Thuế hợp lý cho người làm công ăn lương

Diendandoanhnghiep.vn Trong đại dịch COVID-19, thu nhập của người làm công ăn lương đã giảm đáng kể, nhưng sức chi tiêu tăng. Họ có được hỗ trợ giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) để giảm bớt gánh nặng cuộc sống?

Trước diễn biến dịch COVID-19 ngày càng nghiêm trọng, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như, giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% thuế cho các hộ kinh doanh, giảm thuế giá trị gia tăng,...Nhưng riêng người làm công ăn lương lại không được đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Nếu được miễn hay giảm tiền thuế TNCN, người nộp thuế sẽ giảm bớt lo âu về gánh nặng chi tiêu, có thể tăng mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ (ảnh: Internet)

Nếu được miễn hay giảm tiền thuế TNCN, người nộp thuế sẽ giảm bớt lo âu về gánh nặng chi tiêu, có thể tăng mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ (ảnh: Internet)

Bộ Tài chính lý giải không đưa đối tượng này vào nhóm giảm thuế, vì nếu áp dụng việc giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công trong 6 tháng cuối năm 2021, thì người được hưởng chủ yếu sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao. Điều này không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Bởi vì số thuế từ nhóm cá nhân có thu nhập cao chiếm đến 87% trong tổng số thu từ thuế TNCN đối với tiền lương, tiền công. Do đó để thực hiện việc hỗ trợ đúng đối tượng, các bộ, ngành đã đề xuất ban hành Nghị quyết số 954/2020 ngày 2.6.2020 về việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, mức giảm trừ cho bản thân tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ cho người phụ thuộc tăng từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng. Quy định mới này đã có tác động điều chỉnh giảm thu nhập tính thuế đến khoảng 6 triệu lao động, giảm thu ngân sách nhà nước đến 10.800 tỉ đồng...

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, chị Vũ Hải, nhân viên kinh doanh tại một công ty nước ngoài tại Hà Nội cho biết, Bộ Tài chính giải thích cũng có ý đúng trong việc tăng cường hỗ trợ cho những khu vực gặp khó khăn, người lao động mất việc. Nhưng đại dịch xảy ra gây ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế, chuỗi cung ứng đứt gãy dẫn đến hàng hoá dịch vụ tăng phi mã, cuộc sống của người dân nói chung đều trở nên khó khăn hơn. Cho nên, thu nhập cao chỉ còn là danh nghĩa, còn thực tế đã phải bù đắp ở rất nhiều khoản chi phí khác, chưa kể trong gia đình có người phải nghỉ việc, thu nhập cao của một người cũng không thể gồng gánh hết được.

Vì vậy, những người làm công ăn lương như chúng tôi vẫn mong Chính phủ xem xét, giảm trừ thuế TNCN. Với những đề xuất này, không phải vì các khu vực khác được giảm trừ nên đòi hỏi công bằng, mà chỉ là đề xuất để được chia sẻ gánh nặng, khó khăn trong dịch bệnh”, chị Hải bày tỏ.

Theo PGS.TS Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, bản thân miễn, giảm thuế cũng là biện pháp kích cầu. Không chỉ doanh nghiệp và hộ kinh doanh mà người nộp thuế TNCN cũng cần được hỗ trợ bởi đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh và nhằm đảm bảo công bằng bởi đời sống của người lao động, trong đó có người nộp thuế, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh kéo dài.

Nếu được miễn hay giảm tiền thuế TNCN, người nộp thuế sẽ giảm bớt lo âu về gánh nặng chi tiêu, có thể tăng mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ... Thị trường được khơi thông, doanh nghiệp sẽ bán được hàng hóa, có nguồn tiền để đầu tư phát triển, sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp có doanh thu, có lợi nhuận sẽ quay lại đóng thuế cho ngân sách Nhà nước. Như vậy, với chính sách giảm thuế hỗ trợ người nộp thuế, cả người dân, doanh nghiệp và Nhà nước cùng được lợi.

Có thể nói, đó cũng là một biện pháp kích cầu rất tốt. Chẳng hạn, nhờ giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước được áp dụng 6 tháng cuối năm 2021 mà số xe tiêu thụ được tăng mạnh, ngân sách cũng tăng thu hơn 11.000 tỉ đồng”, PGS nêu ví dụ.

Luật sư Vũ Minh Tiến, đại diện công ty Luật VIAD cho rằng, với việc tăng mức giảm trừ gia cảnh mà không giảm thuế TNCN có một số điểm chưa thực sự có lợi cho người làm công ăn lương, vì những lý do sau:

Thứ nhất, trong thời gian qua, đa số người lao động đều bị giảm thu nhập đáng kể, rất hiếm trường hợp gia tăng thu nhập trong bối cảnh khó khăn như vậy, đặc biệt là những người làm công ăn lương bình thường. Mặc dù việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng từ giữa năm 2020, nhưng là thực hiện theo quy định khi lạm phát gia tăng, chứ thực chất không nhằm hỗ trợ cá nhân nộp thuế do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thứ hai, mức giảm trừ gia cảnh của Việt Nam hiện nay chỉ tính trên đầu người, chưa tính theo hộ gia đình như nhiều quốc gia khác, nên nhận xét thu nhập của người làm công ăn lương là cao sẽ chưa đảm bảo khách quan.

Trước thực trạng chung như hiện nay, thiết nghĩ, đối tượng nào cũng đều gặp khó khăn, chỉ khác nhau là khó ít hay khó nhiều, phụ thuộc vào khu vực, vùng miền và lĩnh vực làm việc. Nhưng hỗ trợ của Chính phủ nên xem xét nhóm đối tượng này, không chỉ giúp đỡ người dân ổn định thu nhập, mà còn duy trì sức chi tiêu trên thị trường, giúp nền kinh tế tăng cơ hội hồi phục sau dịch bệnh.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Thuế hợp lý cho người làm công ăn lương tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713532071 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713532071 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10