Nhận diện hành vi lừa đảo dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp

Luật sư NGUYỄN NGỌC HÙNG - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối 10/10/2022 03:50

Dù được đánh giá đã mang lại nhiều tích cực cho nền kinh tế, là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp đang dần xuất hiện những mặt trái…

>>Khi Thiên Nga “gãy cánh” và chuyện các đại phú gia “nhúng chàm”

hihi

 Trái phiếu doanh nghiệp đang dần xuất hiện những mặt trái. Ảnh minh họa

Hiện nay, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực kinh tế như tài chính, chứng khoán, đầu tư, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp đã và đang làm nhức nhối dư luận xã hội với thủ đoạn hết sức tinh vi. Nhóm tội phạm trong lĩnh vực này đã lợi dụng triệt để sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để hoạt động phạm tội, gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.

Trước tiên cần hiểu trái phiếu là gì? theo khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành. Cụ thể, trái phiếu là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của công ty phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) một khoản tiền xác định. Vì thế đây là công cụ rất hữu hiệu của doanh nghiệp khi muốn huy động nguồn vốn từ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, không ít các doanh nghiệp đã lợi dụng phương thức huy động vốn bằng trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trục lợi, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư. Điển hình là vụ việc Công ty Tân Hoàng Minh bị Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ công an khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan hành vi phát hành trái phiếu. Vậy thì tại sao những công ty như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát lại bị khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”?

Đây có lẽ là thắc mắc nhiều người, liệu rằng có hình sự hóa mối quan hệ dân sự hay không? Dưới góc độ nghiên cứu pháp luật, chúng tôi cho rằng, không có chuyện hình sự hóa mối quan hệ dân sự trong vụ án như thế này. Đây là những vụ án mà hành vi, thủ đoạn hết sức tinh vi, thực hiện trên quy mô lớn, số tiền chiếm đoạt rất lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

>>Khơi thông kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp: Minh bạch thị trường

Thực tế nếu không xử lý nghiêm những vụ việc như thế này thì nguy cơ sẽ còn rất nhiều vụ việc tương tự mà hậu quả rất khó lường. Vì thế, để nhận diện và làm rõ hơn hành vi lừa đảo của các doanh nghiệp dưới hình thức phát hành trái phiếu thì chúng tôi cho rằng: Về hình thức giao dịch mua trái phiếu giữa doanh nghiệp và người mua trái phiếu được thực hiện hoàn toàn tự nguyện, nội dung ghi nhận rất rõ ràng về việc mua bán, kỳ hạn hoàn trả tiền, được bảo lãnh tài sản hoặc bên thứ 3 hoàn trả tiền (ngân hàng/ tổ chức tài chính).

Nếu nhìn vào sự thỏa thuận như trên rõ ràng nhiều người cùng chung suy nghĩ đó là giao dịch dân sự. Vậy thì hành vi có dấu hiệu lừa đảo ở đâu trong trường hợp này? Về cơ bản lừa đảo là hành vi dùng thủ đoạn gian dối, thông tin, tài liệu giả để chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Nhận diện về hành vi dấu hiệu lừa đảo của doanh nghiệp trong những vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu có thể thấy rằng: Khi doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn, trong hồ sơ có đưa ra đề án kinh doanh rất cụ thể, kế hoạch trả nợ, tài sản đảm bảo, bên bảo lãnh thanh toán.

Người mua trái phiếu cũng vì tin tưởng thông tin, tài liệu, cam kết trên của doanh nghiệp mới mua trái phiếu, hay nói cách khác nhà đầu tư mua trái phiếu vì tin tưởng rằng số tiền của mình được đầu tư vào đúng dự án như đã cam kết, tính thanh khoản được đảm bảo.

Nếu như số tiền mua trái phiếu được thực hiện đúng như cam kết thì vụ việc cũng chỉ là dân sự. Tuy nhiên, dấu hiệu gian dối thể hiện ở việc đề án kinh doanh không chính xác, các thông tin, cam kết đưa ra chỉ là hứa hẹn và không có. Ngay từ đầu, phía doanh nghiệp tự dựng hồ sơ lên để hợp thức hóa việc huy động vốn, tạo lòng tin cho người mua.

Bằng mọi cách, thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt đế khiến cho nhà đầu tư tin tưởng và mua trái phiếu. Ngày từ thời điểm huy động này thì tội phạm lừa đảo đã hoàn thành, đủ căn cứ để khởi tố hình sự. Một dấu hiệu nữa chứng minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đó là phía doanh nghiệp sau khi chiếm đoạt được tiền thì sử dụng vào mục đích khác như trả nợ hoặc sử dụng trái với mục đích ban đầu dẫn đến việc nợ, mất khả năng thanh toán, gây thất thoát, thiệt hại cho nhà đầu tư.

Rất nhiều doanh nghiệp với suy nghĩ rằng tiền đã vào tài khoản công ty thì việc làm gì, như thế nào là quyền của họ, miễn là họ trả nợ như đã cam kết dẫn đến tình trạng lợi dụng phát hành trái phiếu để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đến giai đoạn hiện nay thì các cơ quan tố tụng đã nhận diện rất rõ ràng về hành vi, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức phát hành trái phiếu.

Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp khi muốn phát hành trái phiếu, không còn chuyện thích vẽ vời về Dự án, phương án kinh doanh ra sao cũng được để huy động tiền người dân, xong rồi muốn sử dụng dụng ra sao thì sử dụng. Tất cả phải thực hiện trên cơ sở trung thực, rõ ràng, đúng mục đích và tuân thủ pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

  • Khi Thiên Nga “gãy cánh” và chuyện các đại phú gia “nhúng chàm”

    Khi Thiên Nga “gãy cánh” và chuyện các đại phú gia “nhúng chàm”

    13:30, 09/10/2022

  • Khơi thông kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp: Minh bạch thị trường

    Khơi thông kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp: Minh bạch thị trường

    17:00, 24/09/2022

  • Nghị định 65/2022: Khơi lại “huyết mạch” thị trường… trái phiếu doanh nghiệp

    Nghị định 65/2022: Khơi lại “huyết mạch” thị trường… trái phiếu doanh nghiệp

    04:00, 19/09/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhận diện hành vi lừa đảo dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO