"Ngưỡng cửa" của kỷ nguyên phát triển

THY HẰNG 05/10/2023 19:41

Theo chuyên gia, kinh tế sau đại dịch đang đi lên, xu thế rất tích cực và đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới.

>>>Bốn điểm sáng của nền kinh tế 9 tháng đầu năm

Tại Tọa đàm Kinh tế việt Nam vượt những "cơn gió ngược", TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, khi nhìn chi tiết kết quả phát triển kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm đã đạt được rất nhiều điểm tích cực.

TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS Phan Đức Hiếu (bên trái) nhận định kết quả phát triển kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm đạt được nhiều điểm tích cực.

Theo TS. Phan Đức Hiếu, kết quả đã đạt được trong thời gian qua chính là nỗ lực và nguồn lực đã bỏ ra để giải quyết những khó khăn, giúp Việt Nam đạt được sự tăng trưởng tích cực đó.

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Quốc hội đã thực thi, ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp cả về thể chế và tiền. “Chính phủ đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua các chính sách như giảm thuế, miễn thuế, gia hạn hoặc kéo dài các nghĩa vụ về tài chính khoảng 150 nghìn tỷ. Trên cơ sở này, chúng ta cũng phải căn cứ, tính toán để có thể đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đã đạt được”, ông Phan Đức Hiếu đánh giá.

Thứ hai, để đạt được kết quả phát triển kinh tế như vậy là nhờ những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân đã đóng góp lớn để giảm bớt khó khăn, ngoài việc thúc đẩy tăng trưởng.

“Khi tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp, tôi thấy cộng đồng doanh nghiệp rất ý thức trong nỗ lực khắc phục khó khăn và tìm ra giải pháp, không ỷ lại vào Chính phủ. Thành công này có sự đóng góp rất lớn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cũng ghi nhận những đóng góp rất tích cực của các địa phương. Nhiều địa phương mặc dù bối cảnh khó khăn như hiện nay, nhưng tốc độ giải ngân, thu ngân sách, tăng trưởng phát triển kinh tế vẫn đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.

Thứ ba là sự quyết liệt, quyết tâm, hành động rất mạnh mẽ của Chính phủ trong giai đoạn vừa qua, khi đã đưa các giải pháp giải quyết khó khăn và quyết định các chính sách.

Đơn cử như nỗ lực của Chính phủ trong việc hạ lãi suất mang lại kết quả rất lớn. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 644, ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đưa ra những giải pháp rất mạnh mẽ để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính, Chính phủ còn chỉ đạo cắt giảm cả chi phí tuân thủ pháp luật, thậm chí Chính phủ chỉ đạo không ban hành các quy định trong thời gian khó khăn nếu quy định đó tạo ra những khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp.

Trong khoảng tháng 7-8, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất mạnh mẽ về sự chuyển hướng điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt, phù hợp. Đây là những hành động rất quyết liệt, rất mạnh mẽ và quyết đoán của Chính phủ.

“Từ 3 vấn đề cần quan tâm tôi đã nêu trên, điều đó có nghĩa là ngoài những kết quả tích cực mà chúng ta đã đạt được thông qua các con số, chúng ta cũng nên nhìn nhận và ghi nhận những nỗ lực khác đằng sau những con số đó”, TS Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

>>>Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ

>>>Việt Nam là "người hùng" của quá trình hồi phục kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương

Bổ sung ý kiến của TS Phan Đức Hiếu, TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore nhận định, các địa phương cũng như doanh nghiệp lớn mà ông làm việc đều có tâm thế mới sẵn sàng cho tương lai.

TS Vũ Minh Khương cho rằng đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới.

TS.Vũ Minh Khương cho rằng, Việt Nam đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới.

Trong vấn đề đơn giản như xuất khẩu gạo, phải nói Việt Nam rất bản lĩnh, mà thế giới đang khen ngợi. Mình không chỉ vì mình mà vì cả thế giới. Nếu Việt Nam cũng rối loạn và cấm xuất khẩu gạo thì chắc chắn mất điểm. Đây là bản lĩnh của Chính phủ trong thời gian vừa rồi.

Về mặt điều hành vĩ mô, trong bối cảnh có nhiều rủi ro, TS. Vũ Minh Khương cho rằng nền kinh tế Việt Nam mới ở giai đoạn ban đầu, rất nhiều khó khăn nhưng rất vững vàng trong điều hành tỉ giá, lãi suất, không thấy vấn đề lo lắng gì cả. Đấy là cái rất đáng mừng cho nền kinh tế.

“Hiện giờ cái khó rất lớn của thế giới là tăng trưởng sẽ có ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Tại sao? Không phải chỉ vấn đề nhu cầu thế giới suy giảm. Rõ ràng mô hình mở rộng theo kiểu cũ (thêm 1 nhà máy may, thêm 1 nhà máy thép) hết rồi, bây giờ phải làm sao nâng cấp, cất cánh lên, nhưng không thể ngày một ngày hai được. Đây là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ, đòi hỏi vai trò của Chính phủ trong thời gian sắp tới”, TS. Vũ Minh Khương nói.

Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore cũng nhấn mạnh tới cách điều hành của Chính phủ trong thời gian vừa qua giúp cho tâm thế của các địa phương lên rất mạnh.

“Quyết định làm 218 km tàu điện ngầm, hệ thống đường sắt đô thị trong 12, 15 năm tới. Mọi người ngồi họp ngày đêm, thu thập tri thức của tất cả mọi người, tôi nhận thấy một không khí rất đặc biệt. Thế giới họ làm như thế nào, Trung Quốc làm như thế nào, Hàn Quốc làm như thế nào, Singapore làm như thế nào? Chính phủ ủng hộ tuyệt đối rồi, Bộ Chính trị, Quốc hội ủng hộ rồi, thì tại sao chúng ta không làm được? Bây giờ chỉ cụ thể hóa để quyết”, TS. Vũ Minh Khương nói.

Ví von nền kinh tế hiện nay như bối cảnh tàu gặp bão trên biển, TS. Vũ Minh Khương cho rằng nếu chỉ đo tốc độ đi nhanh, đi chậm thì không chuẩn, mà phải đo 3 điểm. Một là thủy thủ có lòng tin, ý chí tiếp tục hành trình với chúng ta hay không và ông nhận thấy các địa phương và các doanh nghiệp có đồng lòng, đồng hành rất tốt.

Hai là người thuyền trưởng có nắm được đúng la bàn, hướng gió để dẫn đường không, ông Khương nhận thấy cũng rất tốt.

Ba là nỗ lực để nâng cấp năng lực, trình độ của mình. “Tôi khẳng định Việt Nam đã có những doanh nghiệp tiếp cận dần trình độ trung bình của thế giới, sẽ cất cánh trong thời gian tới và họ có khát vọng như thế. Cho nên rõ ràng chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mà Việt Nam có thể cất cánh để trở thành một quốc gia phát triển trong thời gian tới”, TS. Vũ Minh Khương nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Bốn điểm sáng của nền kinh tế 9 tháng đầu năm

    15:40, 05/10/2023

  • Việt Nam là "người hùng" của quá trình hồi phục kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương

    13:20, 02/10/2023

  • Lấy động lực thị trường thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

    03:30, 01/10/2023

  • Để đầu tư công phát huy vai trò "vốn mồi" của nền kinh tế

    03:30, 01/10/2023

  • Động lực tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023

    02:30, 30/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Ngưỡng cửa" của kỷ nguyên phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO