Người dân xếp hàng xuyên đêm chờ mua nhà ở xã hội

DIỆU HOA 09/05/2023 14:00

Nhu cầu lớn, nguồn cung "nhỏ giọt" thời gian qua các dự án nhà ở xã hội được mở bán nhận được sự quan tâm lớn từ người dân, cảnh xếp hàng từ đêm để nộp hồ sơ diễn ra ở hầu hết các dự án.

>>Năm khó của môi giới nhà đất

Những ngày qua, thị trường bất động sản Đà Nẵng được phen "rộn ràng" khi dự án Chung cư nhà ở xã hội thuộc Khu đô thị xanh Bàu Tràm Lakeside (tên thương mại là The Ori Garden Đà Nẵng) - thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, mở cửa nhận hồ sơ.

Người dân đến để đợi nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội từ sáng sớm

Xếp hàng mua nhà ở xã hội

Từ 4 giờ sáng, nhiều người dân đã có mặt tại đây để chờ đến lượt nộp hồ sơ, dù chủ đầu tư thông báo giờ làm việc là từ 8h30 sáng. 

Anh Trần Đức Anh (quận Thanh Khê) cho biết, khi biết dự án mở bán, anh đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, 5 giờ sáng 8/5 - ngày mở bán đầu tiên, vợ chồng anh đã có mặt để xếp hàng, thế nhưng hàng chục người đã ở đó từ sớm, trong ngày anh không đến lượt nộp được hồ sơ. Do đó, sáng 9/5 anh đã quay trở lại với giờ sớm hơn.

"Chúng tôi là gia đình trẻ, từ Hà Tĩnh vào đây lập nghiệp, nhiều năm cố gắng nhưng chưa thể có nổi một căn nhà của riêng mình. Sắp tới con gái bước vào tiểu học nên cố gắng hơn để con có thể thuận tiện trong việc chuyển cấp" - anh Đức Anh chia sẻ.

Trong khi đó, trong 2 ngày qua, Ban quản lý dự án cũng ghi nhận hơn 200 người đến nộp hồ sơ, chờ nhân viên gọi tên để làm thủ tục. Một số người phải đứng vì không có chỗ ngồi.

Trước đó, tại Hà Nội, tình trạng tương tự cũng diễn ra khi dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn mở bán. Gần 1 tháng kể từ thông báo mở hồ sơ, mỗi ngày gần 2 giờ sáng, người dân đã xếp hàng "ghi danh" vì mỗi ngày chỉ 40 hồ sơ được tiếp nhận.

Sau 3 lần tới nhưng hết số, anh Trần Ngọc Hùng (26 tuổi, quê Nghệ An) cho biết ngày 5/5 vừa qua, anh đã quyết định "đóng chốt" từ đêm, trải tấm khăn nhỏ, mang chút đồ ăn nhẹ và nước uống để ngồi nghỉ gần khu vực văn phòng tiếp nhận của chủ đầu tư.

>>> Giao dịch bất động sản qua sàn: Cần thiết và hợp lý

Giấc mơ xa

Thực tế, nhu cầu lớn và được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng câu chuyện thiếu nguồn cung nhà ở xã hội vẫn là bài toán nan giải. Tại Hà Nội, 3 năm nay mới có dự án nhà ở xã hội mở bán.

Khó khăn vẫn bủa vây nhà ở xã hội

Nguyên nhân được chỉ ra do thủ tục đầu tư kéo dài, chi phí lợi nhuận bị co hẹp khiến chủ đầu tư không mặn mà. Theo Bộ Xây dựng, những vướng mắc phổ biến như chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính, kéo dài đến1 - 2 năm; đối với giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội, chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% nên không thu hút được doanh nghiệp.

Trong khi đó, nguyên nhân khác được TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chỉ ra là thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, địa phương chưa chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi phê duyệt quy hoạch đô thị. Thậm chí có địa phương chỉ trông chờ vào 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội có được thông qua phát triển các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị. Tuy nhiên, quỹ đất 20% thường bị hạn chế do chủ đầu tư hay trì hoãn hoặc bố trí quỹ đất này ở những vị trí khó giải phóng mặt bằng, hoặc nộp thay bằng tiền theo quy định. 

Ngược lại, về phía người mua cũng được ghi nhận khó khăn trong tiếp cận, thủ tục mua nhà ở xã hội còn phức tạp, chỉ dành cho những người trong 10 nhóm đối tượng theo quy định của Luật nhà ở. Dù chủ đầu tư được chọn đối tượng để bán, nhưng trước khi xác định đối tượng phải gửi văn bản đến Sở Xây dựng để minh chứng đối tượng đó có nằm trong nhóm được hỗ trợ hay chưa, và có nằm trong nhóm không phải đóng thuế thu nhập hay không.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch VARS, cho biết nhà ở xã hội là phân khúc có nhu cầu cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, các chính sách đang chưa thực sự thu hút chủ đầu tư tham gia phát triển phân khúc này. Điều đó khiến nguồn cung trên thị trường không thể đáp ứng lượng lớn nhu cầu hiện tại.

“Nhà nước cần sớm sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư liên quan đến chuyển nhượng dự án, tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội”, ông Thanh bình luận. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hưởng lợi từ chính sách, “ông trùm” nhà ở xã hội HQC chỉ lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng

    Hưởng lợi từ chính sách, “ông trùm” nhà ở xã hội HQC chỉ lãi vỏn vẹn 1 tỷ đồng

    16:03, 03/05/2023

  • Hải Phòng: Xây dựng nhà ở xã hội cần để ý đến chất lượng

    Hải Phòng: Xây dựng nhà ở xã hội cần để ý đến chất lượng

    14:00, 30/04/2023

  • Bình Định: Loại nhà đầu tư không đảm bảo năng lực làm nhà ở xã hội

    Bình Định: Loại nhà đầu tư không đảm bảo năng lực làm nhà ở xã hội

    14:00, 28/04/2023

  • Vietcombank triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội

    Vietcombank triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội

    10:59, 28/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Người dân xếp hàng xuyên đêm chờ mua nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO