Nghị định 93/2021: Vẫn còn những bất cập trong hoạt động thiện nguyện

Diendandoanhnghiep.vn Dù được đánh giá có những điểm tiến bộ trong quản lý, tuy nhiên, theo các chuyên gia, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP vẫn còn những “kẽ hở”, có thể gây khó cho quá trình áp dụng vào thực tế…

>>Sửa đổi Nghị định 64/2008: Khuyến khích tinh thần thiện nguyện, giúp đỡ nhau

Dù những “lùm xùm” về thiện nguyện của nghệ sĩ Việt trong đợt cứu trợ miền trung vừa qua đã được Bộ Công an làm sáng tỏ, thế nhưng, xoay quanh câu chuyện thiếu hành lang pháp lý của Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về cho phép các pháp nhân, cá nhân đứng ra vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục thiên tai, sự cố nghiêm trọng và bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo… vẫn còn đó những quan ngại dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP thay thế và có hiệu lực thi hành từ ngày 11/12 vừa qua.

Theo các chuyên gia, bên cạnh những điểm tiến bộ, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP vẫn còn một số điểm chưa thật rõ ràng, có thể tiếp tục gây lúng túng khi thực hiện, cần được cân nhắc bổ sung hoặc có hướng dẫn phù hợp.

Bộ Công an họp báo thông tin về các vấn đề

Bộ Công an họp báo thông tin về các vấn đề "nóng" thời gian qua, trong đó có "lùm xùm" thiện nguyện của các nghệ sĩ Việt - Ảnh: Lê Tú

Như về thủ tục vận động, đây được cho là một trong những điểm sáng của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP khi quy định, các pháp nhân, cá nhân thông báo trên các phương tiện truyền thông hoặc trên trang thông tin điện tử (đối với pháp nhân) cam kết về mục đích, phạm vi, phương thức, đối tượng vận động, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận, thời gian vận động, tiếp nhận, đối tượng hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ, thời gian cam kết phân phối; sau đó gửi văn bản đến UBND cấp xã nơi đặt trụ sở chính (đối với pháp nhân) hoặc nơi cư trú (đối với cá nhân) theo mẫu của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP (khoản 5 Điều 6, khoản 1 Điều 17, Phụ lục đính kèm Nghị định số 93/2021/NĐ-CP).

Tuy nhiên, quy định này lại không quy định về việc cá nhân, pháp nhân có được phép thay đổi nội dung của cuộc vận động hay không, nếu có thì cần phải thực hiện thủ tục như thế nào.

Các chuyên gia cho rằng, đây là tình huống không hiếm gặp trên thực tế, cần có bổ sung hướng dẫn cụ thể.

>>Sao kê và tấm lòng của người làm thiện nguyện

Hay như về thời gian tiếp nhận, phân phối, khoản 2, khoản 3 Điều 8, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP quy định, đối với pháp nhân, thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp là không quá 90 ngày, kể từ ngày phát động cuộc vận động, và hạn định cho việc phân phối chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc tiếp nhận. Đồng thời, Nghị định cũng cho phép pháp nhân được kéo dài thời gian tiếp nhận và thời gian phân phối khi có cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp, tuy nhiên, đối với cá nhân tiếp nhận, phân phối thì không có quy định.

Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, nên có quy định cho phép cá nhân vận động được kéo dài thời gian tiếp nhận, thời gian phân phối các khoản đóng góp như đối với pháp nhân, bởi về cơ bản, tính chất công việc này của cá nhân và pháp nhân là tương tự nhau. Trong trường hợp cần thiết, ban vận động từ cấp tỉnh trở lên có thể quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp tại khoản 2 Điều 8, điểm a khoản 1 Điều 9.

“Đây là tình huống này thường xuất hiện khi thiên tai, sự cố, dịch bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng kéo dài, dẫn đến việc cần huy động nhiều hơn nguồn lực đóng góp từ xã hội”, Luật sư Hiệp chia sẻ.

Cần bịt những

Cần bịt những "kẽ hở" dù là nhỏ nhất để tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, về thủ tục phân phối và sử dụng nguồn đóng góp, pháp nhân, cá nhân vận động đóng góp phải thông báo cho UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ theo phân cấp, hoặc liên hệ với UBND cấp tỉnh hướng dẫn khi cần thiết, để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tại điểm a khoản 6 Điều 10 và khoản 1 Điều 18. Trong vòng ba ngày làm việc, UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ phải hướng dẫn pháp nhân, cá nhân đó thực hiện các nội dung nêu trên.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP lại không quy định tình huống nếu hết thời gian quy định mà UBND không có hướng dẫn thì liệu khi đó, các pháp nhân hay cá nhân có được quyền tự phân phối, sử dụng nguồn đóng góp hay không.

Thực tế, cứu trợ thiên tai, sự cố, dịch bệnh là việc rất cấp bách, về điểm này, cần có quy định chặt chẽ để tránh sự chậm trễ, ảnh hưởng đến việc cứu trợ, làm giảm ý nghĩa thiết thực của các hoạt động thiện nguyện vốn dĩ đầy tính nhân ái này.

Ngoài ra, về trao quyền chủ động cho người đóng góp, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP cũng quy định nhiều “công cụ” để các tổ chức, cá nhân đóng góp chủ động hơn trong việc giúp đỡ đúng người, đúng thời điểm, đúng địa điểm như họ mong muốn.

Đây cũng được cho là một trong những điểm tiến bộ của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, bởi tổ chức, cá nhân đóng góp cần nắm rõ các quyền và trách nhiệm của họ như: quyền yêu cầu UBND cấp xã cung cấp thông tin về việc vận động đóng góp theo thông báo của pháp nhân, cá nhân kêu gọi đóng góp; quyền quyết định thời gian tiếp nhận các khoản đóng góp vượt mốc 90 ngày, thời gian phân phối chậm hơn 20 ngày; quyền đưa ra điều kiện, địa chỉ cụ thể nhận các khoản vận động và quyền quyết định việc chi khoản đóng góp của mình;… Từ các quyền và trách nhiệm này của người đóng góp, các pháp nhân, cá nhân vận động đóng góp phải thực hiện theo các cam kết (nếu có) đối với bên đóng góp.

Tuy nhiên, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP lại không quy định về hình thức, nội dung đối với các cam kết này.

Các chuyên gia cho rằng, xét về bản chất, các cam kết này là giao dịch dân sự giữa pháp nhân, cá nhân đứng ra vận động quyên góp và tổ chức, cá nhân đóng góp, và vì thế sẽ được điều chỉnh theo pháp luật dân sự.

“Như vậy, nhằm đảm bảo hiệu lực pháp lý của các cam kết này, cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh hay xử lý vi phạm, cách tốt nhất, những cam kết này phải được lập bằng văn bản hoặc thông qua phương tiện điện tử theo đúng quy định pháp luật”, các chuyên gia khuyến cáo.

Việc thiếu hành lang pháp lý trong quản lý không chỉ gây ra những “lùm xùm” đã có, mà còn khiến tâm lý e ngại trong làm việc thiện nguyện mà thực tế thời gian qua đã chứng minh, dù một số cơn bão gần đây đã gây ảnh hưởng tới nhiều địa phương trên cả nước, thế nhưng, đã “vắng bóng” những cuộc kêu gọi vận động rầm rộ như trước kia... Để chính sách sớm đi vào cuộc sống và việc thiện nguyện trở về đúng quỹ đạo, thiết nghĩ, cần thiết phải bịt những “kẽ hở” dù là nhỏ nhất.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nghị định 93/2021: Vẫn còn những bất cập trong hoạt động thiện nguyện tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713945679 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713945679 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10