“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 8: Xuất khẩu “giả”, hoàn thuế “thật”

NGUYỄN GIANG 16/08/2022 03:50

Tình trạng gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng không chỉ gây khó khăn cho lực lượng thực thi trong việc phát hiện và xử lý mà còn gây áp lực lớn với cơ quan quản lý nhà nước…

>>“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 7: Gian nan quản lý thuế với thương mại điện tử

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, số tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) được hoàn nhanh, giúp doanh nghiệp có được dòng tiền, quay vòng vốn nhanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, nhiều đối tượng cố tình vi phạm pháp luật thuế, đặc biệt là tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” mua bán hóa đơn lòng vòng; kê khai, nâng khống hàng hóa xuất khẩu để được hoàn thuế GTGT, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, tạo sự bất công giữa các doanh nghiệp, làm méo mó môi trường kinh doanh.

hhihii

 Thuduc House trục lợi hàng trăm tỷ đồng hoàn thuế GTGT từ việc xuất khẩu linh kiện tử điện tử. Ảnh minh họa

Những “mánh khóe” hoàn thuế GTGT

Đầu năm 2021, vụ án Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) trục lợi hàng trăm tỷ đồng hoàn thuế GTGT từ việc xuất khẩu linh kiện tử điện tử đã được cơ quan Công an điều tra từng làm rúng động dư luận về hành vi, thủ đoạn chiếm đoạt tiền thuế với quy mô lớn của nhiều doanh nghiệp.

Theo hồ sơ vụ việc, từ năm 2018, Thuduc House phát sinh hoạt động xuất khẩu hàng hóa là linh kiện điện tử. Theo giải trình của Thuduc House, hàng hóa linh kiện điện tử Công ty đã mua từ Công ty CP Thủ Đức House Wood Trading và xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của Cục Thuế TPHCM xác định các hợp đồng xuất khẩu của Thuduc House ký với phía nước ngoài về bản chất là xác lập giao dịch xuất khẩu giữa công ty này với phía nước ngoài một cách giả tạo.

Hành vi này nhằm che giấu giao dịch xuất khẩu giữa Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng ALP với phía nước ngoài và che giấu hành vi đứng tên tờ khai hải quan, các hồ sơ có liên quan đến hoạt động xuất khẩu của Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng ALP. Hợp đồng mua bán giữa Công ty CP Thủ Đức House Wood Trading với Thuduc House bản chất là giả tạo nhằm che giấu số tiền được nhận là 0,1% trên giá trị hàng hóa xuất khẩu. Các hóa đơn mua bán với nhau và với phía nước ngoài đều không đúng, trên thực tế không có giao dịch mua bán.

Bên cạnh đó, các hóa đơn đầu vào mà Thuduc House khai khấu trừ để nhận tiền hoàn thuế GTGT đều nhận từ Công ty CP Thủ Đức House Wood Trading có nội dung ghi trên hóa đơn là mua bán hàng hóa không đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT- BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính. Toàn bộ hóa đơn này là ảo, vì không có mua bán thật nhằm giúp cho Thuduc House hưởng lợi 0,6% trên giá trị hợp đồng xuất khẩu.

Mở rộng thanh tra, Cục Thuế TPHCM phát hiện hóa đơn do Công ty CP Thủ Đức House Wood Trading xuất cho Thuduc House được lấy đầu vào từ Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng ALP, mục đích là thu lợi từ chênh lệch giá USD 0,7% trên giá trị hợp đồng mua bán. Trong khi đó, các hóa đơn đầu vào của Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng ALP liên quan đến hóa đơn đầu ra xuất cho Công ty CP Thủ Đức House Wood Trading đều được nhận từ các công ty không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký theo thông báo của cơ quan Thuế và có dấu hiệu mua bán trái phép hóa đơn theo quy định.

Cơ quan Thuế xác định, từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2019, Thuduc House đã trục lợi số tiền thuế của Nhà nước hơn 221 tỷ đồng, nên Cục Thuế TPHCM đã ban hành quyết định thu hồi số tiền thuế GTGT đã hoàn cho Thuduc House là 221 tỷ đồng và tiền chậm nộp 37 tỷ đồng. Cục Thuế TPHCM cũng truy lại kỳ tính thuế 2017 và 2018 và ban hành quyết định thu hồi số tiền thuế GTGT đã hoàn trong giai đoạn này là 109,8 tỷ đồng cùng tiền chậm nộp hơn 27 tỷ đồng. Đến cuối tháng 3/2021, tổng số tiền truy thu và tiền chậm nộp lên hơn 451 tỷ đồng.

Phân tích về vụ án này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là thủ đoạn thường gặp để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nhưng gian lận số lượng hàng hóa hoặc làm giả chứng từ xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng sử dụng hóa đơn bán hàng của các doanh nghiệp có trụ sở tại các địa phương không có nguồn nguyên liệu. Các công ty lập chứng từ, hồ sơ hoàn thuế khống, không có kho hàng bến bãi, không có phương tiện vận chuyển, không có hàng hóa mua vào, mua hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn. Một số doanh nghiệp kinh doanh hàng giống hệt hoặc tương tự nhau nhưng khi nhập khẩu lại khai báo giá trị rất thấp và khi xuất khẩu lại khai báo giá trị cao...

Theo đánh giá của cơ quan quản lý cũng như giới chuyên gia, nhiều vấn đề từ cơ chế, chính sách đến việc thực thi đang còn những tồn tại nhất định khiến các đối tượng gian lận có cơ hội trục lợi.

>>“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 1: “Che” thu nhập, “giấu” doanh thu

hihihi

Nhiều vấn đề từ cơ chế, chính sách đến việc thực thi đang còn những tồn tại nhất định khiến các đối tượng gian lận có cơ hội trục lợi. Ảnh minh họa

Kiểm tra từ sớm, phát hiện từ xa

Để xử lý tận gốc vấn đề gian lận hoàn thuế GTGT, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Trần Đức Biên- Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La, ngoài việc siết chặt các quy định về quản lý, thành lập doanh nghiệp, trình độ chuyên môn của các cán bộ quản lý thuế cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa.

“Khi có phát hiện bất thường trong kỳ báo cáo hóa đơn giá trị gia tăng thì phải có thanh tra, kiểm tra ngay, kịp thời để xác minh, làm rõ hoặc ngăn chặn ngay hành vi vi phạm và phải thực hiện việc kiểm tra, ngăn chặn từ xa, chứ không phải chờ đến khi doanh nghiệp xin hoàn thuế giá trị gia tăng mới kiểm tra”, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La chia sẻ.

Bên cạnh đó luật sư Biên cũng cho rằng, các quy định xử phạt hiện nay chưa đủ răn đe do mức phạt nhiều khi “không thấm vào đâu” so với số tiền họ có được từ hành vi phạm pháp của mình.

“Cần tăng mức phạt tiền, phạt tù cao hơn nữa và nên có thêm các quy định để hạn chế thấp nhất việc mua bán hóa đơn trái phép. Đồng thời, nên khôi phục lại việc kê khai thuế giá trị gia tăng phải kèm bảng kê mua vào và bán ra, khi kê khai thuế”, Luật sư Trần Đức Biên nói.

Cũng chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, cần sửa đổi bổ sung các điều kiện, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cũng như vấn đề hậu kiểm đối với doanh nghiệp sau khi thành lập, nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe…

Theo luật sư Luân, thời gian qua, để thành lập doanh nghiệp chỉ cần đăng ký; còn nội dung đăng ký như nơi ở, chứng minh nhân dân thật hay giả, địa chỉ nơi đặt văn phòng có thực hay không đều chưa được kiểm tra trước và sau đăng ký, việc thực sự bỏ vốn để hoạt động kinh doanh không phải là điều kiện bắt buộc để đăng ký kinh doanh. Do đó, cần có cơ chế quản lý sau khi cấp phép có hiệu quả nhằm giám sát quản lý doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của luật pháp.

“Cơ quan thuế cần tăng cường công tác hậu kiểm, chú ý hóa đơn chứng từ đầu ra, đầu vào nếu có nghi vấn tiến hành kiểm tra xác định hành vi của các đối tượng, xem xét trụ sở, địa điểm kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp. Các ngành, địa phương cần phối hợp với cơ quan thuế để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • “Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 2: Những màn “ảo thuật” với thuế nhập khẩu

    “Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 2: Những màn “ảo thuật” với thuế nhập khẩu

    03:40, 10/08/2022

  • “Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 3: “Hô biến” xuất xứ hàng hóa

    “Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 3: “Hô biến” xuất xứ hàng hóa

    04:05, 11/08/2022

  • “Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 4: Nghi vấn “lỗ giả” của nhiều “ông lớn” FDI

    “Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 4: Nghi vấn “lỗ giả” của nhiều “ông lớn” FDI

    03:50, 12/08/2022

  • “Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 5: Chiêu bài “công ty ma”

    “Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 5: Chiêu bài “công ty ma”

    11:30, 13/08/2022

  • “Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 6: “Lúng túng” thu thuế chuyển nhượng bất động sản

    “Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 6: “Lúng túng” thu thuế chuyển nhượng bất động sản

    03:50, 14/08/2022

  • “Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 7: Gian nan quản lý thuế với thương mại điện tử

    “Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 7: Gian nan quản lý thuế với thương mại điện tử

    03:50, 15/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 8: Xuất khẩu “giả”, hoàn thuế “thật”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO