Đó là nhận định do Viện Công nghệ Massachuset (MIT) nghiên cứu và đưa ra.
>>Giới lãnh đạo doanh nghiệp vẫn hoài nghi tiềm năng của AI
Trong năm 2023, sau khi ChatGPT của OpenAI và nhiều công cụ AI tạo sinh trở nên nổi tiếng, các doanh nghiệp và tổ chức đã dần áp dụng công nghệ này. Hàng loạt công ty công nghệ, từ Microsoft và Alphabet ở Mỹ cho đến Baidu hoặc Alibaba ở Trung Quốc đều triển khai các dịch vụ AI mới và tăng cường các kế hoạch phát triển AI tạo sinh.
Một số nhà lãnh đạo trong ngành cảnh báo AI đang phát triển với tốc độ quá nhanh. Từ đó, cộng đồng dấy lên lo ngại rằng việc áp dụng AI sẽ khiến công ăn việc làm của con người bị ảnh hưởng.
Trước tình hình ấy, MIT đã thực hiện nghiên cứu mang tên “Beyond AI Exposure”, nghiên cứu khả năng thay thế của AI đối với con người. Nghiên cứu dùng hình thức khảo sát trực tuyến để thu thập dữ liệu về khoảng 1.000 công việc có thể ứng dụng thị giác máy tính trong 800 ngành nghề, chẳng hạn giáo viên hoặc thẩm định viên tài sản. Sau đó họ mô hình hóa mức độ tiết kiệm chi phí nếu áp dụng tự động hóa trong các ngành nghề ấy.
Từ mô hình và dữ liệu, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng công nghệ chỉ có thể thay thế hiệu quả (về mặt chi phí) đối với 23% người lao động. Trong một vài trường hợp, việc cài đặt và vận hành hệ thống do AI hỗ trợ rất tốn kém, do đó dùng nhân công vẫn là cách làm kinh tế hơn.
Ngoài ra, họ cho biết hiện nay chỉ có khoảng 3% công việc có thể đạt được hiệu quả về chi phí nếu tự động hóa. Tuy nhiên con số này có thể tăng lên 40% vào năm 2030 nếu chi phí dữ liệu giảm và độ chính xác tăng.
Thị giác máy tính là một lĩnh vực sử dụng AI, cho phép máy móc lấy thông tin có ích từ hình ảnh hoặc các kiểu thông tin đầu vào hình ảnh kỹ thuật số khác. Ứng dụng phổ biến nhất của công nghệ này là trong các hệ thống phát hiện vật thể hỗ trợ lái xe tự động, hoặc phân loại ảnh trên điện thoại thông minh.
Nghiên cứu đưa ra một ví dụ điển hình về một tiệm bánh giả định. Các nhà khoa học phân tích rằng thợ làm bánh thường kiểm tra bằng mắt để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đây là một công việc có thể thay thế bằng công nghệ. Thế nhưng trên thực tế phần nhiệm vụ này chỉ chiếm 6% công việc hằng ngày của thợ làm bánh. Do đó các nhà khoa học kết luận rằng số tiền và thời gian tiết kiệm được khi triển khai camera và hệ thống AI để kiểm soát chất lượng chẳng thấm vào đâu so với chi phí phải bỏ ra nếu muốn dùng công nghệ này.
Tỷ lệ về chi phí - lợi ích của thị giác máy tính cao nhất trong các ngành như bán lẻ, vận tải và kho bãi. Hay nói cách khác, là địa bàn thống trị của các chuỗi như Walmart hoặc Amazon. Ngoài ra, nghiên cứu của MIT cho biết công nghệ này cũng rất có tiềm năng trong ngành chăm sóc sức khỏe.
Mặc dù hiện tại AI vẫn chưa hiệu quả về nhiều mặt so với con người, nhưng chưa biết tương lai sẽ thế nào. Các chatbot như Chat GPT hay Bard (Google) đang thể hiện được sự thành thạo trong những công việc tưởng như chỉ dành cho con người.
Hồi tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo gần 40% việc làm trên toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi AI và khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần cân đo đong đếm lợi ích và hậu quả khi sử dụng AI.
Trong khi đó, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi tuần trước, các cuộc thảo luận chủ yếu xoay quanh việc AI đang dần thay thế lực lượng lao động. Ông Mustafa Suleyman, người đồng sáng lập Inflection AI và DeepMind của Google, cho biết công nghệ AI “về cơ bản là công cụ để thay thế nhân công”. Tuy nhiên, với kết quả nghiên cứu này của MIT thì cái tương lai thay thế đó có vẻ vẫn còn một chặng đường khá dài, ít nhất là dưới góc độ chi phí.
Có thể bạn quan tâm