Giao thương

Tự chủ nguyên phụ liệu dệt may, da giày: Giảm lệ thuộc từ nguồn nhập khẩu

MINH CHÂU thực hiện 10/08/2024 14:52

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam cho rằng, cần gỡ nút thắt về nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày, bởi muốn chủ động nguồn cung, tránh phụ thuộc bên ngoài thì phải chủ động được khâu nguyên liệu trong sản xuất.

Nửa đầu năm 2024, ngành da giày, túi xách đã mang về 12,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

thanh xuan
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam.

- Kim ngạch xuất khẩu ngành da giày luôn nằm trong top cao, nhưng ngành này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do phần lớn phải nhập khẩu nguyên liệu, thưa bà?

Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến ngành có thể đạt 26 - 27 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2024. Tính về thị trường, 5 thị trường lớn nhất của giày dép Việt trong 4 tháng qua là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hiện nay, các thị trường lớn như EU, Mỹ đều đã áp dụng các đạo luật như EUDR yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nguyên phụ liệu trong chuỗi cung ứng, vấn đề đảm bảo sinh thái bền vững liên quan đến sản phẩm nhập khẩu. Trong đó, nguyên phụ liệu nhập khẩu có trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày... cũng sẽ bị truy xuất nguồn gốc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn nguyên liệu dùng trong sản xuất được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra lời giải để cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường.

Tất cả những quy định này nhằm tăng chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế tuần hoàn trong ngành. Song những chính sách này đang tác động tới toàn bộ chuỗi cung ứng, tạo ra thách thức rất lớn đối với các nhà sản xuất, trong đó có Việt Nam.

- Vậy, đâu là lời giải cho thách thức về minh bạch và tự chủ trong vấn đề về nguyên phụ liệu sản xuất da giày?

Để đồng thời giải quyết được cả vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm vốn đang đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội da giày và Hiệp hội Dệt may đã đề xuất với Chính phủ về việc thành lập và phát triển Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam (Trung tâm). Tuy nhiên, để trung tâm này thành công chúng ta cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực.

Thứ nhất, Trung tâm giải quyết được vấn đề đa dạng hóa các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, công nghệ, vật tư để phục vụ sản xuất. Đối với chuỗi cung ứng, thông qua Trung tâm giao dịch này, chúng ta sẽ có các nhà cung ứng đạt yêu cầu, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ.

Thứ hai, Trung tâm giao dịch này còn mở ra cơ hội khai thác, tiếp cận thị trường mới cho các nhà sản xuất nguyên phụ liệu trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng. Khi có Trung tâm, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thúc đẩy nội lực, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Thứ ba, những chính sách ưu đãi về thuế, chi phí kho vận, sự tinh gọn trong các thủ tục hải quan,... sẽ là bệ đỡ vững chắc nhằm thúc đẩy lợi thế cạnh tranh của ngành da giày Việt Nam đối với các nước trong khu vực.
- Để giữ vững ngành xuất khẩu chủ lực và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, xu hướng sản xuất theo tiêu chuẩn xanh đang đặt ra với ngành da giày, thưa bà?
Thời gian tới, ngành da giày Việt Nam sẽ tham gia sản xuất nhiều dòng thuộc phân khúc cao cấp hơn, vì thế việc đầu tư phát triển nguyên phụ liệu cần tập trung vào công nghệ mới và chất lượng cao hơn. Trong đó, đặc biệt phải thúc đẩy phát triển hoạt động của thị trường cung ứng nguyên phụ liệu theo hướng quy mô, chuẩn hoá và minh bạch bằng việc xây dựng khu trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu và đổi mới sáng tạo ngành thời trang Việt Nam.

Đây sẽ là nơi tập trung mẫu, phân phối nguyên phụ liệu; đầu tư, chuyển giao công nghệ và giao dịch giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, từ đó giúp gỡ được nút thắt về nguyên phụ liệu.

Hiện nay, xu hướng của thế giới là thời trang bền vững. Vì vậy, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững không đơn thuần chỉ là xu hướng mà còn là bắt buộc với cộng đồng doanh nghiệp ngành da giày. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để ngành này nâng cao giá trị thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tự chủ nguyên phụ liệu dệt may, da giày: Giảm lệ thuộc từ nguồn nhập khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO