Nhiều ý kiến góp ý sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện hành, không để làm phát sinh thủ tục, giấy phép con.
Theo đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có vai trò quyết định chất lượng các sản phẩm được tạo lập của quốc gia. Trong hình thành năng lực cạnh tranh quốc gia, tiêu chuẩn, quy chuẩn có vai trò quan trọng như cơ sở hạ tầng. Vì vậy, việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là hết sức cần thiết.
Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sửa đổi (Dự thảo) đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực và phát triển tiêu chuẩn - là bước tiến quan trọng để nâng cao năng lực tiêu chuẩn hóa, góp phần giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào thị trường quốc tế. Tuy vậy, Dự thảo còn nhiều điều khoản cần làm rõ và cần có những giải pháp tiết giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trong quá trình đánh giá, xác nhận tính hợp quy sản phẩm, không để làm phát sinh thủ tục, “giấy phép con”, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới không phù hợp.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, về trách nhiệm xây dựng, thẩm định ban hành quy chuẩn kỹ thuật, Điều 27 quy định về quy trình xây dựng và thẩm định các quy chuẩn kỹ thuật, nhằm bảo đảm tính thống nhất và tránh việc tạo ra các rào cản kỹ thuật không cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tiễn, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn gặp khó khăn khi áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật vì quy trình thẩm định và ban hành còn phức tạp và kéo dài.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đơn giản hóa quy trình thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt trong các trường hợp cấp bách như phòng chống dịch và thiên tai. Dự thảo cũng cần có cơ chế rõ ràng để bảo đảm quy trình xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật không trở thành rào cản cho hoạt động thương mại và sản xuất của các doanh nghiệp.
Cũng góp ý hoàn thiện Dự thảo, đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang nhận định, dù các cơ quan quản lý đã thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhưng tiêu chuẩn, quy chuẩn vẫn có những bất cập. Hiện có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia và 800 quy chuẩn. Việc áp dụng quy chuẩn là bắt buộc, còn tiêu chuẩn là tự nguyện. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các hoạt động khi tiến hành thực hiện, người có thẩm quyền đều quy định tuân thủ bắt buộc đối với tiêu chuẩn, nhất là đối với hoạt động xây dựng công trình.
Theo đại biểu, quá trình xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn đang có xu hướng quá chi tiết, rườm rà, tập trung nhiều vào thủ tục mà chưa đặt trọng tâm vào kiểm soát chất lượng. Điều này không chỉ làm hạn chế sự sáng tạo, tăng chi phí tuân thủ mà còn dễ dẫn đến tình trạng lạc hậu khi công nghệ và vật liệu thay đổi. Thậm chí, những tiêu chuẩn sản phẩm mới phù hợp thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cũng bị chậm ban hành và áp dụng.
“Do đó, Luật cần bổ sung một điều quy định cơ chế thúc đẩy sáng kiến cải tiến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ chế giám sát của cộng đồng của Quốc hội, trách nhiệm giải trình của cơ quan ban hành để đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia luôn được cải tiến theo hướng phù hợp với hội nhập quốc tế, dễ thực hiện, chi phí tuân thủ tối ưu, có không gian sáng tạo để thúc đẩy áp dụng công nghệ kỹ thuật vật liệu mới trong thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn. Nội dung sáng kiến, giám sát, giải trình cần được thực hiện công khai và ghi nhận hoàn toàn trên môi trường số và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung điều này”, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị.
Còn theo đại biểu Thái Thị An Chung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, một số doanh nghiệp và hiệp hội phản ánh bất cập trong việc yêu cầu công bố hợp quy sản phẩm trước khi lưu hành. Quy định này bị đánh giá là thừa và mang tính hình thức, vì quá trình công bố hợp quy lặp lại các bước đánh giá cơ sở và quy trình sản xuất vốn đã được công nhận đủ điều kiện.
Ngoài ra, việc quy định sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật phải công bố hợp quy khi lưu hành đã làm phát sinh bất cập là 100% các lô hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra chất lượng mới được phép thông quan; khiến doanh nghiệp phải tốn kém thêm nhiều chi phí cho thời gian chờ làm thủ tục và các chi phí kho bãi. Trong khi đó, hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng phương pháp hậu kiểm hoặc thừa nhận lẫn nhau hoặc kiểm tra xác suất với tần suất không quá 5% số lô hàng nhập khẩu.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định tại Điều 48 Dự thảo, lắng nghe ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.