Từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã liên tục phát hiện, bắt giữ các vụ việc liên quan đến khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép xảy ra trên địa bàn.
>>Nghị định 23/2020: “Cơ chế thép” dẹp loạn khai thác cát, sỏi trái phép
Đáng quan tâm, qua những vụ việc mà phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) trực tiếp phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ cho thấy đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này diễn ra ngày càng tinh vi với nhiều thủ đoạn khác nhau.
Dùng hoá đơn giả để vận chuyển cát
Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã nhận được nhiều nguồn tin về dấu hiệu vận chuyển, mua bán, tàng trữ cát không rõ nguồn gốc để thu lợi bất chính xảy ra trên địa bàn. Thực trạng này không chỉ gây thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia mà còn gây bức xúc trong dư luận, nhất là người dân địa phương sinh sống gần các điểm mỏ có trữ lượng cát lớn.
Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) đã phát hiện 02 vụ làm giả giấy tờ hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) và mua bán, vận chuyển, tàng trữ cát không rõ nguồn gốc nhằm trốn thuế, thu lợi bất chính. Lực lượng chức năng cũng phát hiện và bắt giữ, thu giữ hàng nghìn m3 cát và nhiều giấy tờ, tài liệu liên quan khác.
Theo đó, qua công tác nắm tình hình, tại khu vực sông Lam thuộc khối 13, phường Bến Thủy, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Đồn Biên phòng cửa khẩu Bến Thủy - Cửa Lò kiểm tra thuyền có số hiệu NĐ-2428 đang vận chuyển 728 m3 cát có dấu hiệu nghi vấn sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng giả để hợp thức hóa nguồn gốc số cát trên.
Qua công tác đấu tranh, điều tra ban đầu cho thấy, số cát nói trên được vận chuyển thuê cho Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Thành Đạt, địa chỉ trụ sở tại Cảng Bến Thủy, TP Vinh do Lê Viết Thanh (sinh năm 1974), trú tại phường Trường Thi, TP Vinh làm giám đốc.
Để hợp thức hóa số cát mua không rõ nguồn gốc và tránh sự phát hiện, kiểm tra của lực lượng chức năng, Lê Viết Thanh đã thuê Nguyễn Quốc Khánh (SN 1988), trú tại phường Cửa Nam, TP Vinh làm giả hóa đơn GTGT của một số công ty khác với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Qua xác minh, từ đầu năm 2022 đến nay, Lê Viết Thanh đã thuê Nguyễn Quốc Khánh làm hóa đơn GTGT giả trên 15 lần. Và để có những bộ hoá đơn giả “hợp pháp” cho Lê Viết Thanh hợp thức hoá hồ sơ, chứng từ, vị giám đốc này trả công cho Nguyễn Quốc Khánh mỗi tháng số tiền từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng.
Cũng vào thời điểm vừa qua, tại khu vực Cảng Bến Thủy, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thuyền HP-4480, đang bốc xúc cát lên thuyền với số lượng 1.164m3. Qua công tác xác minh, xác định Công ty CP xây dựng và dịch vụ Nam Anh, có địa chỉ tại phường Hưng Phúc, TP Vinh, có thu mua 529m3 cát không rõ nguồn gốc.
Còn với tổng số hơn 15 lần làm hoá đơn được làm giả trong thời gian qua, Lê Viết Thanh đã sử dụng cho doanh nghiệp tiến hành trót lọt để vận chuyển bao nhiêu khối cát cho những đơn vị nào thì lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, mở rộng.
“Cát tặc” vẫn còn “nóng” trên dòng sông Lam
Theo Bách khoa toàn thư, Sông Lam (tên gọi khác: Ngàn Cả, Sông Cả, Nậm Khan, Thanh Long Giang) là một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào chảy qua địa phận Việt Nam với tổng chiều dài khoảng 361km.
>>Khai thác cát, sỏi “nuốt” gọn các bờ sông Nghệ An
Đây là con sông lớn, có giá trị về thuỷ điện, thuỷ lợi và khoáng sản không nhỏ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các huyện khu vực miền núi, trung du và đồng bằng tỉnh Nghệ An. Trong đó, do trải dài theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, độ dốc tương đối lớn nên sông Lam ngoài mang lượng phù sa trù phú cho khu vực trung du, đồng bằng thì trữ lượng cát sỏi làm vật liệu xây dựng cũng được địa phương tận dụng, khai thác trong những thập niên qua.
Đáng quan tâm, nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã lợi dụng việc cơ quan chức năng cấp phép cho một số doanh nghiệp được phép khai thác để trà trộn khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép cát, sỏi nhằm trục lợi bất chính. Chính vì vậy, tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép vẫn chưa hết “nóng” trên dòng sông Lam trong suốt thời gian qua.
Ngoài vụ việc vừa bị phát hiện nói trên, vào thời điểm trung tuần tháng 5/2022, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Lam.
Trước đó, qua điều tra, lực lượng Công an phát hiện vụ khai thác cát lậu lớn trên sông Lam với hơn 1.700 m3 cát xảy ra tại xã Thanh Đồng và thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương.
Tiến hành điều tra, Công an phát hiện trên bãi tập kết cát của ông Nguyễn Doãn Đức ở thị trấn Thanh Chương đang tàng trữ khoảng 400 m3 cát nhưng không xuất trình được giấy tờ, thủ tục chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số cát trên. Cơ quan chức xác định, từ đầu năm 2022 đến nay, những người nói trên đã khai thác trái phép hơn 35 chuyến với tổng khối lượng hơn 1.700 m3 đổ tại bến tập kết cát của ông Nguyễn Doãn Đức.
Vào đêm 22/3/2022, Đội Cảnh sát Đường thủy, Phòng CSGT Nghệ An phát hiện trên sông Lam đoạn qua xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên có tàu vỏ sát mang số hiệu NA-2475 do anh Nguyễn Văn Tú (SN 1993, trú tại xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên) điều khiển có hành vi khai thác cát trái phép nên đã tổ chức kiểm tra, bắt giữ.
>>Báo động tình trạng khai thác khoáng sản, cát, sỏi trái phép
Cũng trong đêm 22/3, tại địa điểm trên, Đội Cảnh sát Đường thủy tiếp tục phát hiện và bắt giữ tàu vỏ sắt mang số hiệu NA-2628 do anh Nguyễn Đình Duy (SN 1989, trú tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên) điều khiển đang có hành vi khai thác cát trái phép. Tại hiện trường, Cảnh sát thu giữ 37m3 cát hút lậu; 2 tàu vỏ sắt cùng nhiều tang vật, phương tiện…
Đó mới chỉ là 3 trong số nhiều vụ việc liên quan đến khai thác, vận chuyển, mua bán trái phép cát, sỏi bị phát hiện, bắt giữ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Cũng trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ rất nhiều vụ việc liên quan đến khai thác, vận chuyển, mua bán cát, sỏi trái phép nhưng tình trạng này vẫn chưa thể xử lý triệt để. Các đối tượng ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Khoảng tối phía sau “thủ phủ” khoáng sản
03:40, 16/06/2022
Nghệ An: Chủ tịch xã bị cách chức vì liên quan sai phạm hỗ trợ người làm muối
00:06, 12/06/2022
Nghệ An: Có hay không sử dụng chữ ký người bị tâm thần vào hồ sơ cấp đất?
00:06, 11/06/2022
Nghệ An: Để khai thác đá trắng trái phép, nhiều cán bộ bị “dính” kỷ luật
00:06, 05/06/2022