Nghị quyết số 33/NQ-CP được ban hành ngày 11/3/2023, đề cập về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
>>> Chính phủ tiếp tục chỉ đạo "nóng" thị trường bất động sản
Nghị quyết đã nêu rõ, thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và tác động đến nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong năm 2022 và đặc biệt là nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của tình hình kinh tế. Nhằm tháo gỡ những khó khăn đó, Chính phủ đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ để thúc đẩy thị trường bất động sản.
Mục tiêu đầu tiên được đặt ra là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc tháo gỡ vướng mắc về quy định pháp luật, trình tự thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá…
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường. Bên cạnh đó, thực hiện tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần gia tăng thanh khoản cho thị trường.
Mục tiêu thứ hai nêu rõ về việc điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn nhằm tăng nguồn cung và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển. Hơn nữa sẽ chú trọng đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, phù hợp với thu nhập của người dân, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp là hạng mục đầu tư trong nguồn vốn trung - dài hạn của các địa phương. Theo Nghị quyết 33, Chính phủ đề xuất triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng. Gói tín dụng hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.
Mục tiêu tiếp theo, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đồng thời có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ… Nguồn vốn tín dụng sẽ tập trung các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có năng lực tài chính, khả năng trả nợ đầy đủ và ngắn hạn.
>>> Phân nhóm dự án để gỡ thủ tục pháp lý
Trong đó ưu tiên các dự án bất động sản nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của người dân, thanh khoản tốt như nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, văn phòng cho thuê, bất động sản phục vụ sản xuất, du lịch.. Ngoài ra có biện pháp hiệu quả như giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản.
Về nguồn vốn trái phiếu, Chính phủ nhấn mạnh sẽ giám sát hiệu quả hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán theo đúng quy định pháp luật, tránh hiện tường thao túng, thổi giá.
Đẩy mạnh kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản gắn với chính sách nhà ở cho các chính sách, người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân. Tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích thị trường đặc biệt là nhu cầu về các loại hình bất động sản công nghiệp, bất động sản dịch vụ, du lịch để đảm bảo nguồn cung cho thị trường,...; tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn đối với phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp để thúc đấy thị trường tự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA đánh giá Nghị quyết số 33 của Chính phủ đã đánh giá chính xác tình hình thị trường bất động sản hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu, chỉ rõ các nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan.
Đặc biệt, Chính phủ đã đưa ra các quan điểm và mục tiêu để xây dựng, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, gắn bó hữu cơ với sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp rất đúng, rất trúng và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, chính quyền cấp tỉnh và chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản theo quan điểm "Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững".
Có thể bạn quan tâm
Xoay vốn cho doanh nghiệp bất động sản
14:21, 13/03/2023
Bất động sản Trung Quốc: Cú vấp "ba lằn ranh đỏ" và bài học cho Việt Nam
03:00, 13/03/2023
Tin vui cho thị trường bất động sản
11:39, 12/03/2023
5 vấn đề trọng tâm của thị trường bất động sản
12:00, 11/03/2023
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Lời giải trái phiếu bất động sản
04:37, 11/03/2023