Toàn bộ thiết bị của Nhà máy Bột giấy Phương Nam đã không còn dùng được vào việc gì, do vậy tốt nhất là nên bán thanh lý, được đồng nào hay đồng ấy.
Ông Vũ Ngọc Bảo, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) thẳng thắn đưa ra quan điểm về việc xử lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, khi liên quan đến thông tin tại phiên họp lần thứ 13 của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương, hiện các phương án mới, mang tính khả thi hơn phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương để xử lý nhà máy này đang được nghiên cứu.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh Long An xây dựng báo cáo trình Chính phủ các phương án đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, gồm cả phương án bán đấu giá dự án.
Phương án thực hiện cổ phần hóa Tổng Công ty Giấy Việt Nam trong đó có cả dự án này và phương án điều chỉnh quy hoạch gắn với đấu giá dự án trước ngày 31/12. Phó Thủ tướng cũng lưu ý cơ sở pháp lý của từng phương án, vướng mắc, lộ trình xử lý...
Theo ông Bảo, dây chuyền thiết bị, công nghệ của Nhà máy Bột giấy Phương Nam do Áo sản xuất, nếu dùng đúng mục đích, thiết kế thì rất hiệu quả. Nhưng thiết bị này ở Việt Nam lại không dùng được vào việc gì do nguyên liệu khác.
"Công nghệ của Nhà máy Bột giấy Phương Nam được thiết kế cho một dạng nguyên liệu khác chứ không phải nguyên liệu có ở Việt Nam. Nếu Việt Nam nhập đúng nguyên liệu ấy về để sản xuất thì không có hiệu quả kinh tế, còn dùng nguyên liệu khác thì không đưa ra sản phẩm gì", ông Bảo nói.
Bình luận về Nhà máy Bột giấy Phương Nam, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh gọi dự án này là "độc nhất vô nhị" bởi nhà máy chưa hề thí nghiệm làm ra sản phẩm bột giấy. Đề xuất hướng xử lý dự án này, theo ông Thịnh, nên theo hướng hạn chế thiệt hại tới mức tối đa: bán đất, nhà xưởng, còn lại "xẻ thịt" nhà máy, phân loại máy móc, cái nào dùng được cho lĩnh vực gì và bán được thì bán, nếu không thì bán theo dạng sắt vụn.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang gây ra lãng phí đất đai, gây bức xúc trong dân khi hàng chục năm năm vẫn đình trệ, đội vốn lớn...
Hiện khoản đầu tư vào nhà máy trên 3.000 tỷ đồng, nguồn lực đất đai khoảng 43 ha. Theo quan điểm của tỉnh, nhà máy đã không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn.
Ông Út thông tin, huyện Thạch Hoá, nơi đặt nhà máy, được quy hoạch là đô thị sinh thái gắn với du lịch, nông nghiệp công nghệ cao. Do vậy, tỉnh có thể chuyển đổi quy hoạch nhà máy bột giấy này thành khu đô thị sinh thái với quy mô mở rộng lên hơn 100 ha.
Việc này cũng sẽ làm giảm rủi ro ô nhiễm môi trường khi nhà máy nằm ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ, có thể tác động đến nguồn nước của người dân Long An, TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang.
Trên thực tế, Nhà máy Bột giấy Phương Nam được xây dựng với mục tiêu sử dụng nguyên liệu đầu vào là cây đay, vì vậy thiết bị dây chuyền máy móc cũng được đầu tư trên cơ sở này. Tuy nhiên, vùng đay nhiên liệu tại địa phương èo uột, câu chuyện lo đầu vào cho Nhà máy Bột giấy Phương Nam là không dễ.
Một tổ khảo sát được thành lập với các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp giấy Việt Nam, chuyên gia của nhà thầu Andritz đã được mời sang nghiên cứu sự cố để khắc phục.
Đồng thời, Viện Công nghệ giấy và xenluylo cũng tổ chức nghiên cứu thay thế nguyên liệu sản xuất từ đay sang gỗ cứng. Nhưng tất cả các kết quả nghiên cứu này đều khẳng định, không có khả năng khắc phục được sự cố, không có hiệu quả về mặt kinh tế và không khả thi.
"Nếu muốn sản xuất bột từ gỗ và dăm mảnh trên cơ sở máy móc, công nghệ được đầu tư để sản xuất từ cây đay thì không thể làm được. Trường hợp vẫn muốn làm bột giấy từ đầu vào là gỗ, dăm mảnh thì phải đổi sang máy móc khác”, ông Bảo cho biết.
Có thể bạn quan tâm