Tính chất phức tạp và mức độ lây lan nhanh chóng khiến dịch tả lợn châu Phi mỗi khi xuất hiện sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi, thậm chí gây khủng hoảng thị trường.
Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) vừa phát đi thông báo việc phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Theo đó, hơn 200 con lợn đã được cơ quan thú y xác nhận mắc bệnh và tiến hành tiêu huỷ tại Hưng Yên và Thái Bình.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện không có thuốc chữa, lợn mắc bệnh có tỷ lệ chết 100% ở tất cả các loại lợn con, lợn choai, lợn thịt. Cũng bởi tính chất phức tạp và mức độ lây lan của dịch bệnh này, mà mỗi khi xuất hiện ở đâu, dịch tả lợn châu Phi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi tại khu vực đó.
Chính bởi điều này, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện có thể sẽ gây ảnh hưởng tới tâm lý người chăn nuôi, nguy cơ khủng hoảng thị trường thịt lợn. Nói như ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi lợn tỉnh Đồng Nai, bán tháo là cách để bảo vệ đồng vốn của người chăn nuôi nhưng bán tháo lợn khỏe là một chuyện, còn nếu là lợn bệnh thì là một mối nguy cho ngành chăn nuôi.
“Người nông dân không nên quá sốt ruột, hoang mang làm náo loạn thị trường. Những ngày này nếu bán tháo thì giá sẽ xuống vì với người chăn nuôi, giá nào cũng sẽ bán và đối với thương lái thì đây là cơ hội để họ ép giá”, ông Đoán khuyến nghị.
Vì vậy, người chăn nuôi cần tỉnh táo, theo dõi sát tin tức, tuân thủ qui định và hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương để có quyết định đúng đắn nhất.
Theo ông Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng Dịch tễ Cục Thú y cho biết, tại Hưng Yên có 2 ổ dịch với hơn 130 con lợn. Tại Thái Bình, có một ổ dịch với 123 con lợn. "Ngay sau khi phát hiện, toàn bộ số lợn mắc bệnh đã được tiêu hủy. Chính quyền địa phương lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, các sản phẩm thịt lợn, đồng thời khử trùng toàn bộ môi trường khu vực chăn nuôi, các chợ dân sinh", ông nói.
Cục Thú y đã lấy hàng trăm mẫu phân tích đối với các đàn lợn ở khu vực xung quanh ổ dịch được phát hiện và đang chờ kết quả chính thức.
"Giống như bệnh dịch tả truyền thống, dịch tả lợn châu Phi là loại bệnh đặc chủng trên đàn lợn, không lây bệnh cho động vật khác và không ảnh hưởng sức khỏe, lây bệnh sang con người", Cục trưởng Thú y Phạm Văn Đông cho biết.
Cũng theo Cục trưởng Thú y, hiện đã có chính sách hỗ trợ đền bù thiệt hại cho người chăn nuôi nếu đàn lợn bị tiêu hủy, với mức giá chung là 38.000 đồng mỗi kg. Khi phát hiện lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người dân khai báo đến chính quyền, cơ quan thú y địa phương để được hỗ trợ xử lý dịch bệnh cũng như hưởng chính sách đền bù. Tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh, không tự ý vứt xác lợn chết ra môi trường.
Có thể bạn quan tâm
07:35, 28/10/2018
11:51, 01/10/2018
19:14, 28/09/2018
12:00, 14/09/2018
Thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.
Dịch tả lợn châu Phi một khi xuất hiện sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi tại khu vực đó.
Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ DTLCP xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. Mặc dù con số này chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng sản lượng đàn heo 600 triệu con mỗi năm của Trung Quốc, nhưng vẫn tác động lớn tới nguồn cung và giá trên thị trường heo hơi.
Thậm chí, theo đánh giá, năm Kỷ Hợi có thể sẽ chính là một năm khủng hoảng của thị trường thịt lợn Trung Quốc – trị giá tới 128 tỷ USD.
Có nguy cơ nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc sẽ tăng vọt nếu dịch bệnh chưa được khống chế. Hiện nhiều trang trại lợn ở Trung Quốc đã đến kỳ xuất chuồng nhưng không thể bán được vì lệnh cấm vận chuyển ra ngoài tỉnh. Miền Nam Trung Quốc trở nên thiếu thịt lợn nghiêm trọng.
Theo tính toán của Rabobank, trong trường hợp xấu nhất, người chăn nuôi lợn ở Trung Quốc có thể cắt giảm 20% số lợn nuôi trong năm 2018, tương đương khoảng 140 triệu con (nếu tính theo số lợn giết mổ năm 2017).
Nguy hiểm hơn nữa, nhiều nhà chăn nuôi thịt cả lợn nái, tức là việc tái đàn trong tương lai sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc gần đây cũng đã giảm mạnh vì người chăn nuôi tăng cường giết mổ để tránh việc lợn bị nhiễm bệnh, khiến nguồn cung thịt tăng đột biến. Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn nước này, đến giữa tháng 12/2018, giá thịt lợn tại các tỉnh phía Đông Bắc đã giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, còn ở phía Bắc giảm 15%.
Bộ NN&PTNT đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Ban, ngành liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu heo và các sản phẩm của heo từ nước ngoài vào Việt Nam; tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển heo và sản phẩm heo bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc qua biên giới, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới. Đồng thời, tăng cường theo dõi, giám sát đàn heo tại địa phương. Ngoài ra, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh tại các cửa khẩu và địa bàn có nguy cơ cao. Cùng với đó, các địa phương như TP HCM, Lào Cai, Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên đã ban hành kế hoạch ứng phó dịch, cùng với chủ động dự trù nơi tiêu hủy, chôn, đốt heo và sản phẩm heo khi cần thiết, đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn. Dù vừa xuất hiện tại Thái Bình và Hưng Yên nhưng đã có tới 8 ổ dịch. Như vậy có thể thấy sự phức tạp và mức độ lây lan của dịch bệnh. Với việc hiện vẫn chưa có vacxin để bảo vệ động vật, các nhà nghiên cứu cho biết loại virus này - có thể tồn tại hơn một năm trong hịt heo muối. Dịch bệnh cũng dễ bị lây nhiễm khi heo tiếp xúc với không khí, bụi, thức ăn nhiễm virus ASF. |