Người vay mua nhà cần chính sách hỗ trợ

LÊ SÁNG 20/08/2021 05:30

Ngân hàng Nhà nước cho biết đang khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 cho phù hợp thực tiễn, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng vay mua nhà bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

trả góp

Nhiều người mua nhà thanh toán theo tiến độ hoặc trả góp đang mất khả năng thanh toán do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Cổng thông tin điện tử Chính phủ mới đây đã tiếp nhận thắc mắc của công dân về việc hỗ trợ của ngân hàng cho người vay mua nhà trong dịch Covid-19.

Ông Đỗ Thanh Nhân là công dân đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2018, ông mua 1 căn chung cư tại quận 8 và có vay một ngân hàng chi nhánh Sài Gòn hơn 400 triệu đồng.

Nay, do tình hình dịch COVID-19 kéo dài gây ảnh hưởng đến công việc khiến kinh tế gia đình ông gặp khó khăn trong việc thanh toán nợ hàng tháng. Ông Nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ người dân được tạm ngừng thanh toán các khoản vay trong 3 kỳ tiếp theo để ổn định cuộc sống.

"BỎ QUÊN" NGƯỜI MUA NHÀ

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, chị Thanh Nhàn, giáo viên một trường mầm non tư thục tại Hà Nội cho biết dịch COVID-19 đã khiến thu nhập của hai vợ chồng chị từ hơn 30 triệu đồng giảm xuống chưa đến một nửa. Trong khi đó, hàng tháng vợ chồng chị vẫn phải chi hơn chục triệu để trả khoản vay mua nhà chung cư trả góp cách đây hai năm. 

Theo chị Nhàn ngay từ tháng 5, sau khi bùng phát đợt dịch COVID-19 thứ tư chị đã liên hệ với ngân hàng đang làm hợp đồng trả góp mua nhà để hỏi về việc có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất hay giãn thời gian trả nợ thì được trả lời phía ngân hàng đang xem xét và yêu cầu chị Nhàn làm đơn gửi về chi nhánh đã ký hợp đồng.

Trường hợp của chị Nhàn cũng là tình cảnh mà rất nhiều người, nhất là các hộ gia đình trẻ tại các thành phố lớn đang mua nhà trả góp gặp phải khi vừa phải lo cuộc sống trong lúc giãn cách xã hội vừa phải tự liên hệ với phía ngân hàng để thu xếp phương án trả nợ.

. Việc ngân hàng có chính sách hỗ trợ người vay tiêu dùng cũng là hỗ trợ kích cầu, giúp tăng trưởng kinh tế.

Việc ngân hàng có chính sách hỗ trợ người vay tiêu dùng trong thời điểm dịch covid-19 là cần thiết

Đối với các hợp đồng tín dụng, bao gồm hợp đồng vay mua nhà trả góp mà bên vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo PGS.TS Ngô Quốc Chiến, Giảng viên trường Đại học Ngoại thương do đây là hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ dân sự và trong khi các quy định về bất khả kháng trong pháp luật dân sự Việt Nam còn chưa thực sự rõ ràng để khẳng định bất khả kháng (do COVID-19-PV) có được coi là căn cứ miễn nghĩa vụ hoàn trả hay không.

Trong khi đó, cũng theo ông Chiến các chế định về pháp luật dân sự hiện nay đều quy định về nghĩa vụ trả lại tài sản, nhưng không quy định trường hợp miễn trách nhiệm khi bên có nghĩa vụ hoàn trả không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Với các hợp đồng vay mua nhà trả góp hiện nay, theo các Luật sư, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 (2020) và Thông tư 03 (2021) quy định về việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Cụ thể, việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… thuộc thẩm quyền của TCTD. Do đó, người dân phải chủ động làm việc với các TCTD để được xem xét, xử lý theo đúng quy định.

Như vậy, người dân đang có hợp đồng tín dụng, bao gồm hợp đồng mua nhà trả góp phải tự liên hệ để “dàn xếp” còn việc có được giãn trả nợ, giảm lãi suất hoặc hỗ trợ gì khác hay không là do các ngân hàng quyết định.

CẦN TĂNG MỨC HỖ TRỢ

Tổng giám đốc một công ty bất động sản thừa nhận dịch Covid-19 đã khiến nhiều khách hàng bị mất khả năng thanh toán đã chấp nhận mất tiền cọc hoặc chịu phí phạt để trả nhà và nhận lại một phần tiền đã đóng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch kinh doanh, dòng tiền, chi phí triển khai dự án của chủ đầu tư; ngay cả đối tác cung cấp vật liệu, nhà thầu, nhà bán hàng cũng bị "vạ lây".

Gánh nặng

Gánh nặng trả nợ vay mua nhà trả góp đang đè nặng lên vai nhiều hộ gia đình trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài

Mới đây, sau khi đại diện NHNN yêu cầu 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và 12 ngân hàng thương mại cổ phần xem xét tiếp tục giảm lãi suất cho vay với các khoản dư nợ hiện hữu, thì đến nay đã có một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay 1-2% đối với khoản vay hiện hữu. Tuy nhiên, theo quan sát, các mức giảm này hiện chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp, đối tượng cá nhân đang có nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng, bao gồm hợp đồng vay mua nhà trả góp được hỗ trợ ít hoặc chưa được nhắc đến.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương đã công bố giảm lãi suất tiền vay 1% cho doanh nghiệp thuộc 9 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giảm lãi suất 1%/năm cho các khách hàng còn lại. Với khách hàng cá nhân, VCB giảm lãi suất 1%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; giảm lãi suất 0,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống. Như vậy, theo hướng dẫn này, người mua nhà trả góp có thể xếp vào đối tượng vay vốn phục vụ đời sống để hưởng mức giảm 0,5%/năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng công bố giảm lãi suất như TMCP Phát triển TPHCM, Ngân hàng TMCP Bản Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Quân đội, TPBank…. Với mức giảm 0,8-1,2% tùy từng đối tượng khách hàng và tùy theo chính sách của từng ngân hàng. Nhìn chung, đối tượng người mua nhà trả góp đang có hợp đồng tín dụng thường không thuộc các đối tượng giảm lãi suất ưu tiên.

KHÔNG AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, trong tình hình hiện nay, những người vay tiền mua nhà đang bị giảm thu nhập đáng kể trong khi vẫn phải đảm bảo trả một khoản nợ nhất định. Nếu kinh tế suy giảm kéo dài sẽ xảy ra tình trạng gia tăng nợ xấu, và như vậy, các ngân hàng có thể siết nợ với các khoản vay. Việc ngân hàng có chính sách hỗ trợ người vay tiêu dùng cũng là hỗ trợ kích cầu, giúp tăng trưởng kinh tế.

Nhận định về chính sách tín dụng trong bối cảnh hiện nay, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng khi lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm, giải pháp khả thi nhất là Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra huy động ngân hàng thương mại cổ phần lập ra một “tổ hợp tín dụng” cung cấp gói cho vay 300.000 tỷ đồng. Nếu không có tín dụng, doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, chính sách hỗ trợ khác chỉ là giải pháp cấp cứu tạm thời.

Trả lời báo chí, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 nhằm bảo đảm phù hợp thực tiễn; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai mạnh mẽ giải pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất, phí... nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả hơn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Có thể bạn quan tâm

  • Gánh nặng tài chính

    Gánh nặng tài chính "mua nhà 0 đồng"

    05:40, 05/08/2021

  • Chủ đầu tư hút người mua nhà bằng tiện ích trị liệu

    Chủ đầu tư hút người mua nhà bằng tiện ích trị liệu

    11:00, 29/07/2021

  • Tiết kiệm tiền mua nhà hay thuê nhà dành tiền để trải nghiệm?

    Tiết kiệm tiền mua nhà hay thuê nhà dành tiền để trải nghiệm?

    05:00, 14/05/2021

  • Mua nhà Vinhomes Ocean Park, khách hàng trúng lớn ô tô VinFast LuxA

    Mua nhà Vinhomes Ocean Park, khách hàng trúng lớn ô tô VinFast LuxA

    07:44, 26/04/2021

  • Mua nhà dễ dàng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,9% tại VPBank

    Mua nhà dễ dàng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,9% tại VPBank

    16:26, 16/04/2021

  • Bộ Xây dựng lên tiếng về việc môi giới

    Bộ Xây dựng lên tiếng về việc môi giới "chung chi" để được suất mua nhà ở xã hội

    23:00, 02/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Người vay mua nhà cần chính sách hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO