Người lao động không phải là đoàn viên công đoàn nhưng bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng cuối năm cũng được hỗ trợ tiền mặt.
>>>Đà Nẵng: Nhiều doanh nghiệp thiếu nguồn hàng sản xuất, cắt giảm giờ làm
Đây là một trong những nội dung của Nghị quyết số 06 vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành nhằm hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: từ quý 3/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do bị cắt giảm đơn hàng khiến một bộ phận không nhỏ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động và gia đình.
Nhằm góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn với người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ tiền mặt cho các đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng với 3 mức hỗ trợ.
Thứ nhất, đoàn viên công đoàn làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị giảm thời gian làm việc hàng ngày, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng hoặc bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ 1/10/2022 - 31/3/2023 mà có thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng được hỗ trợ một lần với mức 1 triệu đồng/người.
Thứ hai, đoàn viên công đoàn có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên tính từ 1/10/2022 - 31/3/2023 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1/10/2022 - 31/3/2023 được hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/người.
Thứ ba, đoàn viên công đoàn chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ 1/10/2022 - 31/3/2023 (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị xử lý kỷ luật sa thải, thử việc không đạt yêu cầu) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng/người.
Đặc biệt, người lao động không phải là đoàn viên công đoàn nhưng bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động cũng được hỗ trợ tiền mặt bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với người lao động là đoàn viên công đoàn. Người lao động không là đoàn viên công đoàn nhưng là lao động nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, lao động nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em) được hưởng mức hỗ trợ như đoàn viên công đoàn.
>>>Giải pháp căn cơ nào hỗ trợ lao động bị giãn việc?
Trước đó, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Vũ Thị Giáng Hương thông tin: đến ngày 8/1/2023, đã có 1.300 doanh nghiệp tại 50 tỉnh, thành gặp khó khăndo bị cắt giảm đơn hàng khiến hơn nửa triệu lao động phải giảm giờ làm.
Trong đó, hơn 490.000 người lao động giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương (chiếm 89,82% tổng số người bị ảnh hưởng); 7.000 người bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (chiếm 1,28%) và 48.623 người bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 9%).
Những lao động trên phần lớn đang làm việc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung trong 3 ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ tại TP.Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang… Dự báo doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do giảm đơn hàng trong quý 1 năm 2023.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng
02:00, 31/12/2022
Tìm phương án hỗ trợ doanh nghiệp thiếu đơn hàng tại Đà Nẵng
04:06, 07/12/2022
Nghiên cứu dùng kinh phí công đoàn hỗ trợ lao động mất việc
15:54, 16/01/2023
Đề xuất Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 68/NQ-CP hỗ trợ lao động mất việc
03:00, 27/12/2022
Chính phủ yêu cầu hỗ trợ lao động giảm sâu thu nhập và mất việc làm
04:00, 26/12/2022