Chàng bác sĩ trẻ Lê Anh Minh, sinh năm 1983 đã có 14 năm gắn bó với ngành Y, 10 năm điều trị can thiệp và hồi sinh hơn 1.000 những trái tim "lỡ nhịp" vì bệnh tim bẩm sinh.
Dành hết tình yêu cho bệnh nhi mắc tim bẩm sinh
Trừ 4 trung tâm lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng thì Thanh Hóa đang được đánh giá là 1 trong số những bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thành công can thiệp điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh. Kỹ thuật can thiệp tim mạch được thực hiện bằng cách luồn dụng cụ vào mạch máu bệnh nhân, qua đó, đưa dụng cụ đến tim để bít các lỗ thông ở trong tim hoặc nong rộng những chỗ hẹp ở van tim hoặc mạch máu.
Bác sĩ Lê Anh Minh chính là bác sĩ đầu tiên ở Thanh Hoá triển khai can thiệp điều trị tim mạch cho bệnh nhân nhi. 10 năm qua bác sĩ Lê Anh Minh, Phó Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã tận tụy với nghề, say mê và không ngừng học tập.
Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2007, bác sĩ trẻ Lê Anh Minh về công tác tại khoa Tim, Thận, Khớp - Bệnh viện Nhi Thanh Hoá. Sau khi về làm việc tại bệnh viện phải chứng kiến nhiều trẻ nhỏ phải chịu những vết mổ lớn nơi lồng ngực, cũng những đau đơn sau ca mổ đã không ngừng thôi thúc chàng bác sĩ trẻ phải nghiên cứu và tìm ra hướng đi khác cho điều trị tim mạch tại bệnh viện mình.
Chính những trăn trở với việc bệnh nhi đến bệnh viện điều trị các bệnh lý về tim hoàn toàn phụ thuộc vào việc phẫu thuật tim hở với thời gian hậu phẫu kéo dài, để lại sẹo lớn ảnh hưởng tâm lý của trẻ, chi phí cao… bác sĩ Lê Anh Minh đã tìm hiểu các phương pháp điều trị khác ở Việt Nam và thế giới, trong đó phương pháp can thiệp tim mạch là phương pháp mới với nhiều ưu điểm cho bệnh lý về tim bẩm sinh ở trẻ.
Dù phương pháp kỹ thuật can thiệp được đánh giá là khó khi đòi hỏi về máy móc, 1 hệ thống đào tạo bài bản, bao gồm cả kíp, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên hỗ trợ, kỹ thuật viên X-Quang, gây mê, hồi sức, siêu âm tim đi kèm….nhưng Thanh Hóa là tỉnh tiếp cận sớm phương pháp này.
"Với phương pháp can thiệp ưu điểm, đó là tỷ lệ thành công có thể đạt 100%, không để lại sẹo, sau mổ 1, 2 ngày bệnh nhân có thể xuất viện, giảm được nhiều chi phí, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao cho bệnh nhân nhi", bác sĩ Minh chia sẻ.
Được biết trong các năm từ 2008-2013, bác sĩ Lê Anh Minh đã tham gia nhiều khoá đào tạo điều trị nội khoa, siêu âm, hồi sức và chuyên sâu về can thiệp tim mạch tại các bệnh viện, trung tâm tim mạch trong và ngoài nước. Trong đó có hơn 100 tour tại Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và 1 số nước châu Âu để học riêng về kỹ thuật can thiệp tim mạch.
"Năm 2011 tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cùng với các bác sĩ của Nhi Trung ương, chúng tôi đã thành công trên 4 bệnh nhân với các bệnh lý: còn ống động mạch, nong van mạch phổi. Cho đến giờ tôi vẫn không quên được cảm giác khi đó - thật sự hạnh phúc. Thành công đầu tiên đó đã khích lệ tôi tiếp tục con đường nghiên cứu và điều trị bệnh nhân tim bẩm sinh bằng phương pháp can thiệp", bác sĩ Minh cho biết.
Sau những năm không ngừng học hỏi, cùng sự giúp sức của các cộng sự, đồng nghiệp và sự quan tâm của ngành y tế Thanh Hóa khi sắm các trang thiết bị cần thiết cho can thiệp tim mạch, từ năm 2013 tại Bệnh Nhi Thanh Hóa đã trở thành địa chỉ tin cậy trong điều trị tim mạch và can thiệp tim bẩm sinh cho trẻ. Từ đó đến nay rất ít trường hợp các ca về can thiệp tim mạch, hay các ca khó về bệnh lý tim mạch phải chuyển ra tuyến trên, cũng như nối dài sự sống và giúp hàng nghìn trái tim của các em nhỏ "lỗi nhịp" hồi sinh trở lại.
Chia sẻ với phóng viên Bác sĩ Lê Anh Minh cho biết, về khoảng thời gian công tác có lẽ ấn tượng nhất đó là với bệnh nhi nhỏ nhất khi anh làm can thiệp, đó là bệnh nhi 3kg, 45 ngày tuổi đã được can thiệp tim thành công. Sau khi xuất viện, và những lần tái khám theo định kỳ bệnh nhi hồi phục và phát triển khỏe mạnh. Các Bác sĩ vẫn luôn theo dõi hành trình hồi phục của bạn nhỏ, có thể thấy những ưu việt trong can thiệp điều trị tim mạch rất tốt. Điều đó chính là những khích lệ định hướng mới trong điều trị tim mạch cho y bác sĩ trong khoa.
10 năm qua, bác sĩ Minh đã trực tiếp triển khai thường quy kỹ thuật can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Nhi Thanh Hoá, số bệnh nhi được can thiệp điều trị chiếm 50-70% tổng lượng bệnh nhân mắc tim bẩm sinh được điều trị tại bệnh viện. Đến đầu năm 2021, số trẻ được cứu sống và chữa lành các bệnh về tim bằng phương pháp can thiệp đã lên con số hơn 1.000 ca.
Chị Lê Thị Phương (xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương) mẹ của cháu Lê Thị Hải Yến ca bệnh chuẩn bị được can thiệp tim cho biết" Bé ở nhà hay bị khó thở, môi tím tái, đi khám phát hiện ra bệnh tim. Đến đây cứ nghĩ tim là ai cũng phải mổ phanh cả, nhưng khi đến đây khám bác sĩ tư vấn bé nhà mình chỉ cần can thiệp, không cần phải mổ phanh. Sau khi can thiệp xong các bác sĩ nói sẽ dễ chăm sóc bé hơn, bé khỏe hơn so với mổ nên gia đình rất yên tâm".
Trăn trở với nghề
Tâm huyết với nghề, vị Thạc sĩ, bác sĩ Lê Anh Minh, phó Trưởng Khoa Tim mạch lồng ngực tâm sự, mặc dù 10 năm qua chúng mình đã can thiệp và điều trị cho hơn 1.000 trường hợp bệnh lý về tim mạch bẩm sinh thế nhưng hiện tại dân số tại tỉnh Thanh Hóa là 3,6 triệu người, với tỷ lệ mắc ngẫu nhiên thì số người mắc tim bẩm sinh sẽ tương ứng khoảng 30.000 người. Như vậy hiện nay tại Thanh Hóa số lượng trẻ mắc tim bẩm sinh chưa được điều trị đang còn rất lớn. Vấn đề ở đây là việc tiếp cận của bệnh nhân còn nhiều hạn chế.
"Mong rằng với sự phát triển của y tế tuyến dưới sẽ tốt hơn để phát hiện thêm nhiều trg hợp tim bẩm sinh để gửi cho chúng tôi, hoặc truyền thông được nhiều thông tin đến bệnh nhân để mọi người hiểu được khả năng điều trị của tỉnh nhà để đưa con đến điều trị sớm hơn" - bác sĩ nói.
Bác sĩ Anh Minh cũng chia sẻ thêm rằng, hiện nay đang làm kế hoạch và trình bày đề tài khoa học về triển khai can thiệp cấp cứu, tức là những trường hợp ngay trong phòng cấp cứu, hay những trẻ sơ sinh mới chào đời đã mắc phải tim bẩm sinh có thể can thiệp ngay. Có như vậy tỉ lệ tử vong về tim bẩm sinh sau khi chào đời mới giảm thiểu. "Can thiệp cấp cứu là điều vô cùng khó khăn cũng như yêu cầu về thiết bị máy móc cũng như con người. Chính vì những điều đó, nếu có cơ hội được học hỏi, nghiên cứu về tim mạch tôi đều không từ bỏ" - bác sĩ Minh nói.
Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, ông Lê Đăng Khoa cho biết, trong nhiều năm qua, bác sĩ Lê Anh Minh cùng đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, trong đó có kỹ thuật can thiệp tim mạch là một trong những kỹ thuật mà Bệnh viện luôn hướng đến. Đó là kỹ thuật ít xâm lấn để giải quyết tốt những ca bệnh tim bẩm sinh và những bệnh về tim khác liên quan đến câu hỏi mổ hay không mổ? Bệnh viện luôn phát huy những thành tích đã đạt được và nâng cao kỹ năng, hoàn thiện kỹ thuật. Đối với bác sỹ Lê Anh Minh sau nhiều lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn, đến nay bác sĩ Lê Anh Minh đã làm được gần như tất cả các dịch vụ kỹ thuật về can thiệp tim mạch tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, với phương châm không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển kỹ thuật cao, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa đã trang bị hệ thống DSA (kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền 2 bình diện) để làm rõ hệ thống mạch máu, giúp các bác sĩ nhận diện, can thiệp điều trị tim mạch hiệu quả hơn. Nhờ đó, bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật ít xâm lấn, giúp giảm chi phí, giảm thời gian nằm viện cho bệnh nhân, hướng tới mục tiêu chữa lành thêm nhiều hơn nữa những trái tim "lỗi nhịp".
Có thể bạn quan tâm
VIỆC TỬ TẾ: Ấm lòng những chuyến xe giải cứu nông sản Hải Dương
15:29, 25/02/2021
VIỆC TỬ TẾ: Tấm lòng của một nữ doanh nhân tại Hải Dương
14:05, 25/02/2021
VIỆC TỬ TẾ: ATM gạo tiếp sức người dân Hải Dương chống dịch
11:00, 25/02/2021
VIỆC TỬ TẾ: Người dân Thanh Hóa chung tay giải cứu nông sản Hải Dương
04:38, 25/02/2021
VIỆC TỬ TẾ: "Hơi ấm" người Đà Nẵng gửi đến tâm dịch Hải Dương
03:58, 24/02/2021
VIỆC TỬ TẾ: Khi tấm lòng thiện lan tỏa
11:00, 21/02/2021
VIỆC TỬ TẾ: Nơi cách ly phòng dịch COVID-19 ở Hải Phòng ấm áp với “Cơm Tết đoàn viên”
11:29, 08/02/2021