Để hỗ trợ tàu cá của ngư dân tham gia đánh bắt thuỷ hải sản vùng khơi, Nghệ An sẽ ban hành riêng Nghị quyết để trình HĐND tỉnh thông qua với nhiều mức kinh phí đối với từng phương tiện khác nhau.
Qua đó, Nghị quyết này sẽ được HĐND tỉnh Nghệ An khoá 18, kỳ họp thứ 14 thông qua vào ngày hôm nay (07/7) được xem như “trợ lực” cho ngư dân để tiếp tục tham gia đánh bắt thuỷ hải sản ngoài khơi xa, góp phần bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Tàu cá rơi vào cảnh “mắc cạn” nhiều năm
Theo thống kê, tổng số tàu thuyền trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có 3.385 tàu, công suất bình quân 207 CV/tàu. Riêng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khai thác vùng khơi là 1.134 chiếc, đảm bảo hoạt động dài ngày trên biển đang được duy trì, nhân rộng trong thời gian qua.
Với số lượng tàu thuyền nói trên, chỉ tính tiêng trong năm 2022 sản lượng khai thác đạt 20.198 tấn (khai thác biển đạt 193.885 tấn; khai thác nội đồng đạt 7.313 tấn); giá trị ước đạt 4.788 tỉ đồng. Trong những năm qua, Nghệ An cũng đã quan tâm, đầu tư nâng cấp các cơ sở hậu cần nghề cá nhằm đáp ứng với nhu cầu phát triển nghề đánh bắt thuỷ hải sản trên biển.
>>Nâng cao kiến thức pháp luật cho ngư dân khai thác hải sản theo quy định IUU
Toàn tỉnh hiện có 4 cảng cá chính gồm: Cảng cá Cửa Hội, Lạch Vạn, Lạch Quèn, Quỳnh Phương và 05 khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá. Một số cảng sau khi được đầu tư, nâng cấp như Quỳnh Phương, Cửa Hội; Đầu tư mở rộng cảng Nam Quèn, Quỳnh Thuận với 507m cầu cảng, nhà mái che bốc dỡ hàng hoá, đầu tư vào năm 2022 với nguồn kinh phí gần 200 tỉ đồng. Có thể nói, những dự án nói trên đã góp phần tạo thêm “điểm tựa” để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển dài ngày.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nghề đánh bắt thuỷ hải sản của ngư dân vùng biển Nghệ An trong những năm gần đây cũng gặp không ít khó khăn, nhiều tàu rơi vào cảnh loay hoay “mắc cạn” ngay từ trên bờ.
Tàu được hỗ trợ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP khi áp dụng vào thực tế nảy sinh nhiều bất cấp, ngư dân rơi vào cảnh nợ nần do hiệu quả đánh bắt chưa được như mong đợi đang là bài toàn chưa có lời giải bền vững cho cả bên cho vay và bên được vay vốn ưu đãi.
Đáng qua tâm, ngay từ khi thực hiện việc đánh bắt thuỷ sản theo quy định của Luật Thủy sản 2017 cũng nảy sinh nhiều vướng mắc, tạo ra các rào cản vô hình cho ngư dân khiến năng suất khai thác gặp nhiều biến động.
Cụ thể, theo quy định của Luật thuỷ sản thì tàu có chiều dài từ 15m trở lên phải hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng. Nghĩa là với chiều dài con tàu như vậy thì ngư dân không được phép tham gia đánh bắt vùng gần bờ được giới hạn bởi mức nước thủy triều thấp nhất và tuyến bờ đối với các đảo vùng biển ven bờ tối đa không quá 6 hải lý.
>>Đảm bảo an toàn cho ngư dân vươn khơi
Chưa kể, việc quy định tàu có chiều dài từ 12m đến dưới 15m phải hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ; tàu có chiều dài dưới 12m phải hoạt động tại vùng ven bờ, không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi…
Theo tính toán, hiện tổng chi phí bình quân chuyến biển tăng lên từ 40-60 triệu đồng/chuyến (đối với đội tàu trên 700CV) so với năm 2019 trở về trước; trung bình mỗi tàu cá tham gia 02 chuyến biển/ 01 tháng, như vậy bình quân một năm tham gia từ 18-20 chuyến biển và chi phí tăng thêm trung bình khoảng 950 triệu đồng/tàu/năm.
Tiếp thêm “trợ lực” cho ngư dân
Trước những khó khăn, vướng mắc đang trở thành “gánh nặng” cho ngư dân trước mỗi hành trình vươn khơi, bám biển trong thời gian qua, tới đây Nghệ An sẽ ban hành riêng Nghị quyết để hỗ trợ kinh phí với nhiều mức khác nhau nhằm thay thế Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An.
Mục tiêu của chính sách này nhằm quản lý tốt tàu cá hoạt động trên vùng biển, chống khai thác IUU, sớm gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC), thúc đẩy phát triển nghề cá theo hướng trách nhiệm, bền vững. Mặt khác, việc ban hành một số chính sách hỗ trợ cho tàu cá khai thác thủy sản vùng khơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm giúp ngư dân giảm bớt khó khăn trong điều kiện chi phí chuyến biển tăng cao hiện nay; đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, tăng cường sự hiện diện tàu cá Việt Nam trên các vùng biển khơi, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
>>Tàu xa bờ và nước mắt ngư dân
Cụ thể, đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 700CV trở lên hỗ trợ 13,5 triệu đồng; tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 700CV hỗ trợ 10,5 triệu đồng; tàu có tổng công suất máy chính từ 250CV đến dưới 400CV hỗ trợ 7,5 triệu đồng;
Tàu có tổng công suất máy chính từ 150CV đến dưới 250CV hỗ trợ 4 triệu đồng; tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 150CV hỗ trợ 3 triệu đồng; tàu có tổng công suất máy chính dưới 90CV hỗ trợ 2,5 triệu đồng. Các mức hỗ trợ nói trên sẽ được áp dụng đối với định mức 01 lần/tàu/năm.
Ngoài ra, Nghệ An cũng sẽ trích ngân sách hỗ trợ 50% kinh phí mua 01 (một) bộ thiết bị giám sát hành trình thay thế thiết bị Movimar nhưng không quá 8,7 triệu đồng. Hỗ trợ 70% cước phí thuê bao dịch vụ cho thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá nhưng không quá 250 nghìn đồng/tàu/tháng.
Theo đó, Nghị quyết này áp dụng đối với chủ sở hữu tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (bao gồm tàu đánh bắt hoặc hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản) được đăng ký tại tỉnh Nghệ An và tham gia hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi và cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đáng quan tâm, Nghị quyết sẽ thực hiện trên nguyên tắc hỗ trợ gồm chủ tàu cá tự huy động nguồn vốn để thực hiện, ngân sách nhà nước hỗ trợ sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng và đúng quy định. Những tàu cá đã được hưởng hỗ trợ chi phí nhiên liệu chuyến biển hoạt động trên các vùng biển xa từ chính sách khác của Nhà nước trong năm thực hiện Nghị quyết thì không được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.
Nghị quyết cũng quy định điều kiện tàu cá tham gia khai thác thủy sản, có báo cáo vị trí hoạt động tại vùng khơi thông qua thiết bị giám sát hành trình trên hệ thống giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT.
Đáng quan, thiết bị giám sát hành trình thay thế thiết bị Movimar phải là thiết bị mới 100%, có chức năng đáp ứng quy chuẩn và các quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chủ tàu cá phải duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình, nộp cước phí đầy đủ và có hồ sơ theo quy định.
Được biết, trước khi ban hành Nghị quyết, tỉnh Nghệ An cũng đã đưa ra khái toán các mức hỗ trợ sử dụng nguồn ngân sách tỉnh, tổng kinh phí dự kiến là: 36,04 tỷ đồng, trong đó: Năm 2023 là: 13,74 tỷ đồng; Năm 2024 là: 11,15 tỷ đồng; Năm 2025 là: 11,15 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An sẽ “ấn nút” thông qua Nghị quyết hỗ trợ tàu hàng container
16:34, 06/07/2023
Nghệ An: Người dân sống bất an trước trạm bơm tiền tỷ bỏ hoang
00:30, 05/07/2023
Nghệ An: Sân bay Vinh gặp sự cố, hàng chục chuyến bay phải tạm hoãn
17:48, 03/07/2023
Khơi thông hệ thống cảng biển Nghệ An
15:57, 01/07/2023