Nhắm tới mục tiêu số hóa y tế

Nguyễn Long thực hiện 05/06/2019 11:21

Theo ông Đinh Văn Thuần – CEO CTCP Đầu tư và phát triển công nghệ số 1 Việt Nam, với ứng dụng EHRs, kho dữ liệu lưu trữ thông tin sức khoẻ của người dân được số hóa, hay thành ''y bạ điện tử''.

Ông Đinh Văn Thuần cho rằng, Việt Nam có tiềm năng to lớn trong số hóa ngành y tế, tạo cơ sở dữ liệu cho phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những thách thức.

- Cụ thể, đó là những thách thức nào, thưa ông?

Để có thể áp dụng AI ở Việt Nam là quá trình số hóa dữ liệu còn diễn ra chậm. Các bệnh viện vẫn sử dụng nhiều sổ sách trong khi bước đầu tiên để ứng dụng trí tuệ nhân tạo là cần phải có cơ sở dữ liệu số cấp quốc gia.

Trên thực tế, số hóa ngành y tế mang lại những lợi ích vô cùng to lớn, tuy nhiên, để thực hiện được điều này hoàn toàn không dễ, đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan liên quan, một lộ trình rõ ràng, cụ thể và sự chỉ đạo quyết liệt.

Các doanh nghiệp cũng đã có những cố gắng không ngừng trong việc ứng dụng số hóa. Có thể kể đến thẻ khám chữa bệnh thông minh, khoa khám bệnh thông minh, bệnh án điện tử…

  Do thói quen sử dụng các dịch vụ y tế truyền thống vẫn còn phổ biến nên khi chuyển sang những hình thức mới như chăm sóc sức khỏe online nhiều người vẫn tỏ ra e ngại. 

Nắm bắt được những thách thức trước mắt trong việc ứng dụng AI vào điều trị y tế, Bộ Y tế đã khuyến khích các bệnh viện trên cả nước cần chuẩn bị nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại để đáp ứng được việc cập nhật những hệ thống AI vào công tác khám chữa bệnh. Qua đó, đưa Đề án Y tế thông minh sớm đi vào thực tiễn. Sử dụng công nghệ tạo động lực, nhu cầu lưu giữ dữ liệu sức khỏe của mỗi cá nhân. Từng cá nhân cũng có quyền truy cập dữ liệu riêng của mình, quyền chuyển dữ liệu của họ sang một thực thể hoặc cá nhân khác và quyền phản đối việc xử lý dữ liệu của người bệnh.

- Với ứng dụng EHRs, ông có thể chỉ ra nó đã giải bài toán cải thiện chất lượng dịch vụ y tế ra sao tại Việt Nam?

Ứng dụng EHRs như một phòng khám trên tay. Tính ''số hóa'' của EHRs còn được thể hiện trong kho dữ liệu lưu trữ thông tin sức khoẻ của người dân, hay nói cách khác là ''y bạ điện tử''. Tất cả các thông tin về tình trạng sức khỏe và quá trình điều trị của người bệnh sẽ được lưu lại. Thay vì mất thời gian khám, xét nghiệm, các bác sĩ có thể chẩn đoán nhanh chóng dựa trên nền tảng dữ liệu về bệnh nhân đã có như tiền sử bệnh tật, lịch sử tiêm chủng, các kết quả khám chữa bệnh gần đây...

Với ứng dụng EHRs có 3 phiên bản chính sẽ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế qua các tính năng riêng phù hợp cho từng đối tượng của phiên bản như: bệnh viện, bác sĩ và bệnh nhân.

- Trong thời gian triển khai ứng dụng EHRs, doanh nghiệp ông gặp phải khó khăn gì, thưa ông?

Tại Việt Nam do thói quen sử dụng các dịch vụ y tế truyền thống vẫn còn phổ biến nên khi chuyển sang những hình thức mới như chăm sóc sức khỏe online nhiều người vẫn tỏ ra e ngại. Đây là 1 cũng là khó khăn chung với các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực mới khi thị trường đã quá quen với mô hình truyền thống.

Ngoài ra, vướng mắc bởi các rào cản pháp lý và tâm lý rất cao. Hiện các quy định về phạm vi tư vấn và các dịch vụ tư vấn qua cộng nghệ cao (xây dựng cơ chế kết nối, chia sẻ, khai thác và cung cấp thông tin giữa các đơn vị trong ngành y tế và giữa ngành Y tế với các ban ngành liên quan) vẫn chưa được làm rõ nên quá trình triển khai gặp không ít bỡ ngỡ. Chính phủ đang lỗ lực cải thiện công tác quản lý bằng việc áp dụng CNTT vào quản lý Chính phủ một cửa. Tuy nhiên, sự áp dụng đó vẫn chưa có sự đồng bộ đặc biệt là ngành y tế. Do vậy nếu tiếp tục nhận được sự đầu tư từ Chính phủ vào dịch vụ y tế thì sẽ mang lại hiệu quả rất lớn đối với công tác Chính phủ một cửa và ngành y tế.

Do tính chất phức tạp, lớn, đa chiều và siêu dữ liệu của thông tin thống kê nên cần thiết xây dựng một hệ thống mạnh, data center lớn (trung tâm dữ liệu).

Cuối cùng là hạn chế về vốn, chúng tôi bắt đầu bằng nguồn vốn tự có hạn hẹp, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hoặc kêu gọi các quỹ đầu tư lại rất thấp.

Doanh nghiệp chúng tôi mong muốn Nhà nước có các tiêu chí để startup được hưởng hỗ trợ, để khi tất cả các startup đáp ứng các tiêu chí này đều sẽ được tiếp cận các biện pháp hỗ trợ liên quan.

Và cuối cùng cần có một cơ quan đứng ra chịu trách nhiệm thực hiện việc hỗ trợ cho khởi nghiệp, và thống nhất đưa ra một quy trình thực hiện hỗ trợ cho cộng động start-up.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhắm tới mục tiêu số hóa y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO