Tài sản quý giá của ĐBSCL cần được nhìn nhận đúng như bản chất của nó, đặc biệt là tiềm lực vô hạn của con người trong việc biến những điều không thể thành có thể.
>> NGUY CƠ LỚN CỦA ĐBSCL: Trữ nước ngọt dưới lòng đất Đồng bằng sông Cửu Long
Hiện nay ĐBSCL được đánh giá là đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn, lũ lụt, sụp lún và sạt lở, triều cường, thay đổi mạch nước ngầm, các quốc gia thượng nguồn xây đập để phát triển kinh tế và năng lượng. Bài viết này sẽ tiếp cận theo hướng thay đổi tích cực cũng như nhìn nhận hạt giống tiềm năng và cơ hội từ những thách thức mà thiên nhiên mang lại. Napoleon Hill – Think & Grow Rich cho rằng “Mỗi nghịch cảnh, thất bại hay đau khổ đều mang trong nó hạt giống của những lợi ích tương đương hoặc lớn hơn”.
Diễn đàn Kinh doanh Đồng bằng sông Cửu Long do Cơ quan đại diện ngoại giao Hà Lan tại Việt Nam phối hợp với VCCI Cần Thơ và Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam tổ chức.
Điều kiện tự nhiên đang chuyển biến khó khăn là điều cản trở hay là một phép thử cho sức sáng tạo và giải phóng tiềm năng của con người? Những hạt giống tiềm năng sau sẽ giúp ĐBSCL phát triển theo hướng bền vững và thuận thiên trong tương lai.
Cộng đồng dân cư địa phương ở vùng ĐBSCL có một khả năng thích ứng cực kỳ nhanh nhạy, tự chủ và sáng tạo. Từ đó, họ dễ dàng trong việc tìm giải pháp một cách sáng tạo để thích nghi với các tình huống bất thường và điều kiện tự nhiên thay đổi.
Ông Nguyễn Phương Lam, giám đốc VCCI Cần Thơ đã trình bày về tiềm năng và cơ hội đầu tư tại diễn đàn. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan đều có chung nhận định là BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho cộng đồng tại ĐBSCL cũng như tin tưởng vào khả năng cải thiện năng suất lao động tại khu vực.
Cụ thể, các mô hình nông nghiệp thông minh và thuận thiên như chuyển đổi hoặc linh hoạt kết hợp thuận theo điều kiện tự nhiên trong các mùa vụ. Có thể kể đến như kết hợp lúa + tôm, hoa màu + lúa, ớt + lúa, cá – lúa, lúa - vịt - cá đồng, thanh long, nấm rơm, nấm bào ngư, làm biogas tại hộ gia đình kết hợp nuôi cá sặc rằn, ủ phân hữu cỡ từ phụ phẩm cây trồng, trồng rừng phòng hộ kết hợp nuôi tôm dưới tán rừng, chủ động chứa nước ngọt, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng mặt trời, công nghệ tưới tiết kiệm nước và hàng loạt các mô hình thông minh khác.
Đặc biệt, các mô hình đã chứng minh được lợi ích về kinh tế, mang lại giá trị lợi tức; xã hội - tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ và người khuyết tật; môi trường – cải thiện và giảm thiểu tác động đến môi trường. Mà đây là ba yếu tố cốt lõi trong phát triển theo hướng bền vững và theo hướng thuận thiên.
ĐBSCL có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo. Sự gia tăng đáng kể về nhiệt độ, nắng nóng kéo dài hơn, nước biển dâng, sóng biển ngày càng mạnh, gió mùa Tây Nam và Đông Bắc được đánh giá là những lợi thế ở vùng đất này. Đây là một trong những vấn đề quan trọng, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng an ninh năng lượng như hiện nay thì ĐBSCL mang trong mình một tài sản rất lớn.
Hà Lan đã đầu tư khoảng 50 triệu USD từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân cho các dự án và sáng kiến tại khu vực này, trong đó có dự án chuyển đổi rác thải nông nghiệp thành năng lượng ở tỉnh Hậu Giang. Tiềm năng về năng lượng có được tận dụng tốt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, chính sách thu hút đầu tư, quản lý và chia sẻ lợi nhuận giữa các bên trong việc đầu tư khai thác và chia sẻ lợi nhuận từ việc khai thác năng lượng tái tạo là những yếu tố tiên quyết.
>> Cần chính sách "đột phá" thu hút nhà đầu tư logistics vào vùng ĐBSCL
Các lĩnh vực tiềm năng đang thu hút được nhiều đầu tư và mang lại giá trị kinh tế, có thể kể đến như: Công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu sản xuất, giảm tác động môi trường, công nghệ giám sát, quan trắc thời tiết, cảnh báo thiên tai sớm kết nối Internet of Things giúp xử lý thông tin và hoạt động 24/7; công nghệ cảm biến, tưới tiêu tự động. Điều này giúp tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thuỷ hải sản mà vẫn hài hoà với môi trường.
Xu hướng tất yếu và địa hình đặc trưng mang lại cơ hội cho vùng đất Chín Rồng là phát triển đô thị xanh và thông minh, nông nghiệp xanh và thông minh. Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công có phát biểu tại diễn đàn về khả năng chuyển đổi nông nghiệp hiệu quả nhờ vào hoạt động quản lý nguồn nước và công nghệ liên quan đến phát triển nông nghiệp. Lĩnh vực nông nghiệp xanh và thông minh đảm bảo sự phát triển bền vững cho những con rồng.
ĐBSCL là một vùng đất khá bằng phẳng với hệ thống sông ngòi dày đặc. Hệ thống bao gồm hơn 15.000 km đường chính, kênh cấp 1, gần 27.000 km kênh cấp 2 và khoảng 50.000 km kênh cấp 3. Diện tích gần 4 triệu ha (12,2% diện tích cả nước) với 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và 700 ngàn ha đất nuôi trồng thuỷ sản.
Dân số gần 18 triệu người (19% dân số Việt Nam), đóng góp 20% GDP cả nước. Sản xuất lúa gạo chiếm 90% sản lượng xuất khẩu, trung tâm trái cây và đầu mối thuỷ hải sản của cả nước.
Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Phương Lam có trình bày kết quả khảo sát cho thấy 42,6% doanh nghiệp tại ĐBSCL mong muốn hợp tác trong hoạt động tiếp vận, 25,5% về cơ hội mua bán sản phẩm nuôi trồng thuỷ hải sản và 14,5% quan tâm về công nghệ xử lý đất, nước từ Hà Lan.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Hà Lan mong muốn hợp tác đầu tư tại ĐBSCL trong các lĩnh vực: 40% quan tâm đến các ngành sợi, kéo, than hoạt tính, dây, dược phẩm; 30% mong muốn hợp tác lĩnh vực nông sản; 20% là ngành lương thực thực phẩm; 10% quan tâm các lĩnh vực logistics, cơ khí, da giày, máy móc.
Từ đây cho thấy tiềm năng về cơ hội hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực logistics, nông nghiệp công nghệ cao và lương thực thực phẩm giữa hai nước.
>> Giải bài toán phát triển cảng biển và logistics của ĐBSCL
Các bên, nông dân - doanh nghiệp - chính quyền - nhà nghiên cứu - tổ chức phi chính phủ, có sự phối hợp và tham gia tích cực tại Việt Nam và quốc tế trong việc tìm kiếm các giải pháp, mô hình, công trình nghiên cứu, hỗ trợ tài chính, ban hành và thực thi chính sách, thường xuyên kiểm tra đôn đốc và giám sát các hoạt động mang tính chiến lược tại ĐBSCL.
Bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam nhấn mạnh trong phần phát biểu tại diễn đàn về tầm quan trọng của việc tính tích hợp, liên ngành và thuận thiên trong quá trình hành động để đảm bảo sự phát triển bền vững của ĐBSCL. Chính hạt giống này giúp cho ĐBSCL có những bước đi đúng đắn và chắc chắn trong việc thích nghi với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ tác động đến môi trường tự nhiên.
Những con rồng sẽ được đánh thức mạnh mẽ trong tương lai. Tài sản quý giá của ĐBSCL cần được nhìn nhận đúng như bản chất của nó, đặc biệt là tiềm lực vô hạn của con người trong việc biến những điều không thể thành có thể.
ĐBSCL có được sự giúp sức đặc biệt của Hà Lan - quốc gia trị thuỷ hàng đầu thế giới thông qua Kế hoạch Đồng bằng Sông Cửu Long - Mekong Delta Plan. Trong đó, kế hoạch giúp chuyển đổi nông nghiệp ở ĐBSCL ở bốn lĩnh vực: trồng trọt và nguyên liệu ban đầu, nông nghiệp và thực phẩm, nước và hàng hải, tiếp vận.
Quốc gia này có thể phát triển thịnh vượng dưới mực nước biển với khẩu hiệu “Chúa đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hà Lan đã tạo ra đất nước Hà Lan”. Đó là một câu nói nổi tiếng và đúng nhất của tỉnh Flevoland. Trong thế kỷ 20, mảnh đất này được tạo ra từ biển. Vì thế, tương lai của ĐBSCL cũng sẽ rất tiềm năng. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ ở phần thảo luận cuối cùng tại diễn đàn cũng nhấn mạnh về tư duy chiến lược đúng đắn, đặc biệt là từ các cấp lãnh đạo và doanh nghiệp là yếu tố quyết định trong việc phát huy được những tiềm năng của vùng đất Chín Rồng.
Có thể bạn quan tâm