Nhân sự là cốt lõi của hoạt động quản trị. Để tồn tại và phát triển không có con đường nào khác con đường quản lý nhân sự một cách có hiệu quả.
Chia sẻ với DOANH NHÂN, bà Lương Tú Anh – Founder and CEO NodeX Asia Co.,Ltd cho rằng, con người là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp và trong điều kiện khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp đã ứng dụng quản trị sự khác biệt và nhờ vậy mà thành công.
- Thưa bà, để xây dựng tổ chức vững mạnh thì doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp cần phải có những điều kiện tiên quyết nào?
Tôi cho rằng, giải pháp giải quyết khó khăn đó chính là doanh nghiệp cần xây dựng và phát triển được văn hoá tổ chức vững mạnh. Doanh nghiệp nên xác định rõ vai trò của văn hoá trong doanh nghiệp khi xây dựng chiến lược và mục tiêu phát triển kinh doanh.
Văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp làm nên sức mạnh của tổ chức, nâng cao lợi thế cạnh tranh và sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nhân lực chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp phát triển một tầm nhìn mới bằng cách xây dựng bộ ba hấp dẫn: “một nơi đầu tư hấp dẫn”, “một nơi mua sắm hấp dẫn” và “một nơi làm việc hấp dẫn”. Và để xây dựng bộ ba hấp dẫn này thì rõ ràng văn hoá kinh doanh của tổ chức doanh nghiệp đóng vai trò tiên quyết.
- Trong nền kinh tế thị trường, nhà quản trị không phải chỉ cạnh tranh về sản phẩm mà còn cạnh tranh về nhân sự. Được biết, NodeX Asia Co.,Ltd có giải pháp phòng đào tạo CETA dành cho doanh nghiệp. Bà chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
Mặc dù các doanh nghiệp đang phát triển trong một môi trường công nghệ 4.0 hiện đại, nhiều công cụ hỗ trợ tuyển dụng, tuy nhiên, tỷ lệ nguồn cung lao động tăng nhiều nhưng vẫn không đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, giải pháp để giữ chân nhân sự, phát triển nhân tài trong tổ chức thông qua đào tạo và phát triển vẫn chưa được đầu tư bài bản theo chiều sâu. Để sử dụng phòng đào tạo CETA thì doanh nghiệp cần xác định đào tạo và phát triển đội ngũ là một trong những nhiệm vụ của doanh nghiệp. CETA là viết tắt của: Creativity (sáng tạo), Emotional Intelligence (Cảm xúc trí tuệ), Technology (Công nghệ), Achievement (Đạt được thành tựu).
Nhiều doanh nghiệp SMEs trên thị trường khi được NodeX khảo sát, cùng có câu trả lời tương tự đó là mong muốn đào tạo cho nhân viên nhưng chưa có phòng đào tạo hoặc chưa có người phụ trách đào tạo. Trường hợp khác, doanh nghiệp bỏ chi phí đào tạo cho nhân viên nhưng không thấy hiệu quả nên bỏ qua vai trò của đào tạo trong tổ chức, đành phải chấp nhận phương án nhân viên tự học, tự phát triển và cũng tự rời bỏ doanh nghiệp mà đi lúc nào không hay. Do đó, phòng đào tạo CETA sẽ giải quyết vấn đề về đào tạo nhân sự và song hành cùng doanh nghiệp.
Một số giải pháp giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao như: Phát triển đội ngũ quản lý thông qua cải tiến chuyên môn, đào tạo kỹ năng quản lý cho đội ngũ quản lý hiện tại, đào tạo thêm những kỹ năng mềm như kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng đào tạo cho nhà quản lý, đào tạo kỹ năng tạo động lực thông qua áp dụng tâm lý học...; Phát triển và xây dựng đội ngũ kế thừa, phát triển nhân tài trong tổ chức; xây dựng mô hình học tập gắn với hiệu quả công việc, hiệu quả kinh doanh, theo dõi đánh giá được lộ trình học tập và phát triển cá nhân thông qua phần mềm quản lý học tập...
Bên cạnh giải pháp doanh nghiệp tự triển khai, tự vận hành và quản lý một phòng đào tạo, doanh nghiệp có thêm giải pháp sử dụng một phòng đào tạo bên ngoài.
- Làm thế nào để văn hóa “sống” được trong doanh nghiệp, giúp các nhân viên hiểu nhau hơn và cống hiến hết mình, trung thành và đem lại hiệu suất tốt hơn?
Để một văn hóa có thể “sống” được trong doanh nghiệp thì là cả quá trình lâu dài từ việc xây dựng, thực hành và lan tỏa để ngấm vào trong từng cá thể, hành động của nhân viên. Nếu không đủ thời gian văn hóa đó mới chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu mà thôi. Trong bối cảnh công nghệ số hiện nay, đã thay đổi rất nhiều hình thái xã hội khác nhau và thay đổi cả cách mọi người giao tiếp với nhau hằng ngày. Do đó, quản trị nhân lực cần cả những giá trị từ văn hóa yêu thương, cảm xúc và thấu cảm.
- Hiện nay quản trị nhân lực đang có rất nhiều ứng dụng phần mềm công nghệ thông minh, trong đó có ứng dụng AI, Blockchain, v.v… Vậy một doanh nghiệp cần phải làm gì để làm chủ được công nghệ, thưa bà?
Làm chủ công nghệ là mong muốn và định hướng của nhiều doanh nghiệp. Quan trọng nhất là một doanh nghiệp cần làm bài bản, có hoạch định nguồn lực và lộ trình cụ thể trong quá trình làm chủ công nghệ, tránh việc đầu tư theo hình thức “đầu voi đuôi chuột” hoặc đầu tư về rồi để đó không sử dụng, rất lãng phí.
Hiện tại, có nhiều nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp công nghệ theo hình thức cho thuê hệ thống, tính tiền theo user (số lượng người dùng). Hình thức này được triển khai đã lâu trên thị trường và rất hiệu quả với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp không tốn tiền đầu tư một hệ thống và khi thấy hệ thống không còn phù hợp với tổ chức nữa thì vẫn có thể thống nhất với đơn vị cung cấp để dùng hệ thống mới hoặc kết thúc quá trình hợp tác.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhân sự cần được đào tạo, tái đào tạo, hướng dẫn và đưa thành nhiệm vụ sử dụng trong quá trình làm việc thì mới tạo thành thói quen và giúp nâng cao năng suất chất lượng trong tổ chức.
Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Quảng Ninh: Gấp rút đào tạo nguồn nhân lực du lịch
03:00, 16/03/2023
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
01:00, 14/03/2023
Hải Phòng: Giải quyết bài toán về chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp
02:54, 09/03/2023
Thách thức trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch 4.0
03:00, 03/03/2023