Câu hỏi “đồng chí này con đồng chí nào?” có quan trọng hơn “đồng chí này có thể làm được việc gì?”, cũng như việc trẻ già chẳng liên quan gì đến tính hiệu quả và ích lợi của một cá nhân với xã hội.
“Đồng chí này con đồng chí nào?” là một câu hỏi không phải để kiếm tìm đáp án, đúng hơn là mệnh đề phản ánh một thực trạng trong bổ nhiệm ở nước ta. Ở khắp mọi diễn đàn lớn bé thường hay bắt gặp câu hỏi như thế, trùm lên tất cả là sự hoài nghi hơn tin tưởng.
Dư luận sẽ nghĩ gì nếu ở Việt Nam có một Bộ trưởng chưa qua 30 tuổi - nếu lược ra hết “dây mơ rễ má”, người đó, hoặc bị “ném đá” cho đến “chết” hoặc phải đối diện với vô vàn cái nhìn kỳ thị.
Nhân sự trẻ trong bộ máy nhà nước ở ta không hề ít, đó là đội ngũ chuyên viên, lãnh đạo cấp phòng, bộ phận từ quận, huyện trở xuống. Và có một thứ buộc phải kinh qua đó là “quy trình”.
Ngài Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia mới được vị Tổng thống 92 tuổi bổ nhiệm năm nay vừa tròn 25 tuổi, tân Bộ trưởng vẻ ngoài điển trai kiểu trí thức, mang bộ dạng rất năng động đúng với cái tên của Bộ này.
Người ta không phải mất công xem cái “quy trình” của Malaysia là gì, chỉ biết đây là nền kinh tế hàng đầu khu vực, có diện tích tương đương Việt Nam nhưng dân số chỉ băng 1/3 nước ta, GDP đầu người trên 9.000USD, tổng sản phẩm quốc nội năm 2018 gần 300 tỷ đô.
Về lĩnh vực mà ông Bộ trưởng 25 tuổi mới nắm quyền, Malaysia không hề kém cạnh nước nào trong khu vực. Về bóng đá họ 5 lần vô địch Seagame, 1 lần đăng quang giải vô địch bóng đá Đông Nam Á.
Có thể bạn quan tâm
|
Nói như vậy để thấy rằng ở một đất nước giàu có, dũng cảm đặt một thanh niên trẻ trở thành chính trị gia trong nội các Chính phủ điều hành đất nước không phải là chiêu trò gây sốc.
Một quốc gia Châu Âu rất văn minh là nước Áo được cho tiên phong đặt niềm tin vào giới trẻ, ông Sebastian Kurz, 31 tuổi vừa thắng cử Thủ tướng nước này - đây là nguyên thủ trẻ nhất thế giới. Đáng chú ý năm 27 tuổi Sebastian Kurz đã ngồi vào ghế Bộ trưởng Ngoại giao, lúc đó ông lập kỷ lục ngoại trưởng trẻ nhất Châu Âu.
Những lãnh đạo trẻ tuổi, điều mang lại lớn nhất là cảm hứng và niềm cho giới trẻ. Nói về trọng dụng người trẻ, Việt Nam từng làm và thành công, nhất là lúc Bác Hồ còn sống.
Năm 1948 Bác Hồ phong tướng cho Võ Nguyên Giáp lúc mới 37 tuổi, năm 1940 Bác cũng từng bổ nhiệm Phạm Văn Đồng làm quản lý lúc 34 tuổi. Cả hai người sau này đều có sự nghiệp lẫy lừng.
Võ Nguyên Giáp được hội đồng khoa học lịch sử nước Anh xếp vào 1 trong 10 vị tướng lỗi lạc nhất mọi thời đại còn “đồng chí Tô” - Phạm Văn Đồng là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngay chính lúc này lớp trẻ trong khu vực công đang vướng phải nhiều thứ, hòn đá tảng đầu tiên là “quy trình”, vì “quy trình” mà người có hoài bão nảy sinh tâm lý ẩn mình chờ đời.
Tài ba lỗi lạc cỡ nào mà không hội đủ các tiêu chí “cứng” cũng phải chầu rìa, chức vụ là cuộc cạnh tranh khốc liệt chưa phải vì yêu cầu chọn lựa được người tài năng thật sự.
Đáng tiếc, vì “lợi ích nhóm thân hữu” dúi vào hình ảnh lớp trẻ vết xước oan nghiệt. Thật trớ trêu nếu một ai đó có “ghế” lúc còn quá trẻ thì lập tức phải chịu búa rìu dư luận.
Tại sao con quan không thể kế nghiệp bố mình nếu tài năng thật sự? Và tại sao hàng loạt vụ bổ nhiệm “quan trẻ” thời gian qua không ai đúng “quy trình” hoặc xuất phát từ gia đình không có lịch sử quan trường?
Điều đó vô tình bít đường thăng tiến của người trẻ, kinh nghiệm, bản lĩnh là tố chất cần thiết của người lãnh đạo, nhưng không tạo điều kiện để “kinh qua” thì sao biết ai tài, ai kém?
Một quy trình tịnh tiến trên con đường thăng tiến được cào bằng cho tất cả mọi người. Thiếu đi những “đột phá”, “ngoại lệ”. Vô hình dung cái “quy trình” lắm lúc làm nhụt ý chí phấn đấu.
“Tre già măng mọc” là thứ thuộc về quy luật sinh tồn của vạn vật, dù muốn hay không thì điều đó vẫn xảy ra. Nhưng không thể cứ thụ động ngồi chờ “măng” biến thành “tre” theo cái cách “hết người đến ta”.
Câu hỏi “đồng chí này con đồng chí nào?” có quan trọng hơn “đồng chí này có thể làm được việc gì?” Như việc trẻ già chẳng liên quan gì đến tính hiệu quả và ích lợi của một cá nhân với xã hội.