Nhà sập, nguồn nước ngầm cạn kiệt, đồi núi bị đào bới, đục khoét…vô tội vạ là những gì đang xảy ra ở nhiều bản làng vùng cao nằm ở khu vực “thủ phủ” khoáng sản huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.
>>Nghệ An: Để khai thác đá trắng trái phép, nhiều cán bộ bị “dính” kỷ luật
Bởi khi tài nguyên được lấy đi nhưng đầy rẫy các hiểm nguy đối với cuộc sống người dân thì chưa biết lúc nào có thể bù đắp lại được và câu chuyện về giá trị thặng dư kinh tế với môi trường chưa thể cân bằng cho phù hợp.
Tan hoang Châu Hồng
Suốt từ năm 2020 đến nay, người dân xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An phải sống nơm nớp lo sợ vì hiện tượng sụt lún địa chất, xuất hiện các hố “tử thần” một cách bất thường trên địa bàn có thể cướp đi người, tài sản bất kỳ lúc nào.
Dư chấn của những hố sâu vô định hình thành dọc các bản làng vùng cao tại xã Châu Hồng kéo dài dai dẳng, thành nỗi ám ảnh đối với hàng trăm hộ dân ở địa phương này.
Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp cho biết, đến thời điểm cuối tháng 5/2022, trên địa bàn có gần 300 giếng nước bị cạn trơ đáy, hơn 190 nhà dân nứt nẻ, xuất hiện hàng chục hố “tử thần”, tại trường trung học sơ sở Châu Hồng cũng đang xuất hiện vết nứt. Hiểm nguy rình rập, có thể “nuốt chửng” nhà dân và tính mạng người dân vào lòng đất bất kỳ lúc nào.
Trên cánh đồng bản Na Noong và bản Công của xã Châu Hồng bỗng dưng xuất hiện thêm 1 hố tử thần sâu khoảng 20m, rộng 2m sau khi người dân làm đồng nghe tiếng nổ lớn. Tại xã này 2 năm nay đã xảy ra hiện tượng sụt lún, cạn nước nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, khiến người dân hết sức lo lắng.
Người dân ở đây cho biết, đến nay đã có 14 hố tử thần xuất hiện tại ruộng, vườn, có những hố còn xuất hiện ngay trong sân nhà dân. Hiện tượng xuất hiện những hố tử thần hiện nay ở Châu Hồng có dấu hiệu chưa dừng lại.
Được biết, khoảng từ năm 2000 đến nay, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản được cấp phép thực hiện khai thác khoáng sản rầm rộ trên địa bàn Châu Hồng. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn xã hiện nay có 12 doanh nghiệp khai thác, trong đó có 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá.
Cũng theo báo cáo của xã Châu Hồng, từ cuối năm 2019 đến nay, có 279 giếng nước sinh hoạt bị khô cạn nước; có 13 hố sụt lún ở ruộng lúa nước, ven khe suối; có 114 nhà rạn nứt tường, nứt nền, lún móng, đất vườn. Ước tính thiệt hại lên đến 57 tỉ đồng.
>>Chủ tịch tỉnh Nghệ An “thị sát” hiện trường sụt lún bất thường tại Quỳ Hợp
Nhiều doanh nghiệp có thu nhập “khủng” từ nguồn lợi khai thác khoáng sản trong những năm qua. Và không ít người dân mất đất sản xuất, môi trường sống bị đe doạ, cùng với những hiện tượng bất thường xảy ra vừa qua trên địa bàn xã Châu Hồng...
Bức tranh “màu tối” vể môi trường
Sau khi dư luận phản ánh, kiến nghị lên các cấp về tình trạng sụt lún địa chất bất thường xảy ra tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, vào sáng 29/5, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đoàn công tác đã trực tiếp lên địa phương này để thị sát, kiểm tra. Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang khai thác quặng thiếc tại xã Châu Hồng cũng là đơn vị được đoàn công tác của UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra.
Ông Vi Văn Hạnh trú tại bản Na Hiêng, xã Châu Hồng kiến nghị với đoàn công tác của UBND tỉnh Nghệ An bằng hàng loạt nghi vấn như: Hơn 1.000 ngày người dân bản Na Hiêng không có nước sinh hoạt cùng với đó là tình trạng sụt lún, nứt nẻ nhà dân, các công trình trường học, trụ sở... thì ai là người chịu trách nhiệm?
“Vừa rồi tình trạng sụt lún mỗi ngày càng nghiêm trọng, đã được lãnh đạo xã chỉ đạo khoanh lại không cho người dân đến gần sợ nguy hiểm. Trong khi chờ cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra nguyên nhân thì đã có hiện tượng san lấp các hố, vậy ai là người chỉ đạo vấn đề này?” – ông Vi Văn Hạnh đặt câu hỏi.
Sau khi “mục sở thị”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định: Việc chăm lo, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân là trách nhiệm chính của chính quyền; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan cần phải nhìn nhận đúng trách nhiệm của mình, cùng phối hợp để sớm giải quyết, xử lý tình trạng sụt lún đất sản xuất, công trình, nhà ở, khô cạn giếng nước sinh hoạt trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp.
Ngay sau đó, việc yêu cầu Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang tạm dừng khai thác nước ngầm cũng được chỉ đạo “nóng” để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ.
Mới đây, ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, kể từ khi Cty CP Tân Hoàng Khang ngừng việc bơm hút nước ngầm ở mỏ quặng Thung Lùn, từ cuối tháng 5 đến nay, không còn có thêm nhà nào bị nứt nẻ, sụt lún. 299 giếng của người dân trước đó cạn trơ đáy, nay cũng đã có nước trở lại.
Đến nay, dù cơ quan chức năng chưa công bố công khai “thủ phạm” gây ra hiện tượng sụt lún bất thường trên địa bàn xã Châu Hồng trong suốt hơn 2 năm qua nhưng những gì đã xảy ra ở đây có thể thấy rõ bức tranh đầy “màu tối” về kinh tế - môi trường ở vùng “thủ phủ” khoáng sản những năm qua. Đặc biệt, công tác tham mưu, thẩm định các dự án khai thác khoáng sản có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống, tính mạng và tài sản của người dân như vụ việc xảy ra trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp cần phải được làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tập thể.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An: Để khai thác đá trắng trái phép, nhiều cán bộ bị “dính” kỷ luật
00:06, 05/06/2022
Chủ tịch tỉnh Nghệ An “thị sát” hiện trường sụt lún bất thường tại Quỳ Hợp
00:50, 31/05/2022
Nghệ An: Ai "bảo kê" cho khai thác khoáng sản trái phép?
03:40, 21/03/2022
"Mục sở thị" 3 mỏ đá hành dân ở xã Trù Sơn, Đô Lương, Nghệ An
03:40, 22/12/2021