Kiếm thu nhập “khủng” từ những vườn cam, nhiều nông dân Hà Tĩnh đã đua nhau mở rộng diện tích trồng cây ăn quả này.
Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt, tự phát đã và đang khiến cây cam đứng trước nguy cơ “vỡ trận”…
Trong nhiều năm nay, cam trở thành giống “cây tỷ phú” bởi loại cây này mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân các huyện miền núi Hà Tĩnh.
Cách đây 5 năm, người trồng cam ở vùng Thượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) vui mừng bởi giá cam Thượng Lộc trung bình từ 60.000 – 80.000 đồng/kg, thậm chí giá cam ở thời điểm Tết lên đến 140.000 đồng/kg. Thương lái vào tận vườn cam thu mua, nhưng người dân không có cam để bán.
Thấy được hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà… đã đổ xô trồng cam với diện tích lớn. Theo đó, một số cây kinh tế bị đốn hạ nhường chỗ cho gốc cam mọc lên trên các sườn đồi, thậm chí người dân phá bỏ hàng trăm hecta keo, tràm chuyển sang trồng cam.
Đến nay, Hà Tĩnh có hơn 6.000 ha diện tích trồng cam, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 4.000 ha, với năng suất trung bình đạt 10-12 tấn/ha, tổng sản lượng đạt gần 43.000 tấn. So với năm 2017, diện tích cam tăng gần 30% và tăng gấp 2,7 lần so với năm 2008.
Diện tích trồng cam tăng, sản lượng cũng tăng theo, tuy nhiên đầu ra chững lại, khiến giá cam tụt dốc chưa từng có. Đáng nói hơn, sự xuất hiện của những giống cam kém chất lượng được bày bán không kiểm soát, mang “mác” cam đặc sản đã ảnh hưởng đến những thương hiệu cam đã được bảo hộ. Ngoài những vùng cam chất lượng có giá 80.000 đồng/kg thì giá bán cam thông thường chỉ dao động từ 20.000 – 35.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm giá cam chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg.
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng tỉnh Hà Tĩnh cần kiểm tra, rà soát, có quy hoạch hợp lý để tập trung thâm canh, đầu tư chăm sóc nâng cao năng suất, chất lượng cam, thay vì ồ ạt mở rộng diện tích trồng cam. Nếu không, cam Hà Tĩnh sẽ bị “vỡ trận”, gây thiệt hại cho kinh tế tỉnh nói chung và bà con nông dân nói riêng.
Có thể bạn quan tâm