Tham vọng xây dựng đô thị có quy mô 15.000 ha quanh sân bay Long Thành trong khi bài toán về thu hút người dân tới định cư vẫn đang bỏ ngỏ cho thấy nguy cơ đô thị “ma” bủa vây.
Với tổng vốn đầu tư dự kiến 16 tỷ USD trên diện tích 5.000 ha, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tham vọng xây dựng sân bay Long Thành trở thành cảng hàng không tầm cỡ quốc tế, tương đương với cảng Incheon Hàn Quốc hay cảng Hong Kong.
Theo đó, đơn vị này triển khai mô hình thành phố sân bay, dịch vụ vận chuyển hàng không làm trung tâm để hình thành và phát triển các trung tâm công nghiệp, logistics, dịch vụ thương mại, đồng bộ như một đô thị nhưng không phát triển về khu dân cư.
Thay vào đó, để tận dụng nguồn lực từ kinh tế sân bay, khu vực 15.000 ha của vùng 2 sân bay sẽ được quy hoạch thành các khu đô thị, cụm đô thị vệ tinh với các khu dân cư hiện hữu, đô thị thông minh.
Có thể thấy tham vọng của Đồng Nai với sân bay Long Thành thực sự lớn. Tuy nhiên, theo TS Dương Như Hùng - Trưởng khoa Quản lý Công nghiệp, ĐH Bách khoa TP.HCM, với quy mô phục vụ 100 triệu hành khách/năm, sẽ cần khoảng 100.000 nhân viên làm việc hàng ngày tại sân bay Long Thành. Nhu cầu nhà ở, đô thị thiết yếu nhất hiện là để phục vụ 100.000 nghìn người lao động này.
Thế nhưng, đáng nói với quy hoạch vùng 2 lên tới 15.000 ha, đối chiếu theo diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019, số diện tích này sẽ phục vụ chỗ ở lên tới 6 triệu người. Hay chiếu từ quy hoạch tổng thể 1/500 của dự án Century City Sân Bay Long Thành được phê duyệt ngày 27/4/2020.
Với tổng diện tích dự án 49,8 ha, quy mô dân số được phê duyệt tối đa 10.000 người. Như vậy, với tỷ lệ trên, quy mô 15.000 ha sẽ cung cấp chỗ ở lên tới hơn 3 triệu người.
Dễ thấy, với con số dễ thở hơn là 3 triệu người người dường như vẫn đang cách quá xa với tình hình thực tế sau khi sân bay Long Thành đi vào vận hành.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc chuẩn bị một đại đô thị sân bay với quy mô 15.000 ha là quá sớm, bởi hiện tại việc xây dựng sân bay Long Thành vẫn chưa ai chắc được bao giờ sẽ hoàn thành.
Hơn hết, đô thị sân bay cũng chịu nhiều tác động như ô nhiễm tiếng ồn, cách xa khu trung tâm, hệ thống hạ tầng chưa hoàn thiện. Để thu hút con số hàng triệu người về đây sinh sống, định cư là rất khó, và nếu không thu hút được cư dân thì viễn cảnh đại đô thị “ma” rất dễ diễn ra.
Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, việc đô thị đi trước sân bay cũng sẽ gây hậu quả lớn như việc xuất hiện đầu cơ đất, thổi giá, gây khó khăn trong quá trình triển khai, giải phóng mặt bằng, xây dựng sân bay.
Thực tế, từ hơn 20 năm trước, tỉnh Đồng Nai cũng đã từng ôm tham vọng biến huyện Nhơn Trạch với diện tích 8.000 ha thành đô thị loại II, đồng thời là đô thị vệ tinh của TP.HCM vào năm 2020. Thế nhưng sau ngần ấy năm, trải qua bao cuộc sốt đất, khủng hoảng, Nhơn Trạch vẫn chỉ là một “đô thị ma” không hơn không kém.
Cụ thể, mượn danh đô thị vệ tinh TP.HCM, những năm qua mỗi khi có thông tin xôn xao về công trình hạ tầng kết nối giữa Nhơn Trạch và TP.HCM như xây cầu nối quận 9 – Nhơn Trạch năm 2006, sân bay quốc tế Long Thành 2014, hay cầu Cát Lái 2016,.. khiến thị trường Nhơn Trạch lạo lập tức “sốt ảo”.
Tại Nhơn Trạch, dễ bắt gặp những biệt thự, nhà phố bỏ hoang lác đác, những dự án quây tôn cùng mưa nắng không có dấu hiệu thi công.
Theo đánh giá của các kiến trúc sư, Nhơn Trạch là điển hình cho kiểu phát triển đô thị đi trước hạ tầng, và là bài học cho những đô thị phát triển sau này, nhất là khu đô thị quanh sân bay Long Thành.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 20/06/2020
18:23, 15/06/2020
06:00, 15/06/2020
01:00, 13/06/2020