Ngành Công Thương Ninh Bình: Tạo đòn bẩy sản xuất công nghiệp và thương mại

HOÀI ANH 11/05/2023 11:12

Tình hình sản xuất và thương mại trong quý I/2023 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương, nhưng ở mức thấp, do thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước thu hẹp.

>>Để Ninh Bình thành "cực tăng trưởng"

 Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc với chủ đầu tư Cụm công nghiệp Gia Vân và các doanh nghiệp đầu tư trong Cụm công nghiệp Gia Vân

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc với chủ đầu tư Cụm công nghiệp Gia Vân và các doanh nghiệp đầu tư trong Cụm công nghiệp Gia Vân

Theo Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng 3/2023 ước tính tăng 12,1% so với tháng trước. Tính chung quý I/2023, chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 0,36%. Trong đó, khai khoáng tăng 9,35%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,26%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,33%; riêng ngành sản xuất và phân phối điện giảm 31,78%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ

Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Ninh Bình đã đề xuất UBND tỉnh phương án phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương tiếp thu, hoàn thiện “Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”; tổng hợp ý kiến tham gia đóng góp của cơ quan, đơn vị có liên quan vào Đề án để sớm hoàn thiện, báo cáo UBND tỉnh xem xét, ban hành làm cơ sở triển khai thực hiện.

Để ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023, Sở Công thương sẽ rà soát cơ chế, chính sách tác động đến công nghiệp của tỉnh, đẩy mạnh tham mưu cho UBND tỉnh về các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, mở rộng quỹ đất, các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên, như công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ...; Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu; thực hiện các chính sách hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu; kích cầu tiêu thụ trong nước... để tăng khả năng cạnh tranh.

Ngoài ra, để nắm bắt tình hình đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động sản xuất kinh doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển sản xuất, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tổ chức làm việc với Ban quản lý các khu công nghiệp, các chủ đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư thứ cấp trong các CCN và một số doanh nghiệp đầu tư nằm ngoài các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh để kịp thời giải đáp, tháo gỡ các khó khăn thuộc thẩm quyền giải quyết.

Năm 2023, UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các ngành tích cực triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch 175/KH-UBND ngày 27/10/2020 của UBND tỉnh về quản lý và phát triển các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, ưu tiên rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng các KCN hiện có như Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp I; đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng khu 35ha KCN Gián Khẩu mở rộng.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các CCN Khánh Hải I, Khánh Hải II, Khánh Lợi...; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các CCN tạo mặt bằng thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới.

Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu

Riêng đối với xuất khẩu của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tháng 3/2023 đạt 243,8 triệu USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 đạt 678 triệu USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 20,9% kế hoạch năm.

Bà Lê Thị Lài, Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công TNHH ASIA+ cho biết: Tình trạng thiếu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may diễn ra trong vài năm nay nhưng đây là giai đoạn khó khăn nhất do thị trường nhiều nước đối tác đã thu hẹp. Để duy trì sản xuất, tránh tình trạng công nhân bỏ việc, Ban giám đốc doanh nghiệp đã tích cực tìm kiếm các thị trường, đối tác mới, đa dạng hóa sản phẩm để đảm bảo việc làm cho người lao động.

Sở Công thương Ninh Bình nhận định, những ngành xuất khẩu, trong đó có da giày, may mặc, linh kiện điện tử đều phải chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Theo đánh giá của Bộ Công thương, thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm và đặc biệt tồn kho khá lớn đối với mặt hàng thời trang. Chính những yếu tố này ảnh hưởng tới tình hình đơn hàng của ngành da giày, may mặc.
Dự kiến phải đến hết quý II/2023 tình hình mới có thể khả quan hơn. Điều này cũng tác động khá lớn tới đơn hàng, cũng như lao động của các doanh nghiệp ngành may mặc, giày da… Các doanh nghiệp cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành.

Do đó, Sở Công thương đã tiếp nhận, thẩm định và cấp 1.290 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận sang thị trường các nước đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng tối đa các lợi thế về miễn giảm thuế quan từ các thị trường đã ký FTA.

Có thể bạn quan tâm

  • NInh Bình hướng đến môi trường du lịch thân thiện và an toàn

    NInh Bình hướng đến môi trường du lịch thân thiện và an toàn

    05:16, 01/05/2023

  • Toàn cảnh cao tốc hơn 12.000 tỷ nối Ninh Bình - Thanh Hóa sắp thông xe

    Toàn cảnh cao tốc hơn 12.000 tỷ nối Ninh Bình - Thanh Hóa sắp thông xe

    13:52, 27/03/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040

    22:58, 08/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành Công Thương Ninh Bình: Tạo đòn bẩy sản xuất công nghiệp và thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO