Theo các dự báo của thế giới, năm 2021 thị trường dệt may tiếp tục khó khăn, bất định, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nhiều đặc điểm mới của chuỗi cung ứng sẽ được thiết lập.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất về triển vọng ngành dệt may 2021 của CTCK SSI, nhóm phân tích nhận định rằng hàng dệt may xuất khẩu rất nhạy cảm với dịch Covid-19. Dẫn chứng từ số liệu của Vitas năm qua cho thấy, giá trị xuất khẩu của Việt Nam giảm trong tháng 4 và tháng 5 sau thông báo giãn cách xã hội tại EU và Mỹ, do các nhà bán lẻ đã hành động ngay lập tức để ngừng tích trữ hàng tồn kho.
Về triển vọng tăng trưởng năm 2021, Vitas dự báo giá trị xuất khẩu năm 2021 có thể phục hồi về mức năm 2019, đạt 39 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với CAGR giai đoạn 2015-2019 là 9,9%. Vitas cũng đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu năm 2025 đạt 55 tỷ USD (Tốc độ tăng trưởng hằng năm kép - CAGR 5 năm là 9,4% trong giai đoạn 2020-2025).
Trong thời gian tháng 2/2021, khi dịch COVID-19 trở lại miền Bắc, với ổ dịch tại Hải Dương có quy mô lớn thì thách thức và nguy cơ cũng lớn hơn cho ngành dệt may Việt Nam. Nếu như năm 2020, dịch bệnh diễn biến trên toàn thế giới một cách bất ngờ, khiến chuỗi cung ứng dừng lại, người mua không nhận hàng, không đặt hàng. Năm 2021 này, tình hình dịch bệnh đã khác đi, nếu để xảy ra dịch bệnh ở cơ sở, phải cách ly không thể tổ chức sản xuất, ngoài việc bị thiệt hại về tiền lương, chế độ cho người lao động, các doanh nghiệp của Việt Nam còn không thể hoàn thành được hợp đồng kinh tế đã ký kết với khách hàng. Đây là thách thức và rủi ro vô cùng lớn, là nguy cơ với tất cả các doanh nghiệp dệt may.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết "Chúng ta phải tiếp tục xây dựng giải pháp liên kết trong nội khối của ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là chia sẻ những thông tin, chia sẻ những đơn hàng, phải có một liên kết với các doanh nghiệp lớn để tạo dựng một nền tảng đơn hàng cho mục tiêu có đơn hàng ổn định".
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã thay đổi chiến lược về phát triển, đẩy mạnh liên kết, một số doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm, tự chủ từ nguyên liệu, thiết kế, sản xuất đến bán hàng hay sở hữu nhãn hiệu riêng.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng với sự nhạy bén, chuyển đổi mặt hàng sản xuất, doanh nghiệp dệt may đã từng bước vượt khó, hướng đến mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD.
Tính riêng tháng 1 vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Trong đó, một số sản phẩm có mức tăng cao khoảng 9-36% cho thấy tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu khả quan của ngành, cùng với đó là sự gia tăng thị phần nước ngoài.Năm 2020 cũng là năm đầu tiên sau 25 năm xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng trưởng -10,5%, đạt 35 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm hơn 22%, từ 740 tỷ USD xuống 600 tỷ USD, các quốc gia cạnh tranh đều có mức giảm 15-20%, mức sụt giảm của ngành dệt may Việt vẫn thấp hơn nhiều mặt bằng chung thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Xuất khẩu dệt may, da giày "tăng tốc" ngay đầu năm
04:00, 05/02/2021
Vì sao ngành dệt may đặt mục tiêu cho 2021 tương đương năm 2019?
04:00, 27/01/2021
Hai kịch bản cho xuất khẩu dệt may năm 2021
04:00, 04/01/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Ngành dệt may, da giày nỗ lực phấn đấu tăng trưởng nhanh
19:42, 23/12/2020
Dệt may "rộng cửa" vào EU nhờ cộng gộp xuất xứ vải với Hàn Quốc
04:10, 21/12/2020
Dự báo xuất khẩu dệt may sẽ "về đích" 34 tỷ USD
04:15, 30/11/2020
EVFTA VỚI CÁC NGÀNH (Kỳ 2): Ngành dệt may phụ thuộc vào năng lực cung ứng vải nội địa trong 2 năm tới
04:30, 30/10/2020