Nghệ An “phác họa” bức tranh kinh tế 2024 – Bài 2: Vươn mình vượt “sóng dữ”

HỒNG QUANG 10/01/2024 14:04

Tổng kết năm cũ và dự báo kém lạc quan về tình hình kinh tế năm 2024 cho thấy, Nghệ An cần phải hoạch định chiến lược phát triển thực sự kỹ càng, đi đúng hướng mới có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

“Phác họa” bức tranh kinh tế năm 2024, các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đề ra 28 chỉ tiêu cụ thể để cùng nhau phấn đấu, nỗ lực hoàn thành. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) đạt 9 - 10%; thu ngân sách Nhà nước gần 16.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục vượt ngưỡng 3 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người từ 62 – 63 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 33%...

Khó khăn nhiều, thách thức lớn…

Theo báo cáo tài chính - ngân sách của tỉnh Nghệ An trong năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 21.275 tỷ đồng, đạt 134,2% dự toán HĐND tỉnh giao; trong đó, thu nội địa là 19.980 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu là 1,277 tỷ đồng, thu từ viện trợ là 16,9 tỷ đồng.

Riêng tổng thu ngân sách khối huyện là 11.654 tỷ đồng, đạt 194% so với dự toán HĐND tỉnh giao; có 18/21 huyện, thành, thị vượt 100% dự toán HĐND tỉnh giao.

Những số liệu nêu trên đã phản ánh sự nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh trong việc phấn đấu đạt kết quả cao nhất để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023 đã đề ra; nhất là trong bối cảnh mà giới chuyên gia kinh tế nhận định rằng khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thách thức lớn hơn thời cơ.

>>Nghệ An “phác họa” bức tranh kinh tế năm 2024 ra sao?

Tuy nhiên, đó là nhìn ở khía cạnh so với mục tiêu mà HĐND tỉnh Nghệ An đề ra từ đầu năm, còn nếu so sánh với năm trước nữa thì công tác thu ngân sách Nhà nước ở địa phương bị thiếu hụt đáng kể khi chỉ đạt hơn 80% so với năm 2022.

Lý giải về điều này, trong một báo cáo gần đây Cục Thống kê Nghệ An cũng đã nêu rõ, nguyên do là bởi năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, giảm sản lượng tiêu thụ; bên cạnh đó, một số chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí của Chính phủ cùng việc thị trường bất động sản hạ nhiệt làm giảm số nộp ngân sách Nhà nước.

Năm 2024 được dự báo sẽ là 1 năm tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023 rất nhiều khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường

Năm 2024 được dự báo sẽ là 1 năm tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023 rất nhiều khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường

Không những vậy, các số liệu thống kê về tình hình doanh nghiệp Nghệ An trong năm 2023 cũng phản chiếu rõ bức tranh kinh tế nhuốm màu u ám, buồn nhiều hơn vui của địa phương này khi số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký bị sụt giảm đáng kể; trong khi đó, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lại tăng mạnh so với năm 2022.

Cụ thể, trong năm 2023, Nghệ An có 2.019 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký thành lập là 18.566,9 tỷ đồng; giảm 2,32% về số doanh nghiệp, đồng thời giảm 20,08% về số vốn đăng ký. Bên cạnh đó, có 1.468 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 13,27% so với cùng kỳ năm ngoái; 251 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 41,81%; 402 doanh nghiệp thông báo giải thể, gấp 2,7 lần so với năm 2022.

>>Nghệ An tạo “khẩu vị” mới cho du lịch vùng cao

Đánh giá về năm 2023, nhiều ý kiến cho rằng đây là 1 năm cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp, thậm chí còn hơn cả giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành. Bởi lẽ, thời điểm ấy, doanh nghiệp chỉ tạm thời đình trệ hoạt động chứ không đuối sức đến mức phải rời bỏ thị trường như năm 2023 này.

Chia sẻ thêm về điều này, đại diện một doanh nghiệp hoạt động đa lĩnh vực ở tỉnh Nghệ An cho biết: “Trong năm vừa qua, nguồn lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn triệt để khi liên tiếp phải hứng chịu cơn “địa chấn” mang tên Covid-19, rồi sau đó là những biến động kinh tế toàn cầu khiến suy thoái, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm sâu khiến cho đơn hàng ngày càng khan hiếm. Do vậy, năm nay ghi nhận nhiều doanh nghiệp kiệt sức, dừng cuộc chơi là một điều khó có thể tránh khỏi…”.

Hoạch định “chiến lược” phát triển

Năm 2024 được UBND tỉnh Nghệ An xác định là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Đây cũng là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trong đó có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Tuy nhiên, theo dự báo, năm 2024 sẽ là 1 năm tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023 rất nhiều khi tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Điều này sẽ tác động sâu sắc đến nền kinh tế cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng; nhất là ở những ngành nghề, lĩnh vực như xuất, nhập khẩu hàng hóa và thu hút khách du lịch quốc tế.

>>Đuối sức, hàng loạt doanh nghiệp ở Nghệ An rời bỏ “cuộc chơi”

Bởi vậy, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An đã đề ra những giải pháp cụ thể, bao gồm: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hành động, các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Bên cạnh đó, cần phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực; Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường quản lý hiệu quả thu, chi ngân sách.

Các mặt hàng như may mặc, dày da...xuất khẩu của Nghệ An được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo sẽ dần hồi phục và có tăng trưởng trong năm 2024

Các mặt hàng như may mặc, dày da...xuất khẩu của Nghệ An được nhiều chuyên gia kinh tế dự báo sẽ dần hồi phục và có tăng trưởng trong năm 2024

Tăng cường công tác quy hoạch và phát triển đô thị, nhà ở; Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ.

Mặt khác, các cấp ngành, chính quyền địa phương cần chú tâm thực hiện công tác phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; thúc đẩy chuyển đổi số; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển vùng với các địa phương.

Đặc biệt là bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An “tuýt còi” nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác cát

    Nghệ An “tuýt còi” nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác cát

    00:30, 10/01/2024

  • Nghệ An: Dự án gần 150 tỷ đồng đầu tư nhà máy xử lý rác bị “đóng băng”?

    Nghệ An: Dự án gần 150 tỷ đồng đầu tư nhà máy xử lý rác bị “đóng băng”?

    00:06, 07/01/2024

  • Nghệ An “kê đơn, bắt bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công

    Nghệ An “kê đơn, bắt bệnh” chậm giải ngân vốn đầu tư công

    06:09, 04/01/2024

  • Nghệ An “trảm” loạt dự án “treo” dai dẳng suốt nhiều năm trời

    Nghệ An “trảm” loạt dự án “treo” dai dẳng suốt nhiều năm trời

    00:20, 03/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghệ An “phác họa” bức tranh kinh tế 2024 – Bài 2: Vươn mình vượt “sóng dữ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO