Định hướng phát triển năng lượng tái tạo tại Quy hoạch điện VIII phù hợp với nhu cầu tăng trưởng, song việc thực hiện gặp nhiều thách thức.
>>>Quy hoạch điện VIII và áp lực nhu cầu vốn để hiện thực hóa tham vọng xanh
Theo kịch bản được xây dựng tại Quy hoạch điện VIII, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7%/năm từ nay đến năm 2030 thì nhu cầu điện tăng trưởng tương ứng ở mức cao - 8,8%/năm. Trong đó, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời nhằm hướng đến thực hiện cam kết Net Zero và chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).
Theo tính toán, để thực hiện Quy hoạch điện VIII không chỉ cần số vốn lớn (khoảng 13,5 tỷ USD/năm) mà còn cần đẩy nhanh tiến độ bởi thời gian còn lại để triển khai không nhiều, nhất là với một số mục tiêu thách thức như phát triển điện gió ngoài khơi. Trong khi đó, quá trình thực hiện, doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Trao đổi về vấn đề, ông Nguyễn Việt Dũng - Phó Chủ tịch HĐQT công ty CP Halcom Việt Nam cho biết: Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và đây là nhu cầu tất yếu cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay chính sách phát triển chưa rõ ràng. Quy hoạch điện VIII được phê duyệt sau một thời gian dài, đến nay các doanh nghiệp đang chờ đợi hướng dẫn triển khai cụ thể. Công việc này càng kéo dài càng khó khăn cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tài chính, vòng quay của nguồn vốn.
Thời gian qua, theo ông Nguyễn Việt Dũng, qua làm việc với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, châu Âu hay khu vực Đông Nam Á, ngoài chính sách chung, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến chính sách hoặc ưu đãi khi tham gia đầu tư công nghệ xanh, năng lượng xanh. Trong khi đó, chính sách tín dụng xanh chưa có hướng dẫn cụ thể.
Từ thực tế tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng nước ngoài khi triển khai dự án với đối tác, ông Nguyễn Việt Dũng đánh giá, tín dụng xanh có lãi suất ưu đãi nhưng cái khó của doanh nghiệp là phải đáp ứng các điều kiện về môi trường, xã hội và phát triển bền vững.
Một nội dung khác mà các doanh nghiệp đang gặp khó là quy trình giải phóng mặt bằng lâu trong khi với các nhà đầu tư tư nhân, thời gian là rất quan trọng để chớp các cơ hội đầu tư. Với các dự án lớn nếu không có cơ chế nhanh để giải phóng mặt bằng sẽ khó đảm bảo tiến độ. Trong thời gian qua, dự án điện mặt trời nhanh nhất được công ty triển khai khoảng 6 tháng, dự án kéo dài hơn như điện gió mất khoảng 1 năm. Đây là tiến độ thực hiện nhanh so với tiến độ chung và đuổi kịp giá FIT, trong khi một số nhà đầu tư khác bị hụt do tiến độ chậm.
Chia sẻ tại toạ đàm về những thách thức và gợi ý chính sách triển khai Quy hoạch điện VIII mới đây, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc T&T Group đề cập đến những khó khăn tương tự. Đó là khung giá điện cho năng lượng tái tạo chưa có, khung giá chuyển tiếp thấp hơn hẳn so với giá FIT. Bên cạnh đó, những thay đổi trong cơ chế giá và bao tiêu sản lượng khiến cho doanh nghiệp băn khoăn về cơ chế giá cho các dự án sắp tới hay cơ chế để tư nhân tham gia vào truyền tải chưa rõ ràng và quy định về hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) chưa có.
Với các dự án điện gió, dự thảo kế hoạch thực hiện đang gộp điện gió trên bờ và gần bờ thành một loại hình dự án trong khi đặc tính, đặc điểm của 2 loại hình này không giống nhau về môi trường đầu tư, chi phí lắp đặt, giá thành điện quy dẫn (LCOE) và điều kiện vận hành.
Theo Quy hoạch điện VIII, mục tiêu phát triển điện gió đạt 27.880 MW vào năm 2030, trong đó điện gió ngoài khơi là 6.000 MW và điện gió trên bờ là 21.880 MW. Đây là quy mô khá lớn trong khi thời gian thực hiện còn lại là 7 năm khiến cho mục tiêu đưa ra khá thách thức, nhất là về tiến độ thực hiện điện gió ngoài khơi.
Đồng quan điểm, ông Stuart Livesey - Tổng giám đốc COP Việt Nam và điện gió La Gan cho rằng, mục tiêu thực hiện 6.000 MW điện gió ngoài khơi (không bao gồm xuất khẩu) vào năm 2030 khá tham vọng. Theo kinh nghiệm thực hiện của công ty, thời gian khảo sát một dự án điện gió ngoài khơi cần 2 - 3 năm. Sau đó, từ khảo sát đến vận hành mất 6 - 7 năm.
Để làm được mục tiêu trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - chuyên gia cao cấp năng lượng, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, Chính phủ nên giao Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế đấu thầu để đầu tư các dự án điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi. Từ đó chọn được các nhà thầu có đủ năng lực về vốn tài chính, đội ngũ kỹ thuật, dẫn tới giảm chi phí, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ các dự án nêu trên.
Các dự án điện gió ngoài khơi cần thời gian đầu tư xây dựng từ 6 đến 8 năm mới hoàn thành, nếu không sớm chọn được dự án và chủ đầu tư, sẽ rất khó thực hiện được quy mô điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 6.000 MW. Ngoài ra, cần có một mặt bằng giá mua điện hợp lý, thỏa thuận minh bạch vì điện gió ngoài khơi yêu cầu vốn lớn nên cần có ngân hàng bảo lãnh dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
Hiện thực hóa Quy hoạch điện VIII
00:10, 13/08/2023
Hiện thực hóa mục tiêu nhiệt điện LNG theo quy hoạch điện VIII: Cách nào?
13:00, 26/06/2023
Nghệ An: Dự án nhiệt điện tỷ đô bị loại khỏi quy hoạch điện VIII
00:50, 29/05/2023
"Hiệu ứng" Quy hoạch Điện VIII: Dòng tiền dồn về cổ phiếu ASM
05:02, 26/05/2023
Biển Đông trong chiến lược Quy hoạch điện VIII
05:00, 21/05/2023
Quy hoạch điện VIII: Cơ hội mở cho phát triển năng lượng tái tạo?
20:08, 16/05/2023
Nhóm ngành điện (kỳ 1): Cơ hội từ Quy hoạch Điện VIII và M&A
05:15, 16/05/2023
Nhóm ngành điện (kỳ 2): Doanh nghiệp và cổ phiếu triển vọng từ Quy hoạch Điện VIII
05:00, 17/05/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy hoạch điện VIII chính thức được ban hành
22:04, 15/05/2023
Các tổ chức quốc tế đề nghị Việt Nam sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII
10:00, 05/05/2023
Quy hoạch điện VIII dự kiến trình Thủ tướng vào trung tuần tháng 5
03:45, 24/04/2023
Gia Lai đề xuất đưa 135 dự án năng lượng tái tạo vào quy hoạch điện VIII
01:11, 23/11/2022