Nhiều chuyên gia cho rằng, với tác nhân chính là Trung Quốc, viễn cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể sẽ không còn tồn tại theo mô hình hiện nay.
Vấn đề này cũng đã làm nóng Hội thảo "Điểm giao thoa Đông Bắc Á và Đông Nam Á: Các cường quốc, sự mất trật tự toàn cầu và tương lai của Châu Á" do Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) tổ chức mới đây.
"Con ngựa thành Troa"
ASEAN được coi là biểu tượng cho hợp tác và liên kết khu vực. Nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN vốn được nhìn nhận như một bản sắc đặc thù của khối này và được đặt cho những biệt danh như "Con đường ASEAN " hay "Phương cách ASEAN”. Tuy nhiên, nguyên tắc đồng thuận nói trên của ASEAN chưa được thể chế hoá cho lĩnh vực đối ngoại và an ninh. Vì thế, ASEAN chưa có được mức độ nhất thể hoá và thể chế hoá như Liên minh Châu Âu (EU).
Chừng nào Trung Quốc còn theo đuổi những ý đồ chiến lược của mình ở khu vực Đông Nam Á, bất chấp luật pháp quốc tế và lợi ích hợp pháp của các quốc gia, thì chừng ấy ASEAN sẽ vẫn còn bị phân hoá nội bộ.
Cho đến nay, ASEAN đã và đang tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài khu vực, và thực tiễn cho thấy Trung Quốc đã và đang chủ trương gây phân rẽ nội bộ ASEAN để phục vụ cho mưu tính lợi ích riêng của mình.
Sở dĩ Trung Quốc hành động như vậy là do muốn theo đuổi những mưu tính chiến lược lâu dài ở khu vực Đông Nam Á nói chung và ở khu vực Biển Đông nói riêng. Hơn nữa, quốc gia này cũng muốn tận dụng thời cơ khi ASEAN chưa có được sự thống nhất quan điểm thật sự, cũng như chưa có mức độ phối hợp hành động hiệu quả với các đối tác bên ngoài.
Trung Quốc thường thực thi cái gọi là "chiến lược kép" với ASEAN, cụ thể là vừa phô trương thúc đẩy quan hệ hợp tác với ASEAN, vừa kín đáo tranh thủ và lôi kéo một số thành viên ASEAN thực hiện theo ý đồ chiến lược của mình. Viện trợ tài chính, tín dụng đầu tư, xây tặng những công trình lớn, không lên tiếng phê phán hay chỉ trích công khai chuyện nội bộ.. là những động thái thường thấy nhất của Trung Quốc nhằm lôi kéo một số nước trong khu vực vào phạm vi ảnh hưởng của họ. Bằng chiến lược hành động này, Trung Quốc đã dần gây dựng được những kiểu "Con ngựa thành Troa" ở bên trong ASEAN.
Có thể bạn quan tâm
07:15, 12/12/2019
10:22, 06/09/2019
05:31, 27/05/2019
15:02, 21/04/2019
07:42, 12/04/2017
Hóa giải thách thức
Cả mọi thành viên ASEAN lẫn các đối tác bên ngoài đều không hề lạ Trung Quốc đã và đang gây chia rẽ khu vực này như thế nào. Tuy nhiên, vì giác độ lợi ích cuả từng quốc gia, điều này không những không bị các quốc gia có liên quan lên án, mà còn giúp Trung Quốc được hưởng lợi nhiều hơn trong tình thế "đục nước béo cò" và "toạ sơn quan hổ đấu". Chừng nào Trung Quốc còn theo đuổi những ý đồ chiến lược của mình ở khu vực này bất chấp luật pháp quốc tế và xâm hại lợi ích hợp pháp chính đáng của các quốc gia trong khu vực, thì chừng ấy ASEAN sẽ vẫn còn bị phân hoá nội bộ.
Ở đây cần phải phân biệt rõ ràng hai khía cạnh. ASEAN được bên ngoài coi trọng và cả trong tương lai cũng sẽ vẫn còn như vậy. Trung Quốc càng có lợi từ quan hệ hợp tác với ASEAN nếu khu vực này càng phát triển thành công. Gây phân rẽ nội bộ ASEAN nhằm làm cho khối này bị suy yếu không phải là mục đích của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc có lợi ích khi ASEAN bị suy yếu trong những trường hợp mà các quốc gia ASEAN tìm cách ngăn cản quốc gia này thực hiện được những ý đồ và mưu tính lợi ích riêng của họ ở khu vực này.
Đối với ASEAN, tình trạng chia rẽ chỉ có thể được ngăn ngừa khi tất cả các nước trong khu vực đều có ý thức và trách nhiệm hành động sao cho bên ngoài không có cơ hội và khả năng gây phân rẽ ASEAN và khu vực, phải lưu ý thoả đáng đến lợi ích chung của ASEAN, chứ không nên vì lợi ích riêng lẻ của từng quốc gia thành viên.