Mặc dù là nước xuất khẩu giày dép lớn thứ 3 thế giới, nhưng ngành da giày đang phải đối mặt với nhiều khó khăn gây cản trở sự tăng trưởng của ngành.
"Điểm yếu" của da giày
Bộ Công thương cho biết, tính chung 10 tháng đầu năm 2018, sản lượng giày dép da tăng khá so với cùng kỳ năm 2016.
Cụ thể, sản lượng sản xuất giày dép da ước đạt 227,1 triệu đôi, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2017. Hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam cũng đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong các tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo. Ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại trong 10 tháng năm 2018 ước đạt 12,9 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo dự báo của Bộ Công thương, việc ký kết một số hiệp định thương mại (EVFTA, CPTPP) sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành da – giày Việt Nam, đặc biệt là thu hút đầu tư, cũng như thúc đẩy xuất khẩu đối với thị trường EU và các nước tham gia CPTPP.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Da giày TP.HCM cho biết: Giá trị kim ngạch hàng xuất khẩu da giày của cả nước trong năm qua đạt 14,7 tỷ USD. Trong đó, TP.HCM chiếm 40%.
“Tuy nhiên, các doanh nghiệp da giày trong nước vẫn phải nhập từ 70 – 75% khối lượng nguyên liệu từ nước ngoài, nguyên liệu nội địa chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất."
Năm 2018, ngành da giày đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Chuyên gia trong ngành da giày cho biết, điểm yếu của ngành da giày Việt Nam là không phát triển sản xuất giày dép song song với phát triển công nghiệp hỗ trợ như một số nước khác.
Cùng với đó là sự yếu kém về công nghệ, thiết bị và thiếu nguồn lực tài chính của doanh nghiệp đã làm cho công nghiệp hỗ trợ da giày Việt Nam không thể "cất cánh".
Vượt qua rào cản cách nào?
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Da giày TP.HCM nếu muốn nâng cao sản lượng và ngày càng phát triển, các doanh nghiệp da giày cần sớm đảm bảo nguồn nguyên liệu trong bối cảnh các hiệp định thương mại sẽ đem về nhiều đơn hàng, là cơ hội để mở rộng xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 30/10/2018
19:24, 11/07/2018
11:00, 11/07/2018
11:10, 09/03/2018
Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các khu công nghiệp tập trung sản xuất da thuộc, dệt nhuộm, vải giả da… với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, khuyến khích các địa phương xây dựng cụm công nghiệp chuyên sản xuất nguyên, phụ liệu. Cùng với đó là chính sách kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, để hóa giải những khó khăn trước mắt và duy trì được đà tăng trưởng, Bộ Công Thương cho rằng, hạn chế về năng suất liên quan đến trang thiết bị của các doanh nghiệp Việt Nam là một bất lợi cần phải được khắc phục sớm, đặc biệt là trong bối cảnh xuất hiện khả năng dịch chuyển sản xuất ngành da giày từ Trung Quốc sang Việt Nam sau chiến tranh thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc.