Vừa qua, Liên đoàn các nhà kinh doanh toàn Ấn (CAIT) kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc và kiến nghị áp thuế 500% đối với các mặt hàng này.
Sở dĩ CAIT đưa ra lời kêu gọi nói trên do Trung Quốc đã bày tỏ ủng hộ Pakistan trong phiên họp không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và phản đối quyết định của Ấn Độ bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir.
Căng thẳng leo thang
Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ có những căng thẳng nói trên, mà cũng đã có một số bất đồng trong đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Hiện Trung Quốc đang muốn đẩy mạnh đàm phán và ký kết RCEP vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, Ấn Độ lo ngại nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường và yêu cầu nới các quy tắc nhập cư đối với các chuyên gia công nghệ…
Ngoài ra, Trung Quốc không quá coi Ấn Độ là đối tác chủ chốt. Ngược lại, Ấn Độ luôn cảnh giác với gần như mọi thứ từ Trung Quốc, bao gồm cả sáng kiến “Vành đai và con đường” cùng hoạt động của hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, tham vọng Trung Quốc ở Biển Đông...
Các chuyên gia cho rằng, nếu Ấn Độ áp thuế 500% với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, có nguy cơ dẫn tới xung đột thương mại Trung- Ấn, đồng thời khiến RCEP sẽ bị trì hoãn.
Cơ hội cho Việt Nam
Nếu Ấn Độ quyết định áp thuế nói trên lên hàng hóa Trung Quốc, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, hiện nay Ấn Độ đang áp dụng mạnh các biện pháp phòng vệ thương mại với một số sản phẩm từ nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Vừa qua, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR, thuộc Bộ thương mại và Công nghiệp Ấn Độ) quyết định biên độ trợ cấp với các nhà sản xuất/xuất khẩu ống thép của Việt Nam là 0% - 11,96%.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 05/06/2019
11:00, 10/05/2019
11:15, 09/07/2018
11:06, 09/07/2018
Do đó, để chứng minh sản phẩm của mình không bán phá giá, không có sự hỗ trợ, ưu đãi từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp phải cung cấp tài liệu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất đến sản phẩm đầu ra theo yêu cầu từ phía Ấn Độ một cách minh bạch.
TS. Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới- Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng Trung-Ấn leo thang, Việt Nam cần chú trọng tăng cường quan hệ song phương với cả Trung Quốc và Ấn Độ. “Ấn Độ đang nhắm tới những cơ hội tăng cường thương mại dịch vụ với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam đàm phán thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ để hạn chế thấp nhất những rào cản cho doanh nghiệp Việt”, TS. Bùi Ngọc Sơn cho biết.