Sai lệch tín hiệu thị trường và nguy cơ “bong bóng” bất động sản (BĐS) là những rủi ro của tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng và các ông lớn BĐS.
Đây là quan điểm của Chuyên gia kinh tế PGS TS Đinh Trọng Thịnh.
- Ông có quan điểm thế nào về hiện tượng sở hữu chéo giữa các ngân hàng và doanh nghiệp BĐS, hiện nay?
Xét trên hoạt động điều phối sản xuất kinh doanh nói chung, sở hữu chéo trong doanh nghiệp có thể nói là không tốt. Nhưng xét về phương diện của hoạt động đầu tư, nếu có các doanh nghiệp khác đầu tư vào một lĩnh vực nào đó thì lại là tốt.
Ví dụ như mối quan hệ của ngân hàng với các doanh nghiệp BĐS, hai bên có thể tương trợ cho nhau. Ngân hàng không chỉ là một đối tác có kinh nghiệm thẩm định dự án, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp về nhiều mặt, cũng như cơ hội đầu tư nhanh gọn, hợp lý và thực thi dự án sẽ thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư chéo này dễ dẫn đến việc các doanh nghiệp có thể thiếu công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư, bỏ vốn hay đầu tư các hoạt động khác. Đây cũng là một trong những vấn đề nguy hiểm nếu cùng là một sở hữu nhưng lại thao túng ở cả hai phía, các doanh nghiệp BĐS thậm chí có thể “bẻ lái” tín dụng để việc rót vốn được dễ dàng hơn.
- Xin ông cho biết, việc này có gây rủi ro cho hệ thống tài chính, đặc biệt là việc chiếm dụng vốn tín dụng, thưa ông?
Đầu tư chéo còn nhiều khúc mắc và phức tạp ở Việt Nam.
Thứ nhất, khi thiếu tính công khai, minh bạch và tạo ra những lợi thế không đáng có cho các doanh nghiệp BĐS, sẽ dễ làm cho thị trường BĐS sai về mặt tín hiệu, sai định hướng đầu tư, nguy cơ hình thành nên các bong bóng BĐS rất lớn.
Thứ hai, nếu như có sự sở hữu chéo, thì ngân hàng bao giờ cũng sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp BĐS được phép vay với những điều kiện thuận lợi. Vô hình chung, dòng vốn tín dụng sẵn sàng chảy vào lĩnh vực BĐS, thậm chí dưới những tên gọi khác mà thay vì được quản lý chặt chẽ và đi vào đúng các vị trí cần đến.
Điều này không những không đem lại lợi ích như mong muốn cho sự phát triển của nền kinh tế, mà còn dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế hoàn toàn bị sai lệch. Đây là một chuỗi hậu quả kéo theo như khi bong bóng BĐS giai đoạn 2008 -2010.
Thứ ba, đáng ra lượng vốn được đi theo tín hiệu thị trường và đi theo nhu cầu của nền kinh tế thì bây giờ tự nhiên lại đổ vào BĐS. Như vậy, sản xuất kinh doanh sẽ bị tác động do thiếu vốn, phân bổ nguồn vốn thiếu hiệu quả...
- Luật các tổ chức tín dụng đã đưa ra quy định giám sát các quan hệ sở hữu chéo. Tuy nhiên, hiện nay việc vượt rào luật khá dễ, thưa ông?
Hiện nay, Luật các tổ chức tín dụng đã đưa ra quy định về giới hạn tín dụng nhằm giám sát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các quan hệ sở hữu chéo. Theo đó, tổng dư nợ tín dụng của một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có, tổng dư nợ của một khách hàng và người liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.
Như vậy, nếu các tập đoàn thành lập nhiều công ty con để vay vốn thì điều này đúng ra là không được phép, do chỉ tiêu vay vốn cho các doanh nghiệp phải được quy về một công ty mẹ và được kiểm tra giám sát. Trước đây, ở khối ngân hàng cũng đã từng xuất hiện tình trạng ngân hàng thành lập các công ty con rồi mua vốn lẫn nhau, sở hữu chéo, tự nhiên thổi phồng vốn lên một cách bất hợp lý, rất khó quản lý.
Việc các ngân hàng thực hiện mua bán cổ phần của các doanh nghiệp, hoặc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp để từ đó có thể thu hồi được nợ vay cũng là một trong những vấn đề mà các ngân hàng trên thế giới thường hay sử dụng. Nhưng, đó là khi mọi hoạt động phải công khai minh bạch hoàn toàn. Để tránh tình trạng sở hữu chéo một cách ngấm ngầm.
- Xin cảm ơn ông!
Tiến Sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế
Tại Việt Nam, hiện tượng sở hữu chéo trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã được chú trọng và làm tương đối tốt trong thời gian vừa qua. Cụ thể: Thứ nhất, các cặp đôi như các Tập đoàn, Tổng công ty có công ty tài chính đều phải thoái vốn và bán lại. Thứ hai, không cho phép Tổng giám đốc, Chủ tịch Tập đoàn của công ty đồng thời làm Chủ tịch hoặc Tổng giám đốc của ngân hàng. Thứ ba, Tổng công ty hay Tập đoàn sở hữu một nguồn vốn nào đó ở trong ngân hàng cũng phải thoái vốn và ngược lại ở phía ngân hàng cũng tương tự.
Tất nhiên nếu có tình trạng sở hữu chéo sẽ tạo ra hiện tượng lợi ích nhóm giữa các bên và đặc biệt là méo mó về phân bổ vốn, tác động tiêu cực đến hoạt động của cả hai lĩnh vực.
Có thể bạn quan tâm
BẤT ĐỘNG SẢN CUỐI TUẦN: 3 chu kỳ "sốt đất" dưới góc nhìn của một doanh nhân bất động sản kỳ cựu
05:00, 04/04/2021
Bất động sản công nghiệp: “Đại bàng” đâu chỉ cần “ổ”
09:00, 03/04/2021
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: Tín dụng cho bất động sản tăng nhanh
21:04, 31/03/2021
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Tín dụng cho bất động sản được kiểm soát chặt chẽ
19:40, 31/03/2021
[GIẢI MÃ CƠN SỐT ĐẤT]: 7 dòng tiền lớn đang đổ vào bất động sản
07:00, 31/03/2021
[SỐT ĐẤT TẠI CÁC ĐIỂM NÓNG]: Nên kiểm soát cho vay tín dụng bất động sản
11:00, 30/03/2021