Việc Mỹ cấm nhiều quốc gia nhập khẩu dầu mỏ từ Iran- quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 trong OPEC, có thể đẩy giá dầu tăng mạnh.
Chính phủ Mỹ mới đây đã tuyên bố không kéo dài thời hạn hiệu lực của quy định miễn trừ nhập khẩu dầu mỏ của Iran sau ngày 2/5/2019 đối với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Hy Lạp, Nhật Bản và Đài Loan.
Toan tính của Mỹ
Còn nhớ đầu tháng 11/2018, chính phủ Mỹ đã áp dụng biện pháp trừng phạt đối với những đối tác nhập khẩu dầu mỏ của Iran nhằm triệt hạ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia này, khiến Iran không những không có tiền chi cho chương trình hạt nhân, mà còn gặp khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội đến mức dân chúng bất bình với chính quyền và nổi dậy chống chính quyền. Sách lược này của Mỹ nhằm buộc Iran phải chấp nhận đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân của Iran sau khi Mỹ đơn phương lật ngược thoả thuận đã ký kết với Iran và 4 nước khác về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran năm 2015.
Có thể bạn quan tâm
15:00, 30/12/2018
11:00, 21/12/2018
21:07, 07/12/2018
03:30, 11/11/2018
Chính sách này của Mỹ đã làm Iran phải giảm xuất khẩu dầu mỏ từ hơn 2,5 triệu thùng/ngày xuống còn dưới 1 triệu thùng/ngày. Quyết định này được chính phủ Mỹ đưa ra vào thời điểm chiến sự bùng phát ở Libya và tình hình bất ổn ở Venezuela tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, nguồn cung ứng dầu mỏ cho thị trường có thể sẽ giảm mạnh hơn nữa, khiến giá dầu mỏ tăng cao, tuy chưa phá kỷ lục hơn 86USD/thùng hồi tháng 10 năm ngoái, nhưng có thời điểm đã xấp xỉ 75USD/thùng.
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu Mỹ tiếp tục gây sức ép với Iran, thì nước này chắc chắn sẽ đóng eo biển Hormuz- tuyến đường biển vận chuyển khoảng 1/3 sản lượng dầu thế giới, khiến giá dầu tăng mạnh.
Trên thực tế, Mỹ muốn gây khó cho Iran bằng cách triệt hạ xuất khẩu dầu của nước này nhưng lại không muốn giá dầu tăng cao, bởi giá dầu tăng sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Mục đích của Tổng thống Trump vừa không để cho Iran có thể xuất khẩu dầu, vừa thúc ép các đối tác và đồng minh của Mỹ trong OPEC tăng khối lượng xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, các thành viên OPEC và một số nước không phải thành viên OPEC đã có thoả thuận không tự động tăng sản lượng xuất khẩu dầu. Bởi vậy, quyết định này của Mỹ sẽ làm giảm nguồn cung, đó là chưa kể nhiều khả năng Iran sẽ đóng eo biển Hormuz- tuyến đường biển vận chuyển khoảng hơn 1/3 sản lượng dầu mỏ thế giới mỗi ngày. Điều này chắc chắn sẽ đẩy giá dầu tăng cao hơn nữa.
Bài học cho các quốc gia
Trong số 5 nền kinh tế bị tác động trực tiếp nói trên thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chắc sẽ không muốn gây thêm rắc rối với Mỹ. Ấn Độ có thể không đáp ứng yêu cầu của Mỹ ngừng nhập khẩu dầu của Iran. Bởi từ trước đến nay, Ấn Độ luôn tìm ra cách lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran để duy trì quan hệ hợp tác với Iran và tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ từ nước này. Chỉ riêng Trung Quốc chắc chắn sẽ không đáp ứng yêu cầu nói trên của Mỹ, hoặc nếu có thì cũng chỉ trong chừng mực nhất định bởi dầu mỏ của Iran đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc cũng muốn giữ thể diện quốc gia và vị thế của mình trên trường quốc tế. Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc lại đang tiến hành đàm phán thương mại từ nhiều tháng nay, nên Trung Quốc có cớ đàm phán với Mỹ.
Có thể rút ra được từ chuyện này ba điều rất quan trọng đối với các nền kinh tế trên thế giới trong hoạch định và thực hiện đối sách. Thứ nhất, chính quyền Trump đối địch Iran bằng mọi giá và sẽ còn khiến các đối tác của Mỹ bị “vạ lây” trong thời gian dài. Bởi vậy, các nền kinh tế phải có đối sách thích hợp cho cả hiện tại lẫn về lâu dài, trong đó tìm kiếm thoả thuận song phương với Mỹ là một trong những giải pháp cần tính tới, đồng thời phải tìm cách giảm mức độ lệ thuộc vào đồng USD trong thanh toán quốc tế. Thứ hai, giá dầu mỏ thế giới trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động khó lường. Thứ ba, biện pháp chính sách này của Mỹ gây bất lợi lớn cho tăng trưởng kinh tế thế giới, làm cho xung đột thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế khác gia tăng. Điều này sẽ làm gia tăng bất ổn về môi trường kinh tế đối ngoại trong dài hạn.