Nghị quyết 105: Lời giải cho bài toán đưa chuyên gia trở lại

Diendandoanhnghiep.vn Nới lỏng các quy định trong lĩnh vực quản lý lao động nước ngoài theo Nghị quyết 105 được xem như một thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam nhằm chuẩn bị đưa nền kinh tế sớm trở lại bình thường.

Với sự đòi hỏi cao về trình độ, chuyên môn và kỹ năng, đặc biệt là sự khác biệt về văn hóa ngôn ngữ nên nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có xu hướng đưa người lao động của chính quốc gia họ vào Việt Nam để làm việc, đặc biệt là các chức danh quản lý.

Nghị quyết 105/NQ-CP được cho là lời giải cho bài toán lao động nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh minh họa

Nghị quyết 105/NQ-CP được cho là lời giải cho bài toán lao động nước ngoài tại Việt Nam - Ảnh minh họa

Nỗi lo thiếu hụt chuyên gia

Thực tế, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến đầu tháng 4/2021, có 101.550 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó lao động giữ vị trí quản lý chiếm gần 12%, giám đốc điều hành hơn 8% và đông nhất là chuyên gia với 58%... Đáng nói, hầu hết lao động mà các doanh nghiệp đang thiếu hụt là vị trí nhà quản lý, chuyên gia dự án ở các công trình trọng điểm.

Tại hội nghị đối thoại với hơn 200 doanh nghiệp tháng 4 vừa qua do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức, về giải quyết vướng mắc liên quan đến cấp phép, sử dụng lao động nước ngoài, thủ tục xuất nhập cảnh cho chuyên gia người nước ngoài trong tình hình dịch bệnh COVID-19, một số doanh nghiệp cho biết, khá hoang mang không biết phải thực hiện cho người lao động của doanh nghiệp ra sao, cũng không thể cho người lao động trở về nước, bởi trên thực tế có nhiều chuyên gia đã làm việc nhiều năm tại Việt Nam nhưng chưa từng làm việc tại nước ngoài.

Đặc biệt, một vấn đề cũng khiến rất nhiều doanh nghiệp quan ngại đó là việc yêu cầu về kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài đối với lao động nước ngoài theo Nghị định 152/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2021 của Chính phủ.

Cùng với đó, ngày 29/4/2021, Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những khó khăn vướng mắc liên quan đến việc áp dụng Nghị định số 152/2020/NĐ-CP (Nghị định 152).

Cụ thể, Cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho biết, việc triển khai Nghị định 152 về quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đang gây ra gánh nặng đáng kể đối với khu vực tư nhân và trái với mục tiêu của Chính phủ về nâng cao chất lượng lực lượng lao động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Trong đó, yêu cầu về trình độ, năng lực chuyên môn của người lao động nước ngoài; Tài liệu chứng minh người lao động nước ngoài là chuyên gia; Thời gian làm việc của người lao động nước ngoài tại Việt Nam;… là những vấn đề được tổ chức này đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, cân nhắc.

Nới lỏng điều kiện cấp phép

Trước những khó khăn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với đó là mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam trở lại trạng thái “bình thường mới”, ngày 09/09/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP (Nghị quyết 105) hướng dẫn các cơ quan ban ngành thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong đó, việc linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được cho là giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn tồn tại trước đó.

Nghị quyết 105 được đánh giá linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam so với Nghị định số 152 - Ảnh minh họa

Nghị quyết 105 thực hiện linh hoạt, nới lỏng một số quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam - Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Deloitte Việt Nam, Nghị quyết 105 và các biện pháp đề ra được xem như một thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam nhằm chuẩn bị đưa nền kinh tế sớm trở lại bình thường, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý lao động nước ngoài đang là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các doanh nghiệp tại thời điểm này.

Deloitte Việt Nam cho rằng, so với Nghị định 152 về yêu cầu kinh nghiệm đối với chuyên gia/lao động kỹ thuật quy định: “Người nước ngoài phải có ít nhất 3 năm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo” thì tại Nghị quyết 105 chỉ yêu cầu “Người nước ngoài phải có ít nhất 3 năm làm việc trong lĩnh vực phù hợp với vị trí công việc tại Việt Nam (Bỏ yêu cầu về kinh nghiệm làm việc phải liên quan tới chuyên ngành được đào tạo).

Về Hồ sơ chứng minh là chuyên gia/ lao động kỹ thuật, Nghị định 152 quy định phải có Bằng cấp, chứng chỉ; Văn bản xác nhận của công ty nước ngoài về số năm kinh nghiệm, tuy nhiên, tại Nghị quyết 105 được cho đã có sự linh hoạt hơn về việc cung cấp hồ sơ, trong đó thay thế cho các hồ sơ đã nêu là Giấy chứng nhận (Nghị quyết 105 không nêu rõ tên/loại giấy chứng nhận, tuy nhiên theo kinh nghiệm của chúng tôi, có thể hiểu rằng các loại chứng nhận như chứng nhận tốt nghiệp, chứng nhận kỹ thuật... về cơ bản có thể được chấp nhận); Giấy phép lao động đã được cấp để chứng minh kinh nghiệm.

Về người nước ngoài được cử, điều động hoặc biệt phái đến làm việc tại tỉnh, thành phố khác, trong khi Nghị định 152 không đề cập rõ ràng về trường hợp này nhưng trên thực tế, Sở Lao động của một số tỉnh/thành phố yêu cầu việc xin cấp mới GPLĐ tại tỉnh/ thành phố nơi người nước ngoài chuyển đến làm việc để phản ánh sự thay đổi địa điểm làm việc, thì Nghị quyết 105 lại quy định rõ trường hợp này không phải làm lại giấy phép lao động (GPLĐ), với điều kiện: GPLĐ hiện tại đang còn hiệu lực và thời gian điều động không quá 6 tháng; Người sử dụng lao động phải báo cáo với cơ quan quản lý lao động nơi người lao động nước ngoài đến làm việc.

Bên cạnh đó, về Hộ chiếu, trong khi Nghị định 152 yêu cầu phải nộp bản sao có công chứng hộ chiếu, thì Nghị quyết 105 chỉ yêu cầu nộp bản sao Hộ chiếu, không yêu cầu công chứng.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo Deloitte Việt Nam, việc nới lỏng các quy định, điều kiện đã nêu sẽ được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận một cách tích cực và sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua gây nên sự chậm trễ trong việc xin cấp thị thực và Giấy phép lao động cũng như ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Thông tin báo chí về việc tạo điều kiện cho việc cấp phép với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết: “Với nhóm lao động này, thủ tục hành chính liên quan việc cấp phép, gia hạn giấy phép lao động cũng được “mở”. Chúng ta liên tục có những sửa đổi làm sao đáp ứng những yêu cầu mới”.

Ông Trung cho rằng, việc cần làm trước mắt là đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cấp giấy phép, các doanh nghiệp có chuyên gia lao động nước ngoài về làm việc sẽ làm thủ tục trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nghiên cứu kĩ các quy định người nước ngoài làm việc tại Việt Nam để chuẩn bị đầy đủ nhất.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Nghị quyết 105: Lời giải cho bài toán đưa chuyên gia trở lại tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711667581 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711667581 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10