Dự án nạo vét tận thu bùn, đất bồi lắng đập Chọ Ràn thuộc địa phận xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đang tiềm ẩn nhiều bất cập về môi trường, an toàn giao thông…
Đặc biệt, dư luận đang dấy lên nghi ngờ việc có hay không đơn vị thi công lấy “danh nghĩa” nạo vét tận thu bùn, đất để sử dụng vào mục đích khác, gây thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia?
Ai được hưởng lợi?
Ngày 31/8/2022, dựa trên kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án nạo vét tận thu bùn, đất bồi lắng đập Chọ Ràn và Công văn số 149/UBND ngày 08/8/2022 của UBND xã Đại Sơn cùng với đề nghị của Giám đốc Sở TN&MT tại Công văn số 5239/STNMT-BVMT ngày 29/8/2022, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2610/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án này.
Cùng với quyết định số 2610, UBND tỉnh Nghệ An giao UBND xã Đại Sơn làm chủ dự án để thực hiện chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát,… đối với quá trình nạo vét tận thu bùn, đất đập Chọ Ràn trong thời hạn 5 năm.
>>Nghệ An sẽ xử lý nghiêm người đứng đầu buông lỏng quản lý khoáng sản
Qua tìm hiểu được biết, đập Chọ Ràn tại xóm 6, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, có quy mô diện tích lưu vực 31,2 ha với dung tích chứa nước trước khi cải tạo là 200.000 m3, chiều cao đập 3,5 m, chiều dài đập 321,6 m. Đây là hồ chứa nước thuỷ lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân xã Đại Sơn trong suốt nhiều năm nay. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước phục vụ tưới tiêu vào mùa nắng nóng vẫn thường xuyên xảy ra, khiến cho người dân chưa thể ổn định phát triển sản xuất.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án nạo vét tận thu bùn, đất đập Chọ Ràn nhằm nâng cao sức chứa nước, phục vụ hiệu quả việc tưới tiêu của người dân xã Đại Sơn. Và Công ty TNHH Trường An (có địa chỉ tại Khối 4, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương) là đơn vị được phép tận thu bùn, đất từ dự án trên.
Theo kế hoạch đặt ra, dự án tiến hành nạo vét tận thu bùn, đất với tổng khối lượng là 268.012 m3. Dự kiến sau khi nạo vét xong sẽ có dung tích chứa từ 500.000 – 600.000 m3. Vùng nạo vét cách mép bờ của lòng đập là 18 m, cách các hạng mục đầu mối 50 m, nạo vét đến cao trình 8,49 m, độ sâu nạo vét 1 – 1,5 m.
>>Cân nhắc việc xử phạt doanh nghiệp khoáng sản khi khai thác vượt công suất
Tuy nhiên, theo người dân địa phương phản ánh, kể từ khi triển khai đến nay, đơn vị thi công hầu như chỉ tập trung vào việc khai thác đất, đá rồi sau đó mang đi bán. Còn các hạng mục khác hầu như chưa triển khai, có chăng thì chỉ mới đắp đê cho có lệ để che mắt cơ quan chức năng?!
Bộc lộ nhiều bất cập
Trong 2 ngày (15 và 16/6/2023), chúng tôi có mặt tại xóm 6, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương để mục sở thị hiện trường dự án nạo vét tận thu bùn, đất đập Chọ Ràn. Qua đó, ghi nhận một số bất cập, đơn cử như: Có dấu hiệu vi phạm về môi trường, nguy cơ mất an toàn giao thông, chưa thực hiện cắm đầy đủ mốc giới, biển báo thông tin,…
>>Nghệ An: Huyện Quỳ Hợp báo cáo gì về vụ khai thác khoáng sản trái phép?
Tại đây, không khó để có thể nhận thấy, đơn vị thi công không lắp đặt các loại biển báo như: Công trình đang thi công tại vị trí ra đường liên xã, nguy hiểm ở khu vực nạo vét, cấm chăn thả trâu bò tại khu vực nạo vét,… Bên cạnh đó, nhiều nơi trong khu vực thi công bị máy múc đào bới, xúc đất tạo thành những hố sâu, lồi lõm, nham nhở, mất mỹ quan và tiềm ẩn nguy cơ về an toàn lao động.
Một cán bộ kỹ thuật của đơn vị thi công cho biết: “Dự án mới triển khai được gần 3 tháng, từ đó đến nay, chúng tôi cũng chưa làm gì cả, mới chỉ chủ yếu là đào bới, khai thác đá ong cung cấp cho các đơn vị khác để làm chất phụ gia xi măng nên mới phát sinh những hố sâu lổm nhổm. Còn về biển báo thông tin, chúng tôi đã thực hiện việc cắm đầy đủ biển báo, tuy nhiên đã bị người dân phá hết”.
Theo quan sát, đơn vị thi công chủ yếu sử dụng các xe tải trọng lớn để vận chuyển khoáng sản từ vị trí được phép nạo vét ra Tỉnh lộ 538B (đường N5), đất rơi vãi làm bẩn một đoạn đường giao thông; bụi bặm, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân tham gia giao thông và các hộ dân sinh sống hai bên tuyến đường,…
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Cảnh Lâm, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, huyện Đô Lương cho biết: “Trong quá trình thi công, những vấn đề nêu trên là không tránh khỏi, chính quyền xã thường xuyên cắt cử cán bộ xuống kiểm tra thực tế, đồng thời cũng đã yêu cầu phía đơn vị thi công khắc phục và thực hiện nghiêm các quy định trong phương án đã được phê duyệt”.
Một nội dung khác cũng cần được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ là quá trình nạo vét tận thu khoáng sản tại đập Chọ Ràn, không có bất cứ các thiết bị quy định bắt buộc phải lắp đặt như đối với các mỏ khai thác khoáng sản: Trạm cân, camera theo dõi… để giám sát sản lượng khai thác và thu thuế tài nguyên về cho ngân sách Nhà nước mà chỉ thông qua hợp đồng mua bán do phía đơn vị thi công cung cấp thì liệu rằng có thật sự là minh bạch?!
Dẫu biết rằng, các địa điểm thực hiện nạo vét tận thu khoáng sản như thế này không được coi là mỏ khoáng sản nên không cần phải thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát như lắp đặt trạm cân, lắp đặt camera… theo như quy định đối với mỏ khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng liên quan, nhất là chính quyền xã Đại Sơn, huyện Đô Lương cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ vấn đề này, tránh tình trạng lợi dụng danh nghĩa “tận thu” để trục lợi!.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An có gì để phát triển du lịch xanh?
01:30, 21/06/2023
Nghệ An: Hạ tầng môi trường đang “chạy theo” tốc độ đô thị hoá
01:48, 19/06/2023
Nghệ An “cấp tốc” kiểm tra việc chấp hành trật tư giao thông đường thuỷ nội địa
03:00, 15/06/2023
Nghệ An đưa giải pháp nào để tạo “đòn bẩy” cho kinh tế tập thể phát triển?
01:33, 15/06/2023