Lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm do tác động của kinh tế thế giới bất ổn, các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động.
>>>Đề xuất Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 68/NQ-CP hỗ trợ lao động mất việc
Theo báo cáo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, dù có dấu hiệu tích cực nhưng thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi chậm trong quý IV/2022. Đây là dấu hiệu trái quy luật thông thường. Bởi, thường thì thị trường lao động những tháng cuối năm 2022 sẽ sôi động hơn do các doanh nghiệp tăng cường nhân lực để nâng cao năng suất lao động nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành các đơn hàng, kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm.
Đặc biệt, những dịp lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, do vậy các doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động trong thời điểm này để phục vụ kế hoạch mở rộng, sản xuất, kinh doanh cuối năm.
Tuy nhiên, trước biến động của thị trường quốc tế và trong nước, những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm. Do đó, tình hình thất nghiệp quý IV có xu hướng tăng lên so với quý trước.
Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2022 là hơn 1,08 triệu người, tăng 24,9 nghìn người so với quý trước và giảm 520,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2022 là 2,32%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,24 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Về nguyên nhân của tình trạng này, Tổng cục Thống kê lý giải, quý IV là quý mà thị trường lao động cần huy động rất nhiều nguồn nhân lực phục vụ các dịp lễ tết cuối năm, do đó số có việc làm thường tăng cao, như trong năm 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19, lao động có việc làm trong quý IV tăng 4,6 nghìn người (tương đương tăng gần 1%). Tuy nhiên trong quý IV năm 2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm, cùng với đó lãi suất và tỷ giá tăng vọt khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động.
Như DĐDN đã đưa tin, tình trạng thiếu hụt đơn hàng khiến doanh nghiệp nhiều lĩnh vực đặc biệt là các ngành thâm dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử…doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm và lao động những tháng cuối năm.
>>>“Giữ việc” cho người lao động
>>>"Nghịch lý" thị trường lao động cuối năm
Lý giải vì sao tỷ lệ thất nghiệp trong quý vẫn thấp, không giảm nhiều so với quý trước, Tổng cục Thống kê lý giải là nhờ số việc làm phi chính thức tăng cao. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của quý 4 là 65,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước.
So với quý trước, thu nhập bình quân của lao động ở cả ba khu vực kinh tế trong quý 4 đều tăng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4 triệu đồng/người/tháng, là khu vực ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất, tăng 2,4%, tương ứng tăng 93 nghìn đồng/người/tháng.
Lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập là 8,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,6%, tương ứng tăng 129.000 đồng/người/tháng. Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân là 7,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 0,9%, tương ứng tăng 66 nghìn đồng/người/tháng so với quý trước.
Từ thực tế này, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến đề xuất, để thị trường lao động phục hồi bền vững, bảo đảm cuộc sống cho người lao động, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp: Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục thực hiện chích sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến thông tin, theo dự báo, quy mô dân số của Việt Nam sẽ đạt 100 triệu dân trong tháng 3/2023.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 06/01/2023
01:05, 05/01/2023
05:26, 01/01/2023
11:34, 30/12/2022