Ngành lâm nghiệp bước sang thời kỳ xây dựng một ngành kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi từ trồng, phát triển, chế biến, thương mại để hình thành một chuỗi ngành hàng với mục tiêu 10,5 tỷ USD năm 2019.
Tại “Hội nghị Diên Hồng” của ngành gỗ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” 10 năm tới ngành chế biến gỗ, lâm sản phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu, đạt kim ngạch xuất khẩu 2 con số từ năm 2019 và 20 tỷ USD năm 2025.
Mục tiêu 10,5 tỷ USD là có tính khả thi cao
Để từng bước hiện thực mục tiêu đó, năm 2019, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5-6,0%, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt từ 10,5 tỷ USD.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phân tích, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 1,3 tỷ USD so với năm 2017. Năm 2019, toàn ngành đặt ra mốc 10,5 tỷ USD, nghĩa là đặt mức tăng trưởng khoảng 1,2 tỷ USD so với năm 2018. Theo Thứ trưởng đánh giá, đây chưa phải là kỳ vọng cao và mục tiêu này hoàn toàn có tính khả thi.
Trước hết, về mặt thị trường, trong giai đoạn 2019-2020, Việt Nam có thể tranh thủ được những thuận lợi trong quan hệ thương mại giữa các thị trường lớn.
“Rõ ràng, Trung Quốc là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ rất lớn. Ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng sau Trung Quốc. Tuy nhiên, một số mặt hàng của Trung Quốc đang chịu áp thuế cao ở một số thị trường. Như vậy, các đối tác có thể sẽ hướng về thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các thị trường lớn khác của đồ gỗ Việt như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn tăng trưởng cao. Các cam kết cũng như quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia này vẫn đang tốt”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn phân tích.
Nhìn lại sự phát triển của ngành lâm sản trong năm 2018 có thể thấy, giá trị xuất khẩu lâm sản đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017. Đồng thời, chiếm hơn 23% của toàn ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt 6,99 tỷ USD.
Sang năm 2019, đánh giá từ Bộ NN&PTNT, Việt Nam có thể tăng sản lượng gỗ khai thác trong nước thêm 1,5 triệu mét khối cho nguyên liệu. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào các ngành hàng này tăng lên.
“Đây đều là những doanh nghiệp sản xuất hướng về hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp mới đây đã thông tin với Bộ, các đơn hàng tổng hợp lại trong năm 2019 có thể tăng lên khoảng 1,5 tỷ USD so với năm 2018. Bởi vậy, phương án đặt ra tăng lên 1,2 tỷ USD là hoàn toàn khả thi”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Trên thực tế, ngành lâm nghiệp đã có một năm tươi sáng khi giá trị xuất khẩu toàn ngành vượt mục tiêu đề ra. Đồng thời, sau 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã kết thúc đàm phán, chính thức ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU vào ngày 19/10/2018. Đây được coi là bước ngoặt lớn, cùng với việc triển khai đồng bộ Luật Lâm nghiệp vừa được Quốc hội thông qua mới đây sẽ góp phần hình thành ngành kinh tế lâm nghiệp bền vững.
Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019 cũng mở ra triển vọng cho việc hiện thực mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD trong năm 2019 này của ngành.
Có thể bạn quan tâm
15:28, 30/11/2018
05:45, 08/10/2018
18:37, 30/08/2018
05:10, 21/08/2018
Thách thức gỗ hợp pháp
Tuy nhiên, cần lưu ý, để tận dụng được những cơ hội từ VPA/FLEGT, trước hết các doanh nghiệp phải vượt qua các quy định về chứng minh nguồn gốc. Thậm chí, sử dụng gỗ hợp pháp được nhận định có tính chất “sống còn” đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Nói như ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Công ty TNHH Minh Phát, nếu doanh nghiệp sản xuất bằng gỗ tự nhiên thì sẽ không xuất khẩu được. Việc sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp là vấn đề cốt lõi để doanh nghiệp tồn tại.
"Công ty chúng tôi đang xuất khẩu 100% sản phẩm sang thị trường Mỹ. Để xuất khẩu được sang thị trường này, doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tính hệ thống, nguyên tắc và tuân thủ”, ông Hiệp nói.
Trong khi đó, Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay gỗ rừng trồng đã đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu sản xuất, nhưng chủ yếu vẫn đang là tràm và cao su, Việt Nam vẫn phải nhập 25% gỗ nguyên liệu.
Bởi vậy, để doanh nghiệp giảm dần tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu gỗ ở những khu vực có rủi ro pháp lý cao, cần có sự hỗ trợ của nhà nước trong việc cung cấp thông tin về nguồn gốc nguyên liệu gỗ như xây dựng cổng thông tin về nguyên liệu gỗ sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu hợp pháp.
Về lâu dài, dự báo nhu cầu nguyên liệu theo từng loại gỗ nào và sản lượng với các chỉ tiêu về chất lượng, để định hướng doanh nghiệp và địa phương chủ động nguyên liệu. Lâu dài vẫn là chủ động đảm bảo nguồn nguyên liệu.
“Bên cạnh cơ chế chính sách thì các doanh nghiệp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, có giải pháp cụ thể về mô hình, chính sách liên kết chặt chẽ với người trồng rừng. Bởi thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đó là thiếu hụt nguồn nguyên liệu có chứng chỉ, trong khi các doanh nghiệp còn manh mún, thiếu liên kết để tạo ra tính cạnh tranh. Điều này đặt ra vấn đề liên kết các thành phần trong chuỗi để tăng cường tính bền vững, tăng thêm giá trị gia tăng cho ngành gỗ Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu”, ông Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Gỗ công nghiệp Quảng Nam kiến nghị.
Có cùng quan điểm, PGS.TS Trần Thị Thu Hà, ĐH Nông lâm Thái Nguyên cũng cũng nhấn mạnh, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư có trọng điểm, theo vùng đối với các chương trình giống cây lâm nghiệp, hỗ trợ giống và tiến bộ kỹ thuật.
“Tăng cường xã hội hoá về nghiên cứu và sản xuất giống, tăng cường kiểm soát giống cây lâm nghiệp cũng như thúc đẩy liên kết giữa các bên… để tạo ra nguồn giống tốt, quyết định đến năng suất, chất lượng rừng trồng là yêu cầu tiên quyết”, bà Hà nhấn mạnh.