chuyển của thị trường nội địa.
Theo SSI, mặc dù doanh thu ghi nhận tăng trưởng nhưng biên lợi nhuận vẫn bị thu hẹp, dẫn đến lợi nhuận tiếp tục giảm. Các tàu tự vận hành tỏ ra kém hiệu quả, chủ yếu do tình trạng dư cung tại thị trường nội địa và việc chậm tăng giá cước đối với các tuyến trong khu vực nội Á so với những tuyến hàng hải bị ảnh hưởng trực tiếp bởi căng thẳng Biển Đỏ. Ngoài ra, phân khúc cho thuê tàu của HAH vẫn chưa ghi nhận mức giá cho thuê định hạn hấp dẫn vì các hợp đồng cho thuê với giá thấp hiện tại chỉ hết hạn từ tháng 4 trở đi.
Đánh giá về triển vọng của HAH, mặc dù SSI dự báo xu hướng phục hồi từ quý II đến quý III, nhưng dữ liệu xuất nhập khẩu tính đến thời điểm hiện tại cho thấy sự phục hồi về sản lượng hoạt động có thể sẽ vượt kỳ vọng. Trong khi đó, giá cước vận tải tàu container toàn cầu tiếp tục duy trì ổn định ở cả thị trường giao ngay và cho thuê tàu định hạn.
Đáng chú ý là chỉ số container toàn cầu, đại diện cho giá cước vận tải container giao ngay cho các tuyến vận tải quốc tế lớn đã quay về vùng của dịch Covid, trong khi giá thuê tàu định hạn trọng tải 1.700 TEU đã tăng 65% so với đầu năm.
Về hoạt động kinh doanh của HAH, SSI cho rằng, việc giá cước neo cao trong thời gian dài hơn sẽ ảnh hưởng tích cực các hợp đồng cho thuê tàu định hạn sẽ hết hạn hợp đồng từ quý IV/2024 trở đi, cũng như giá cước giao ngay trên các tuyến nội địa vẫn chưa phục hồi mạnh kể từ đầu năm 2024.
“Chúng tôi cho rằng lợi nhuận sẽ phục hồi so với quý trước từ quý II/2024, do môi trường giá cước thuận lợi và tăng trưởng nhu cầu gần đây được phản ánh trong dữ liệu xuất nhập khẩu tháng 4 và giữa tháng 5”, SSI đánh giá.
Từ đó, Công ty Chứng khoán này đưa ra khuyến nghị Khả quan đối với cổ phiếu HAH. Đồng thời cho rằng, khả năng phục hồi lợi nhuận và diễn biến thị trường vận tải container quốc tế là những chỉ tiêu quan trọng hơn cần theo dõi (vẫn tích cực trong ngắn hạn) thay vì tập trung vào định giá so sánh hiện tại.
Đối với Công ty CP Gemadept (HoSE: GMD), Chứng khoán DSC đánh giá kết quả kinh doanh quý I/2024 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, với doanh thu thuần tăng 11%, đạt 1.005 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 135% và lợi nhuận sau thuế tăng 157%.
Sự bứt phá này được thúc đẩy bởi 3 yếu tố chính: Thứ nhất, tăng trưởng thông lượng hàng hóa. Thông lượng hàng hóa qua hệ thống cảng của GMD tăng 56%, đạt 908.000 TEUs so với cùng kỳ năm ngoái. Ở mảng cảng, doanh thu hợp nhất tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái do xuất nhập khẩu ba tháng đầu năm tăng trưởng mạnh mẽ và GMD cũng liên tục kí kết với khách hàng mới, nâng cao năng lực tiếp nhận và xếp dỡ hàng hóa.
Thứ hai, tăng giá dịch vụ bốc dỡ: Thông tư 39/2023/TT-BGTVT điều chỉnh giá sàn dịch vụ bốc dỡ container, tăng 10% trung bình, đã trở thành đòn bẩy giúp GMD bứt phá doanh thu và lợi nhuận trong quý này. Nhờ chính sách này, nguồn thu từ hoạt động bốc dỡ container được thúc đẩy, đặc biệt tại các cảng nước sâu miền Nam - khu vực trọng điểm của GMD.
Thứ ba, thoái vốn Cảng Nam Hải: Việc thoái vốn Cảng Nam Hải trong quý I/2024 đã mang lại cho GMD khoản lợi nhuận đột biến gần 336 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào doanh thu tài chính của doanh nghiệp.
DSC cho rằng, nhờ vào khoản lợi nhuận đột biến từ thương vụ thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ đã giúp P/E của GMD giảm xuống mức 9,86 lần, thấp hơn so với lịch sử. Tuy nhiên, nếu không tính đến khoản lợi nhuận này, P/E của GMD có thể vượt 20 lần, cao hơn mức trung bình 5 năm là 17,90 lần. Tương tự, P/B hiện tại là 2,82 lần, cũng cao hơn đáng kể so với mức trung bình 5 năm là 1,91 lần.
Mặc dù có những triển vọng tích cực từ Nam Đình Vũ 2 (NĐV2) và Gemalink (GML), DSC cho rằng mức P/E điều chỉnh và P/B hiện tại chưa thực sự hấp dẫn. Với giả định NĐV2 đi vào hoạt động sẽ thay thế cho Nam Hải Đình Vũ vừa được thoái vốn đạt 80% công suất và GML hồi phục đáng kể, ghi nhận 1,4 triệu TEUs trong năm 2024. DSC ước tính, doanh thu thuần của GMD năm 2024 dự kiến đạt đạt 4.064 tỷ đồng, tăng 6% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.392 tỷ đồng, giảm 45% so với năm trước.
"Chúng tôi nhận thấy, GMD là doanh nghiệp đầu ngành với lợi thế cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng rõ ràng trong dài hạn, vì vậy có thể theo dõi và đầu tư khi cổ phiếu chiết khấu về vùng giá khoảng 63-66.000 VND", DSC khuyến nghị.
Đối với Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (HoSE: PVT), Chứng khoán BSC đánh giá, điểm nhấn chính trong kết quả kinh doanh quý I/2024 nhờ 2 yếu tố:
Thứ nhất, hoạt động kinh doanh cốt lõi ghi nhận kết quả khả quan, tăng 68% nhờ giá cước bình quân duy trì nền cao 2023 và đội tàu mở rộng. Doanh thu thuần đạt 2.536 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ được dẫn dắt chủ yếu bởi mảng vận tải nhờ gia tăng thêm 7 tàu đi vào hoạt động so với cùng kỳ. Trong đó, vận tải dầu thô và thành phẩm/hóa chất dẫn dắt tích cực với mức ghi nhận doanh thu 1.340 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, giá cước cho thuê định hạn (TC) đối với nhóm tàu dầu thô và dầu thành phẩm đi ngang trên mức nền cao của 2023 nhờ mất cân bằng giữa cung – cầu tàu dầu và tăng nhu cầu tấn dặm do xung đột địa chính trị. Giá cước TC đối với tàu hóa chất không biến động nhiều nhờ nhu cầu tương đối ổn định.
Thứ hai, đóng góp tích cực từ mở rộng đội tàu: Trong ngắn hạn, đội tàu mới gia tăng thêm 20% công suất trong tổng công suất từ nửa cuối năm 2023 đến quý I/2024. Nhờ hưởng lợi từ giá cước cho thuê được neo trên nền cao 2023, kỳ vọng việc mở rộng đội tàu hỗ trợ doanh thu mảng vận tải tăng trưởng tích cực, tăng 37% so với cùng kỳ trong 2024.
Trong trung hạn và dài hạn: PVT dự kiến đầu tư nhiều hơn vào đội tàu hóa chất thay vì dầu thành phẩm trong 2024 – 2025. Do xu hướng chuyển đổi trong sử dụng năng lượng hóa thạch cũng như thị trường đối với mảng này tương đối ổn định. BSC cho rằng, hoạt động đầu tư này hỗ trợ triển vọng trong trung và dài hạn của doanh nghiệp.
Do đó, năm 2024, BSC dự phóng PVT ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 12.584 tỷ đồng, tăng 32% và 1.225 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước, tương đương EPS đạt 3.235 VNĐ/cổ phiếu. Dự báo chủ yếu dựa trên những giả định sau: Doanh thu thuần 2024 được dẫn dắt bởi mảng vận tải tăng 39%. Chủ yếu nhờ đóng góp của 8 tàu mua mới từ nửa cuối 2023 và quý I/2024 giúp công suất đội tàu tăng 20%; Biên gộp cải thiện +1.1bsp nhờ giá cước cao giúp bù đắp được chi phí hoạt động từ hoạt động đầu tư tàu mới và chi phí OPEX/tàu giảm khi số lượng tàu tăng; Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh 26% chủ yếu đến từ đóng góp của hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Có thể bạn quan tâm
Ngành cảng biển đối diện với những rủi ro nào trong năm 2024?
04:30, 25/05/2024
Năm 2024: Ngành cảng biển và logistics sẽ phục hồi sản lượng
04:00, 30/01/2024
Ngành cảng biển: Năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức
14:00, 21/11/2023
Năm 2022 ngành cảng biển và logistics có gì đáng chú ý?
04:00, 18/01/2022
Ngành cảng biển & logistics năm 2021: Triển vọng tăng trưởng nhờ sự phục hồi toàn cầu
05:30, 03/02/2021